Thế giới

Máy bay chuyên tấn công mặt đất đã hết thời?

Theo Stratfor, việc Nga rút toàn bộ cường kích tại Syria về nước và chỉ dùng tiêm kích Su-30SM và Su-35 cho thấy Nga đã thay đổi chiến lược dùng vũ khí.

Theo Stratfor, việc Nga rút toàn bộ cường kích tại Syria về nước và chỉ dùng tiêm kích Su-30SM và Su-35 cho thấy Nga đã thay đổi chiến lược dùng vũ khí.

Theo Công ty phân tích tình báo Stratfor (Mỹ), sau lệnh rút quân khỏi Syria của Tổng thống Nga Putin hôm 14/3, hầu hết những cường kích Su-24, Su-25 và cả cường kích thế hệ mới Su-34 đều dã được Nga rút khỏi Syria.

Tuy nhiên, lệnh rút quân của Tổng thống Putin không nói đến việc đưa tiêm kích đa năng Su-30SM và Su-35 về nước. Và theo thông tin Stratfor thu thập được, hiện Nga vẫn dùng 2 dòng tiêm kích này thực hiện chiến dịch không kích vào lực lượng khủng bố IS tại Syria.

Vậy vì sao những cường kích huyền thoại của Nga như Su-24/25 và thậm chí là Su-34 lại không được Nga tiếp tục sử dụng? Theo phân tích của một số chuyên gia quân sự, máy bay thiết kế chuyên thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất đã không còn thích hợp trong chiến tranh hiện đại mà thay vào đó là những dòng chiến đấu cơ đa nhiệm.

Cụ thể, vấn đề đầu tiên phải kể đến là bản chất thiết kế của Su-34 đã không còn phù hợp với chiến tranh hiện đại. Vì vậy, suốt thời gian qua, các nước phương Tây không phát triển thêm một mẫu cường kích mới nào mà tập trung vào tiêm kích đa năng có tính tàng hình.

Tiêm kích đa năng Su-30SM.

Trong thời đại phát triển của hệ thống phòng không tự hành và radar bắt thấp có độ chính xác cao, nếu thực hiện cuộc tấn công mặt đất ở tầm thấp sẽ đặt Su-34 vào tình thế vô cùng nguy hiểm. Thực tế cho thấy, nhiệm vụ trên đã được nhiều nước NATO chuyển giao sang cho tên lửa hành trình và máy bay không người lái.

Một nhược điểm khác của Su-34 là hệ thống điện tử hoạt động không như mong đợi. Radar quét mạng pha thụ động Leninets V004 từng bị đánh giá là kém hiệu quả khi nhận dạng mục tiêu tại các khu vực lộn xộn như rừng núi.

Trong tác chiến đối không, loại radar này chỉ nhận biết được máy bay tiêm kích hạng nặng từ cách xa 90 km và dẫn đường cho tên lửa tiêu diệt ở cự ly 60 km. So sánh thì radar đa năng N011M BARS lắp trên Su-30SM ở chế độ đối đất, đối hải phát hiện được nhóm xe tăng từ 40 - 50 km, tàu khu trục cách 120 km và lên tới 200 km với tàu sân bay, không thua kém quá nhiều con số 250 km của V004.

Còn ở chế độ đối không, rõ ràng Su-30SM vượt trội hoàn toàn khi N011M có tầm hoạt động tới 400 km, phát hiện được tiêm kích cỡ MiG-29 từ cự ly 140 km, theo dõi 15 mục tiêu và dẫn đường cho 6 tên lửa tiêu diệt cùng lúc. Ngoài ra kết cấu cánh mũi đi kèm với động cơ kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều AL-31FP còn giúp Su-30SM có độ linh hoạt tốt hơn Su-34 rất nhiều.

Những điểm nổi trội của Su-34 như mang được tới 12 tấn vũ khí hay tầm hoạt động 4.000 km, so với tải trọng 8 tấn và tầm bay 3.000 km của Su-30SM là đáng ghi nhận.

Su-34 còn hơn Su-30SM ở chỗ được tích hợp sẵn hệ thống ngắm bắn quang điện tử dưới bụng máy bay để dẫn đường cho vũ khí đối đất, nhưng tổ hợp này vẫn bị nhận xét thua xa sản phẩm phương Tây.

Mặc dù không có hệ thống cứng nhưng Su-30SM hoàn toàn có khả năng mang pod quang điện tử Damocles của Pháp hay Lightning của Israel, khi đó nhược điểm này sẽ được khắc phục triệt để. Như vậy có thể thấy rằng, đa phần nhiệm vụ của Su-34 thì Su-30SM và cả Su-35 đều làm được trong khi áp đảo tuyệt đối ở vai trò tiêm kích chiếm ưu thế trên không.

Trực thăng Mi-28N.

Thay thế vũ khí

Trái ngược với việc tin dùng chiến đấu cơ đa năng, Nga đã rút trực thăng đa nhiệm và đưa đến Syria dàn trực thăng tấn công mạnh nhất của mình là Ka-52 và Mi-28N đến căn cứ Hmeimim (Syria).

Bằng chứng để xác nhận độ chính xác của thông tin Ka-52 và Mi-28N đến Syria chính là đoạn băng ghi hình hai chiếc máy bay trên do kênh truyền hình Zvezda của Nga và hãng thông tấn Reuters thực hiện tại căn cứ không quân Hmeimim (Syria).

Reuters đã ghi hình chiếc máy bay trực thăng Mi-28N bay ngang qua căn cứ không quân này trong vòng 15 giây. Còn chiếc Ka-52 chưa được lắp cánh quạt xuất hiện phía sau chiếc cường kích Su-24 chuẩn bị cất cánh.

Thông tin này là khá bất ngờ với phương Tây, tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên 2 loại trực thăng tấn công mạnh nhất của Nga được nhìn thấy xuất hiện tại Syria.

Cụ thể, trong hình ảnh tường thuật của truyền hình Syria về cuộc giải cứu phi công Konstantin Murahtin trong vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 tháng 11/2015 đã cho thấy sự xuất hiện hai sát thủ diệt tăng Ka-52 và Mi-28N của Nga.

Và nếu những thông tin này xác thực thì điều này cũng đồng nghĩa với việc Nga đã rút những trực thăng không chuyên dụng cho tấn công và đưa đến Syria những "sát thủ" thực sự của mình.

Theo Ngọc Hòa (Đất Việt)