Thế giới

Mưu đồ Trung Quốc bay thử nghiệm trên đảo đá Chữ Thập

Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối TQ bay thử ở đường băng xây trái phép trên đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Bộ Ngoại giao đã trao công hàm phản đối TQ bay thử ở đường băng xây trái phép trên đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước sự việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

Hành động này đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tinh thần của tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình


Cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hành động này của phía Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 20/9/2015, tạp chí quốc phòng IHS Jane's đăng ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn thiện việc xây đường băng nhân tạo phi pháp trên đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ảnh, bãi đỗ trực thăng và các khu chuyên biệt khác trên đường băng dài 3.125 m.

Việc hoàn thiện đường băng giúp Bắc Kinh đẩy nhanh tiến độ các hoạt động xây dựng hay bắt đầu tuần tra bằng đường hàng không trong khu vực.

Ngày 29/12/2015, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm để phản đối tuyên bố chủ quyền sai trái và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Công hàm nhắc lại rằng Việt Nam cương quyết bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở Biển Đông, cũng như lập luận của Trung Quốc rằng chủ quyền và những quyền liên quan của Trung Quốc ở Biển Đông đã hình thành từ rất lâu trong lịch sử.

Việt Nam cũng phản đối những hoạt động tôn tạo, xây dựng mà Bắc Kinh đang thực hiện đối với các đảo trong Biển Đông.

"Những lời tuyên bố và khẳng định của Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế", công hàm nhấn mạnh.

Đưa ra lời cảnh báo trước việc xây dựng đảo của Trung Quốc, ông Euan Graham - Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Úc) cho biết: "Những đường băng này có thể ảnh hưởng đáng kể cán cân quyền lực ở khu vực với việc giúp tăng cường hiện diện của lực lượng bảo vệ bờ biển và hải quân Trung Quốc.

Trong những giai đoạn căng thẳng, giá trị hăm dọa của các chuyến tuần tra trên không xuất phát từ những đảo nhân tạo này sẽ rất đáng kể”.

Một chuyên gia về an ninh Trung Quốc thuộc Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, nhận định: "Những đường băng này sẽ giúp các máy bay Trung Quốc nạp nhiên liệu, sửa chữa, và tái vũ trang nếu cần, mà không phải bay hơn 1.000km về căn cứ gần nhất ở đảo Hải Nam, nhà nghiên cứu Hans Kristensen".

Chuyên gia Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc CSIS và cũng là chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, lại cho rằng, Trung Quốc đang âm mưu chia cắt Biển Đông.

Đường băng trên các đảo nhân tạo cho phép Trung Quốc thiết lập một tam giác giữa trung tâm quần đảo Trường Sa, qua đó tăng năng lực tuần tra trên không và ngăn chặn trên khu vực nam Biển Đông.

Những đường băng này sẽ đẩy căng thẳng về tranh chấp chủ quyền trên biển lên cao và gây khó khan về mặt hoạt động cho các nước tranh chấp khác cũng như là các nước bên ngoài như Mỹ.

Và rất nhiều chuyên gia quốc tế khác cho hay, nằm giữa những tuyến hàng hải đông đúc, ở nơi giàu tài nguyên thủy sản và có thể có trữ lượng khoáng sản lớn, các đường băng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông sẽ tăng đáng kể ưu thế của nước này đối với việc khai thác nhiều nguồn tài nguyên chiến lược cho phát triển kinh tế.

Ngày 26/9, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cũng đã đưa ra nhận định về đường băng này: " Đường băng hoàn thành có thể cho phép Trung Quốc tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng và bắt đầu tuần tra trên quần đảo (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp".
 
>> Việt Nam phản đối Trung Quốc bay thử nghiệm ở đá Chữ Thập

Theo Sơn Ca (Đất Việt)