Thế giới

Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định khí hậu Paris

Chính quyền Trump tuyên bố hôm thứ Hai rằng sẽ chính thức rút Mỹ khỏi hiệp định khí hậu Paris, bước đầu tiên trong quá trình kéo dài một năm để rời bỏ thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm giảm phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.

"Hôm nay Mỹ bắt đầu quá trình rút khỏi Hiệp định Paris", Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong một tuyên bố. "Theo các điều khoản của Hiệp định, Mỹ đã gửi thông báo chính thức về việc rút lui của mình cho Liên Hợp Quốc. Việc rút lui sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ khi gửi thông báo".

Sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố vào năm 2017 rằng ông có ý định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris, động thái mới nhất này là một bước thủ tục sẽ dẫn đến thoái lui hoàn toàn ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020. Từ việc thay thế Kế hoạch năng lượng sạch đến cố gắng nới lỏng các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu, chính quyền Trump đang cho thấy việc thay đổi các quy định môi trường là ưu tiên hàng đầu.

Nó cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ đến phần còn lại của thế giới: rằng những tác động gây hại của biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng hơn và nước Mỹ sẽ không tham gia vào quá trình giải quyết khủng hoảng.

Trước đó, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney tuyên bố rằng biến đổi khí hậu sẽ không nằm trong chương trình nghị sự tại hội nghị G7 năm tới diễn ra tại Mỹ và sự vắng mặt của ông Trump trong cuộc hội đàm tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng 9 vừa qua, nơi các quốc gia và doanh nghiệp tụ tập để công bố kế hoạch giảm phát khí thải.

Những người chỉ trích cho rằng quyết định của chính quyền Trump có thể sẽ gây tổn hại tới vị trí của quốc gia này trên trường quốc tế.

"Sự tín nhiệm của chúng tôi thực sự ở mức thấp nhất mọi thời đại", theo ông Andrew Light, một thành viên cao cấp tại Viện Tài nguyên Thế giới và là cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã tham gia quá trình đàm phán Hiệp định Paris thay mặt cho chính quyền Obama.

Lý giải về quyết định của mình, Tổng thống Trump cho rằng Hiệp định Paris làm tổn thương công nhân Mỹ và làm giàu cho các quốc gia khác.

Những người ủng hộ Hiệp định, lại cho rằng các doanh nghiệp Mỹ đã bị bỏ lỡ một cơ hội sau khi chính phủ Mỹ rút lui.

Báo cáo năm 2016 của Tập đoàn Tài chính Quốc tế thuộc Tập đoàn Ngân hàng Thế giới cho thấy các mục tiêu của Hiệp định Paris sẽ mở ra khoảng 23 nghìn tỷ USD cơ hội đầu tư vào các thị trường đang phát triển đến năm 2030. Các nhà phê bình cho rằng với việc Mỹ rút lui khỏi các thị trường tiềm năng đã tạo thêm cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh nhảy vào.

Trong khuôn khổ Hiệp định, ngày hôm nay là thời hạn sớm nhất mà chính quyền Trump có thể thông báo cho Liên Hợp Quốc rằng Mỹ có kế hoạch rút khỏi Hiệp định.

Nhưng quá trình này không thể hoàn thành cho đến đúng một năm sau vào ngày 4/11 năm 2020, chỉ cách một ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.

Nếu Trump thua cuộc bầu cử, một Tổng thống mới có thể tham gia lại Hiệp định, nhưng sẽ phải đưa ra các cam kết khí hậu mới với Liên Hợp Quốc.

Giải quyết khủng hoảng khí hậu đã nổi lên như một vấn đề hàng đầu đối với nhiều ứng cử viên Tổng thống năm 2020 của đảng Dân chủ.

Thông báo từ Nhà Trắng được đưa ra vào thời điểm xuất hiện nhiều tín hiệu cho thấy chính sách khí hậu của Trump đang ngày càng mâu thuẫn với dư luận, các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Mỹ lo ngại về tình trạng nóng lên toàn cầu.

Nhưng vào thứ Hai, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố: "Trong các cuộc thảo luận về khí hậu quốc tế, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra một mô hình thực tế được hỗ trợ bởi các số liệu đáng tin cậy, cho thấy sự đổi mới và thị trường mở dẫn đến sự thịnh vượng hơn, lượng khí thải ít hơn và các nguồn năng lượng an toàn hơn".

Theo Huy Vũ (Ngaynay.vn)