Thế giới

Người đàn ông được trả tự do sau khi ngồi tù 57 năm, mới bước chân ra đã xin được quay lại nhà giam

Sau hơn 50 năm ở trong tù, người này đã quen với cuộc sống "bị giam giữ".

Tại huyện Di Độ, Đại Lý, Vân Nam, Trung Quốc, một câu chuyện chấn động lan truyền khắp vùng. Một ông già tên Âu Thụ bị kết án tù vì khi mới 20 tuổi. Sau 57 năm ngồi tù, cuối cùng ông được thả ra ở tuổi 77. Tuy nhiên, trái với tưởng tượng của mọi người, ông không hề vui mừng khi lấy lại được tự do. Thậm chí ông còn nói: “Tôi không muốn ra tù”.

Tại sao một người đàn ông bị giam giữ suốt nhiều năm, sắp được tự do lại phản ứng kỳ lạ như vậy? Liệu có điều gì uẩn khúc ở sau hay không?

Bản án 4 năm tù tăng lên thành 57 năm

Câu chuyện của Âu Thụ bắt đầu vào những năm 1950. Ông sinh năm 1933, mẹ mất sớm, cha bán đậu phụ để kiếm sống.

Khi đó, chàng trai Âu Thụ còn trẻ và tràn đầy năng lượng, đầy tò mò về thế giới rộng lớn. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và kinh nghiệm sống, ông đã bị lôi kéo và gia nhập một tổ chức trái quy định nên bị kết án bốn năm tù khi mới 20 tuổi. Đối với một thanh niên mới bước chân vào xã hội thì đây chắc chắn là một đòn nặng nề.

Khi ở nhà giam, Âu Thụ không ăn năn mà thay vào đó, ông cố gắng trốn thoát khỏi nhà tù khi đang thụ án. Vào năm 1957, gần tới thời điểm mãn hạn tù thì ông đã cướp súng của quản giáo và tìm cách vượt ngục. Cuộc trốn thoát không thành công, mức án của ông bị tăng thêm 15 năm.

Người đàn ông được trả tự do sau khi ngồi tù 57 năm, mới bước chân ra đã xin được quay lại nhà giam
Hình minh họa

Chỉ một năm sau lần vượt ngục đầu tiên, Âu Thụ lại tìm cách trốn thoát, rồi bị bắt một lần nữa. Lần này, bản án của ông được tăng lên mức chung thân.

Sau khi bị giam trong nhà tù số tỉnh Vân Nam, được canh phòng nghiêm ngặt, không có cơ hội trốn thoát, Âu Thụ cuối cùng “hồi tâm chuyển ý". Ông tích cực lao động và cải tạo, được giảm án nhiều lần. Cuối cùng, ông cũng được tự do sau khi ngồi tù 57 năm. Lúc này, Âu Thụ đã 77 tuổi.

Theo thời gian, ông dần quen với nếp sống của một tù nhân. Ông chứng kiến những thay đổi trong tù và dần lãng quên nhịp độ phát triển của xã hội. Cũng từ đó, cuộc sống của ông dần lâm vào bế tắc. Ông bị cô lập với thế giới bên ngoài, lặp đi lặp lại khuôn mẫu từ ngày này qua ngày khác. Cuộc sống tù đày kéo dài khiến ông dần mất liên lạc với xã hội và không biết gì về những thay đổi của thế giới bên ngoài.

Không thể làm quen với cuộc sống tự do

Vì bị bắt giam từ khi còn rất trẻ, thời gian ở trong tù kéo dài hơn 50 năm nên Âu Thụ gần như dành hết cuộc đời mình trong trại giam. Cho đến khi mãn hạn tù, ông đã là một ông lão tóc bạc trắng. Chính điều này đã trở thành rào cản của Âu Thụ khi bước chân ra ngoài.

Ông không biết sống ra sao. Ông đã quá già và chưa có vợ, cũng chẳng có con. Hiện tại, ông cũng không biết tìm người thân của mình ở đâu. Do cách ly xã hội lâu ngày nên ông và gia đình đã mất liên lạc, thậm chí họ hàng còn tưởng rằng ông đã chết từ lâu. Ông cũng không biết sử dụng điện thoại di động.

Người đàn ông được trả tự do sau khi ngồi tù 57 năm, mới bước chân ra đã xin được quay lại nhà giam - 1
Hình minh họa

Trước kia khi ở trong tù, ông có người lo cơm nước đủ ba bữa một ngày, chăm sóc sức khỏe, và có những người bạn. Khi đối mặt với thực tế khi được tự do, ông bày tỏ nguyện vọng muốn được ở lại nhưng không thể vì điều đó vi phạm pháp luật.

Sau khi ra tù, ông được cấp được chứng minh nhân dân và trợ cấp sinh hoạt tối thiểu. Xem xét khả năng làm việc và tình trạng thể chất của Âu Thụ, chính quyền địa phương đã đưa ông đến viện dưỡng lão. Mới trải qua một vài ngày, Âu Thụ đã cảm thấy không quen, khó thích ứng với môi trường này.

Quản giáo đã thuyết phục ông ở lại, nhưng trong viện dưỡng lão, sức khỏe Âu Thư ngày càng sa sút, tâm trạng không tốt và ăn rất ít. Vì ảnh hưởng tâm lý, cộng với tuổi cao sức yếu, ông chỉ sống trong viện dưỡng lão được 2 tháng. Cuối cùng, ông qua đời ở tuổi 77 trong sự cô đơn.

Nguồn: Sohu

 

Theo Thuỳ Anh (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/nguoi-an-ong-uoc-tra-tu-do-sau-khi-ngoi-tu-57-nam-moi-buoc-chan-ra-a-xin-uoc-quay-lai-nha-giam-a416980.html