Cái chết của bà Lee đã gây ra làn sóng phẫn nộ dữ dội trong dư luận Hàn Quốc, cho thấy điều kiện làm việc căng thẳng và hành vi lạm quyền của cấp trên ở ký túc xá của trường đại học danh tiếng nhất nhì nước này.

Cái chết nhân viên lao công 59 tuổi

Vào ngày 26/6 vừa qua, một nữ nhân viên lao công họ Lee, 59 tuổi, được tìm thấy đã chết trong phòng nghỉ thuộc khuôn viên ký túc xá nữ Gwanak của trường Đại học Quốc gia Seoul, 1 trong 3 ngôi trường danh giá nhất xứ sở kim chi. Được biết, bà Lee không hề có tiền sử bệnh lý nghiêm trọng.

Bà Lee làm lao công tại tòa nhà 925 thuộc khuôn viên ký túc xá đại học Quốc gia Seoul từ năm 2019. Ngày định mệnh ấy dù là dịp cuối tuần nhưng bà Lee vẫn phải đi làm từ 8h sáng để thu gom rác và dọn dẹp ký túc xá. Vào khoảng 11h48 ngày hôm đó, bà gọi điện cho con gái nhưng không rõ lúc đó bà ở đâu. Theo lịch làm việc, bà Lee sẽ tan ca vào lúc 12h trưa nhưng mãi đến 10h tối, gia đình vẫn không thấy bà trở về nên chồng bà đã gọi điện báo cảnh sát.

Phòng nghỉ dành cho nhân viên lao công trong ký túc xá Đại học Quốc gia Seoul chỉ là một khu vực rộng khoảng 3,5m2, nằm giữa khoảng không của cầu thang và tường.

Sau khi vào cuộc điều tra, cảnh sát tìm thấy bà Lee nằm chết trong phòng nghỉ nhân viên ở tòa nhà 925, dự kiến thời gian tử vong vào khoảng 11h trưa ngày 26/6. Cảnh sát cho biết họ không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy đây là vụ giết người mà xác định nguyên nhân cái chết là do bà Lee là do nhồi máu cơ tim cấp tính.

Sau đó, gia đình bà Lee và Tổng Liên đoàn Lao động Dân chủ Quốc gia đã tổ chức họp báo ngay trước cửa ban giám hiệu đại học Quốc gia Seoul vào ngày 7/7, yêu cầu nhà trường điều tra cũng như trừng trị người chịu trách nhiệm cho cái chết của bà Lee.

Nhân viên lao công bị bắt làm bài kiểm tra ngôn ngữ

Tổng Liên đoàn Lao động Dân chủ Quốc gia tin rằng cái chết của bà Lee, người không có tiền sử mắc bệnh, là do làm việc quá sức và bị căng thẳng tột độ. Được biết, tòa nhà 925 nơi bà Lee làm việc là một tòa nhà cũ kỹ, không có thang máy nhưng lại là nơi sinh sống của rất nhiều nữ sinh.

Trong thời gian làm việc, bà Lee phải mang thức ăn và rác thải (6-7 bao, nặng tổng cộng khoảng 100kg) lên đi lên xuống tòa nhà 4 tầng liên tục. Thêm nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các học sinh không đến trường, số lượng người ở lại ký túc xá càng đông, lượng rác thải ra càng nhiều khiến công việc của bà Lee càng trở nên vất vả hơn.

Vào ngày 1/6, ông Bae được bổ nhiệm làm trưởng phòng quản lý an ninh. Từ dạo đó, ông yêu cầu các nhân viên lao công họp vào mỗi thứ 4 với lời hứa sẽ chấn chỉnh các tiêu chuẩn làm việc của tổ lao công. Ông Bae còn yêu cầu các nhân viên lao công ăn mặc chỉnh tề mỗi khi đi họp nếu không sẽ bị trừ điểm trong bảng đánh giá nhân viên.

Chưa dừng lại ở đó, ông Bae còn bắt nhân viên lao công làm bài kiểm tra hàng tuần. Trong một bài kiểm tra, ông Bae yêu cầu mọi người viết chữ "Ký túc xá Gwanak" bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hán hay hỏi "cắc cớ" rằng ký túc xá mở cửa khi nào, ngày khánh thành của các tòa nhà... Sau khi có kết quả, ông Bae còn khiến cho các nhân viên cảm thấy bị xúc phạm khi công bố điểm kiểm tra mỗi cá nhân.

Đồng nghiệp của bà Lee, bà B, nói tại cuộc họp báo rằng sau khi làm bài kiểm tra, bà đã cảm thấy xấu hổ khi điểm số được công khai trước mặt đồng nghiệp. 

"Vì quên vứt thuốc diệt gián nên tôi buộc phải viết thư hối lỗi. Nhưng vì trình độ học vấn không cao nên tôi chẳng biết viết thế nào. Tôi cảm giác mình đang bị ép buộc một cách vô lý, cảm thấy bất công và tức giận vô cùng" - bà B nói.

Thậm chí, ông Bae còn yêu cầu mọi người báo cáo từng li từng tí hành động trong lúc làm việc, bao gồm nghỉ trưa ăn cơm.

Phòng nghỉ của nhân viên lao công.

Chồng nạn nhân vẫn chưa tin mọi chuyện là thật

Chồng của bà Lee, ông Lee, cũng đang là nhân viên bảo trì máy móc tại trường Đại học Quốc gia Seoul, đồng ý trả lời phỏng vấn với tờ Oh My News. Ông chia sẻ:

"Đã 10 ngày kể từ khi vợ tôi lên thiên đường nhưng mọi thứ vẫn còn mới mẻ. Vợ tôi từng làm biên tập viên cho tạp chí trong một thời gian dài và chúng tôi cũng từng là thành viên của tổ chức phi chính phủ tại Senegal vào năm 2017. Sau khi trở về Hàn Quốc, vợ tôi làm thủ thư tại thư viện thành phố trước khi nhận công việc ở Đại học Quốc gia Seoul vào khoảng năm 2019".

"Tôi đứng đây với hy vọng các đồng nghiệp của người vợ quá cố của mình không phải làm việc trong môi trường tồi tệ thế này. Người lao động không phải kẻ thù, đừng đối xử với họ bằng thái độ ép buộc. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải đảm bảo môi trường làm việc không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người lao động" - ông Lee nói tiếp.

Cũng trong ngày hôm đó, Tổng Liên đoàn Lao động Dân chủ Quốc gia đã gửi một bức thư phản đối tới Chủ tịch Oh Se-jeong của Đại học Quốc gia Seoul, nói rằng, "Một trường học dung túng và bảo vệ những người quản lý có hành vi lạm quyền tại nơi làm việc phải đưa ra biện pháp xử lý thỏa đáng cùng lời xin lỗi chính thức". Tổng Liên đoàn Lao động Dân chủ Quốc gia cũng yêu cầu thành lập nhóm điều tra vụ việc riêng và cách chức ông Bae.

Tổng Liên đoàn Lao động Dân chủ Quốc gia và đông đảo đồng nghiệp của bà Lee biểu tình đòi lại công lý cho người đã khuất.

Phản ứng của nhà trường

Chiều ngày 7/7, đại diện Đại học Quốc gia Seoul đã trả lời phỏng vấn với Oh My News thông qua điện thoại, cho biết họ đang tiến hành điều tra vụ việc và xử lý hành vi lạm quyền của ông Bae. 

Người đại diện này cho biết, mục đích của các bài kiểm tra ngôn ngữ được ông Bae đưa ra là để nhân viên lao công biết tên tiếng Anh của nơi mình làm việc. Ngoài ra, ông cũng phản bác thông tin công khai điểm số bài kiểm tra của tất cả mọi người mà khẳng định, họ chỉ công bố 3 người đạt thứ hạng cao nhất mà thôi. 

Nói về trường hợp cái chết của bà Lee, đại diện nhà trường cho biết: "Chúng tôi hiện đang tổ chức kiểm tra về khối lượng công việc và khu vực làm việc của bà Lee".

Hiện tại, vụ việc vẫn đang được điều tra và các thông tin liên quan đều nhận được sự quan tâm cực lớn của dư luận Hàn Quốc.

Theo Thái Anh (Pháp Luật & Bạn Đọc)