Thế giới

UNESCO chia sẻ về việc Di sản Thế giới ở Okinawa bị lửa tàn phá

UNESCO bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với người dân Nhật Bản, và đặc biệt là cư dân vùng Okinawa, đã mất đi một biểu tượng văn hóa và lịch sử của quần đảo Ryukyu. UNESCO sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản khắc phục các hậu quả xảy ra tại nơi được công nhận Di sản Thế giới này.

UNESCO chia sẻ về việc Di sản Thế giới ở Okinawa bị lửa tàn phá

Vào sáng sớm ngày 31/10, một số tòa nhà, bao gồm Lâu đài Shuri đã bị hư hại do hỏa hoạn lớn. Lâu đài Shuri bao gồm ba tòa nhà chính, được xây dựng lại sau Thế chiến II. Công trình này được phục dựng dựa trên tài liệu chi tiết của bản gốc và được công nhận là phục dựng nguyên trạng.

Lâu đài Shuri được xây dựng từ thời Okinawa tồn tại độc lập cho đến khi sáp nhập vào Nhật Bản năm 1879. Lâu đài được xây dựng kết hợp lối kiến trúc Trung Hoa và bản địa Okinawa, đã từng bị phá hủy hoàn toàn trong trận chiến giữa quân đội Mỹ và Nhật trong Thế chiến II. Năm 1992, lâu đài được phục dựng lại trên nền cũ. Đến năm 2000, lâu đài và các di tích khác trên đảo Okinawa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới của Nhật Bản, và sau đó trở thành địa điểm tổ chức Hội nghị G-8 năm 2000. Nơi đây trở thành một địa điểm du lịch được ưa thích với vai trò là biểu tượng cho sự hồi sinh của Okinawa sau chiến tranh.

Di sản thế giới UNESCO này đại diện cho 500 năm lịch sử của Ryukyu (thế kỷ 12-17). Các tàn tích của các lâu đài là bằng chứng cho cấu trúc xã hội trong suốt thời kỳ đó, trong khi các địa điểm linh thiêng là minh chứng cho sự tồn tại hiếm hoi của một hình thức tôn giáo cổ xưa. Các mối quan hệ kinh tế và văn hóa trên phạm vi rộng của quần đảo Ryukyu trong thời kỳ đó đã tạo ra một nền văn hóa độc đáo.

Theo Hani (Ngaynay.vn)




https://ngaynay.vn/tam-nhin-unesco/unesco-chia-se-ve-viec-di-san-the-gioi-o-okinawa-bi-lua-tan-pha-158840.html