Thế giới

Vì sao IS tuyên bố bắn hạ máy bay Nga

Việc chi nhánh IS tại Ai Cập tuyên bố đã gây ra vụ rơi máy bay Nga đang khiến cả thế giới chú ý, dù nhiều khả năng đây chỉ là hành động phô trương thanh thế.

Việc chi nhánh IS tại Ai Cập tuyên bố đã gây ra vụ rơi máy bay Nga đang khiến cả thế giới chú ý, dù nhiều khả năng đây chỉ là hành động phô trương thanh thế.

Cho đến nay, có nhiều giả thuyết được đưa ra để lí giải nguyên nhân máy bay của hãng hàng không Nga Kogalymavia rơi hôm 31/10 tại Sinai, Ai Cập. Chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Ai Cập là Tỉnh Sinai (Wilayat Sinai) đã tuyên bố nhóm đứng sau vụ việc.
 
Theo các chuyên gia, kể từ khi tuyên bố trung thành với IS tháng 11/2014, năng lực chiến đấu của phiến quân đã không ngừng mở rộng và nâng cao sức mạnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là khả năng của nhóm trong việc lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công đã đạt đến tầm có thể bắn hạ máy bay, các chuyên gia nhận định.
 

Lính Ai Cập thu dọn đồ đạc cá nhân của nạn nhân vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập. Ảnh: AP

"Tôi không mấy ngạc nhiên khi họ tuyên bố đã làm việc đó", nhưng "với tôi thì tuyên bố đó khó có thể là thật", Harleen Gambhir, nhà phân tích chống khủng bố tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định.

Đại diện của IS ở Sinai

Khi bắt đầu nổi lên năm 2011 và được biết đến với cái tên Ansar Beit al-Maqdis, hay Người ủng hộ Jerusalem, mục tiêu của nhóm này bao gồm hủy diệt Israel và tạo lập một nhà nước Hồi giáo tại bán đảo Sinai. Ansar Beit al-Maqdis thực hiện nhiều vụ tấn công qua biên giới vào Israel, và được tin là đã đánh bom đường ống vận chuyển khí đốt tới Israel và Jordan, theo Trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ.

Ansar Beit al-Maqdis cũng tiến hành những vụ tấn công chết người nhằm vào các chốt quân sự của Ai Cập và tuyên bố nhận trách nhiệm vụ đánh bom một xe buýt chở du khách tháng 2/2014, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.

Sau đó, tháng 11/2014, Ansar Beit al-Maqdis tuyên bố trung thành với IS và trở thành chi nhánh của nhóm này ở Ai Cập, đổi tên thành Tỉnh Sinai.

Đầu tháng 7, Tỉnh Sinai tiến hành một loạt vụ tấn công đẫm máu nhằm vào các chốt kiểm soát của quân đội Ai Cập tại Sinai, khiến ít nhất 70 người thiệt mạng, và tìm cách kiểm soát vùng đất này. Do ở các cuộc tấn công trước, nhóm này thường rút lui sau khi tấn công, vụ việc hồi tháng 7 khiến nhiều nhà phân tích xem là một bước ngoặt quan trọng.

"Việc xâm chiếm một thành phố, kiểm soát các tòa nhà là một diễn biến mới, và nó tương tự như các vụ giành quyền kiểm soát các thành phố tại Iraq và Syria mà chúng ta đã thấy", Zack Gold, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu An ninh quốc gia, tại Tel Aviv, Israel bình luận trên tờ Guardian.

Ông nhận xét thêm rằng "sự kiện này khác với các cuộc tấn công hồi tháng một, khi một loạt các vụ tấn công đồng thời được thực hiện, nhưng sau đó các chiến binh lại biến mất".

Một phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh chỉ ra rằng, vụ tấn công đó "báo hiệu sự chuyển biến rõ ràng về năng lực và mục tiêu của Tỉnh Sinai". Nó cũng cho thấy IS đang "xuất khẩu chiến tranh trên bộ sang cho các chi nhánh", báo cáo viết.

Nhưng liệu những diễn biến đó có đồng nghĩa với việc nhóm này thực sự đủ khả năng bắn hạ máy bay ở độ cao gần 10.000 m hay không vẫn còn là điều rất đáng ngờ. Tỉnh Sinai khẳng định thực hiện vụ tấn công để trả đủa các vụ không kích của Nga tại Syria, mà theo ước tính của một nhóm hoạt động, đã tiêu diệt 131 chiến binh IS.

Tỉnh Sinai từng công bố các đoạn video tuyên truyền, cho thấy nhóm này sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không di động (MANPADS), theo một bài viết hồi tháng 7 của tạp chí IHS Jane's. Tuy nhiên, những tên lửa vác vai này chỉ có thể vươn tới độ cao khoảng hơn 3.000 m, thấp hơn nhiều so với độ cao gần 10.000 mà chiếc máy bay Nga được cho là đã hoạt động trước khi rơi.
 

Tin Sinai  được tin là sở hữu các hệ thống tên lửa phòng không vác vai. Ảnh: IHS Jane's

Bà Gambhir cho rằng việc nhóm này có thể bắn hạ máy bay với các tên lửa MANPAD là hoang đường. Một vụ tấn công như vậy vượt xa tầm những vụ tấn công Tỉnh Sinai vẫn thường thực hiện, như "các vụ tấn công trên mặt đất, với thiết bị nổ tự chế, bom xe, các loại vũ khí hạng nhẹ", chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhấn mạnh.

Một khả năng khác là nhóm này đã khiến chiếc máy bay bị rơi, không phải bằng cách bắn hạ, mà thông qua các hình thức khác, như đánh bom liều chết, hoặc gài bom trên khoang.

"Nhóm này xưa nay thường không đưa ra những tuyên bố bịa đặt lớn, nhưng đồng thời rất đáng ngờ khi chúng lại tuyên bố nhận trách nhiệm mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào", học giả Gold bình luận. "Chúng có năng lực quân sự, nhưng để thực hiện hành động khủng bố dạng đó (trên một chuyến bay) chúng cần phải cho thấy tính tổ chức cao mà trước giờ chưa có".

Phô trương thanh thế

Theo Sergey Markedonov giáo sư tại Đại học Nhân văn Nga, để hiểu rõ chiến lược của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, cần phải hiểu rằng chiếc lược của họ không theo logic truyền thống. Mục tiêu chính của chúng là reo rắc sự sợ hãi, mà sợ hãi sẽ nhân rộng do nhận thức sai lầm. Thông qua cách tiếp cận này, những kẻ khủng bố muốn áp đặt tầm nhìn và cách diễn giải của mình, bằng cách cho thấy chúng là những kẻ nắm thế chủ động.

Với việc kết quả cuộc xung đột tại Syria vẫn là điều khó đoán định, trong khi tình hình nội tại ở các quốc gia Trung Đông khác như Ai Cập, Libya vẫn là những mối lo ngại nghiêm trọng, IS nhận thấy họ phải phô trương năng lực của mình.

"Đó là những gì quan trọng đối với IS. Nhóm muốn phô diễn khả năng của mình, đặc biệt là để thuyết phục những kẻ ủng hộ  rằng chúng đủ mạnh để trả đũa kẻ thù của mình, đặc biệt là Nga", Fawaz Gerges, từ trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London nói.

Theo Markedonov, một lý do khác để IS nhận trách nhiệm về vụ rơi máy bay là các mạng lưới khủng bố hiện đại không chỉ dừng lại ở các vụ tấn công hoặc gây nổ, mà còn ở việc giành quyền kiểm soát, hoặc ít nhất giành sự ảnh hưởng trong không gian thông tin. Khả năng kiểm soát thông tin là một yếu tố rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn.

Bà Gambhir chỉ ra rằng IS và các nhánh của tổ chức này gần đây đã gia tăng đe dọa nhắm vào Nga, và bằng việc nhận trách nhiệm với thảm kịch vừa qua, dù có thật hay không, nhóm này đã thành công trong việc trở thành trung tâm của câu chuyện. "Chúng đã đạt được mục đích", Gambhir nói.

Ngoài ra, một nguồn tin an ninh nói rằng những kẻ khủng bố có sự quan tâm đặc biệt đến việc tấn công vào máy bay thương mại. "Chúng tôi đã thấy trong vụ khủng bố 11/9, vụ đánh bom máy bay Lockerbie, nhiều cuộc tấn công vào đại sứ quán và tàu Mỹ rằng các nhóm khủng bố đã dành thời gian tìm hiểu xem những biện pháp nào hiệu quả và lặp đi lặp lại chúng".

"Tuy nhiên, việc cho phát nổ một chiếc máy bay chở khách là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng, không chỉ vì nó reo rắc nỗi sợ với cả thế giới, mà còn vì nó cho thấy khả năng qua mặt các biện pháp an ninh".
 
Theo Hoàng Nguyên (VnExpress.net)