Thế giới

Việt Nam khuyến cáo công dân không đến vùng sóng thần ở Indonesia

Sứ quán Việt Nam tại Indonesia chưa có thông tin về người Việt bị ảnh hưởng bởi sóng thần nhưng sẵn sàng hỗ trợ người mắc kẹt.

Việt Nam khuyến cáo công dân không đến vùng sóng thần ở Indonesia
Thi thể nạn nhân được tập hợp ở tỉnh Banten, Indonesia chiều 23/12.

Tối 22/12, các vùng ở khu vực eo biển Sunda của Indonesia như Serang, Pandeglang và Nam Lampung hứng chịu cơn sóng thần khiến 168 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Nguyên nhân nhiều khả năng là hệ quả từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatau, ngọn núi phun trào 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Indonesia để tìm hiểu thông tin và được biết tính đến 10h30 hôm nay chưa ghi nhận thông tin người Việt bị ảnh hưởng trong thảm họa.

Sứ quán "đề nghị người Việt tại Indonesia không di chuyển tới vùng ảnh hưởng của sóng thần", thông cáo của cơ quan nhấn mạnh.

Cộng đồng người Việt định cư tại Indonesia dao động từ 70 đến 100 người, tập trung chủ yếu ở Jakarta, Bali, Bandung, Surabaya và Batam. Trong trường hợp cần sự trợ giúp khẩn cấp, liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia qua đường dây nóng: +62 21 31907165 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân: +84981848484.

Số người chết trong sóng thần Indonesia tăng lên hơn 200

222 người đã chết, 843 người bị thương và 28 người đang mất tích. Con số này sẽ còn tăng cao do nhiều nạn nhân không được sơ tán, các trung tâm y tế chưa báo cáo về số người đang điều trị và nhiều khu vực chưa có thống kê đầy đủ", AFP dẫn lời Sutopo Nugroho, người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia, hôm nay cho biết.

Liên đoàn các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (IFRC) nhận định số nạn nhân sẽ tăng cao khi tình hình tại các vùng thảm họa trở nên rõ ràng hơn. "Số người chết có thể tiếp tục thay đổi trong vài ngày, thậm chí nhiều tuần tới", Kathy Mueller, quan chức IFRC, cho biết.

Sóng thần tràn vào một số khu vực của eo biển Sunda, gồm các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung vào tối 22/12. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ hoạt động của núi lửa Anak Krakatau, khi nó phun trào chỉ 24 phút trước khi sóng thần diễn ra.

Theo Vũ Anh (VnExpress.net)