Thế giới
13/07/2025 17:36Vụ 233 trẻ nhiễm độc chì tại trường mẫu giáo: Chính quyền trung ương vào cuộc
Vụ bê bối nhiễm độc chì tại một trường mẫu giáo ở thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc (tây bắc Trung Quốc) tiếp tục làm dậy sóng dư luận sau khi chính quyền trung ương vào cuộc điều tra chính thức. Đây là phản ứng hiếm thấy từ Quốc vụ viện - cơ quan cấp cao nhất trong chính phủ Trung Quốc - đối với một sự cố cấp địa phương.
Theo truyền thông trong nước, 233 trong tổng số 251 trẻ theo học tại ngôi trường này được phát hiện có nồng độ chì trong máu vượt ngưỡng an toàn, trong đó gần 100 em có chỉ số trên 200 mcg/L - mức được xác định là nhiễm độc chì nghiêm trọng.
Ban đầu, kết quả xét nghiệm do địa phương cung cấp đều cho kết quả "bình thường", khiến phụ huynh yên tâm. Tuy nhiên, sau khi nhiều gia đình đưa con đến thăm khám tại bệnh viện ở Tây An, Bắc Kinh và Thượng Hải, các chỉ số thực sự mới được hé lộ, cao gấp hàng chục lần con số ban đầu.
Theo Đài phát thanh Quốc gia Trung Quốc (CNR), một phụ huynh được thông báo con mình “bình thường” ở Thiên Thủy, nhưng khi kiểm tra lại ở Tây An thì phát hiện nồng độ chì lên tới 528 microgam/lít.
Báo chí nhà nước cho biết 70 trẻ kiểm tra tại Tây An vượt ngưỡng nhiễm độc chì, trong đó 6 em có nồng độ vượt 450 mcg/L. Tuy nhiên, chính quyền không công khai toàn bộ dữ liệu xét nghiệm tại địa phương.
Trong báo cáo điều tra, chính quyền cho biết đã lấy mẫu thực phẩm, nước uống, đất ngoài trời, thiết bị... tại trường và 3 cơ sở liên quan. Hai mẫu thực phẩm - bánh hấp ba màu chà là và xúc xích ngô - được phát hiện có lượng chì cao gấp hơn 2.000 lần ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia.
Tuy nhiên, kết luận này không làm dịu dư luận. “Các con chỉ ăn món bánh hấp và bánh ngô cuộn xúc xích 1-2 lần mỗi tuần, sao có thể bị nhiễm độc nặng như vậy?”, một phụ huynh họ Ngô đặt câu hỏi với CNR.
Tổ điều tra cấp cao vào cuộc, nghi nhà trường dùng sơn độc trong thực phẩm
Chính quyền tỉnh Cam Túc cho biết, tổ điều tra cấp tỉnh do bí thư Tỉnh ủy và tỉnh trưởng chủ trì, phối hợp cùng cảnh sát, thanh tra kỷ luật, các bộ ngành y tế - môi trường và Ủy ban An toàn thực phẩm Quốc vụ viện.

Heshi Peixin Kindergarten/WeChat
Công an địa phương cũng đã tạm giữ 8 người liên quan, bao gồm hiệu trưởng trường mầm non, sau khi họ bị nghi sử dụng sơn công nghiệp không dùng cho thực phẩm để tạo màu cho món bánh.
Tuy nhiên, công chúng vẫn nghi ngờ về kết luận này. Nhiều người cho rằng khó có thể tin một đầu bếp lại cố ý trộn sơn độc vào đồ ăn trẻ em. Phụ huynh nghi ngờ các nguyên nhân khác như ô nhiễm nguồn nước, không khí hoặc vật liệu xây dựng.
Dư luận kêu gọi minh bạch thông tin sự việc
Sự việc lần này khiến nhiều người liên tưởng đến vụ nhiễm độc chì tại Thiên Thủy năm 2006, khi hơn 200 người dân bị phát hiện có nồng độ chì cao nhưng lại nhận kết quả "bình thường" từ trung tâm xét nghiệm của chính quyền. Nghi ngờ khi đó đổ dồn về nguồn nước ô nhiễm từ các nhà máy hóa chất, nhưng chính quyền khẳng định các nhà máy đều “đạt chuẩn”.
Các chuyên gia truyền thông và luật sư cho rằng việc che giấu thông tin trong các vụ việc an toàn công cộng khiến khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn khi sự thật bị phanh phui.
“Chính quyền địa phương nên hoàn toàn minh bạch và cho phép điều tra độc lập để bảo đảm công bằng”, một luật sư từng đại diện nạn nhân trong vụ nhiễm độc chì nói với báo chí.
Trước đó, ngày 11/7, CNN cho biết đã nhiều lần cố gắng liên hệ với chính quyền Thiên Thủy và Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc nhưng không nhận được phản hồi.
Phụ huynh yêu cầu bồi thường, khám sức khỏe định kỳ cho các em nhỏ bị nhiễm độc chì
Theo SCMP, hiện các em nhỏ đang được điều trị bằng thuốc natri canxi edetat - giúp thải chì ra khỏi cơ thể qua thận. Phụ huynh yêu cầu chính quyền chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí điều trị, đi lại, bồi thường tổn thương tinh thần và cam kết khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho các em bị nhiễm độc trong nhiều năm tới.
Các bậc cha mẹ cũng đề nghị được cung cấp đầy đủ hồ sơ mua hàng, chế biến thực phẩm của nhà trường để kiểm chứng xem sơn thực sự có được đưa vào thức ăn hay không. Đồng thời, họ muốn các cơ quan chức năng loại trừ khả năng ô nhiễm từ môi trường sống xung quanh, như nước ngầm hay nhà máy công nghiệp.
Theo hướng dẫn hiện tại của Trung Quốc, nồng độ chì trong máu từ 100 mcg/L trở lên được xem là bất thường, từ 200 mcg/L là nhiễm độc. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này vẫn thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - vốn đề nghị can thiệp y tế từ mức 50 mcg/L.
Dự thảo quy định mới của Trung Quốc năm 2021 từng nêu rằng với trẻ dưới 6 tuổi, mức chì từ 50-100 mcg/L có thể gây chậm phát triển, giảm khả năng nhận thức và rối loạn tập trung. Tuy vậy, đến nay, chưa rõ các quy định mới này có được áp dụng hay không.
Tin cùng chuyên mục








-
"Hot girl" nổi tiếng Ngân Baby vừa bị tạm giữ là ai? (13/07)
-
Truy tìm ‘Trung cá chép’, kẻ đánh người để livestream câu like (13/07)
-
Sao Malaysia lớn giọng, gián tiếp “tuyên chiến” U23 Việt Nam (13/07)
-
Kẻ sát hại mẹ vợ bị bắt khi lẩn trốn sang Campuchia (13/07)
-
1 dấu hiệu báo động bệnh ung thư chỉ có thể phát hiện vào ban đêm (13/07)
-
Lập trình viên quê Phú Thọ suy thận nặng, 2 quả thận lúc nhúc hàng trăm viên sỏi: Bác sĩ tóm gọn bằng 6 chữ ‘chí mạng’ (13/07)
-
Nữ nghệ sĩ đình đám phải rời showbiz vì clip chấn động, U50 lẻ bóng, không con cái ở xứ người (13/07)
-
Ông bà dặn: "Cửa chính không đối diện 3, cửa sổ không đối diện 4", ý nghĩa sâu xa không phải ai cũng biết (13/07)
-
Cảnh sát hình sự thụ lý vụ TikToker Hà List bị chém gần đứt lìa bàn tay (13/07)
-
Loạt hiện tượng bất thường trong 2 tháng qua: Con người đang phải trả giá bằng nhiều mạng sống! (13/07)
Bài đọc nhiều




