Thế giới

Vừa gia nhập tòa án ban lệnh bắt ông Putin, đồng minh truyền thống của Nga lại 'ngỏ ý' với 2 ông lớn NATO

Thủ tướng Armenia thừa nhận đã phụ thuộc nhiều vào Nga.

Armenia thừa nhận phụ thuộc nhiều vào Nga

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết, Armenia không còn có thể dựa vào Nga với tư cách là đối tác quốc phòng và quân sự chính vì Moscow đã nhiều lần làm họ thất vọng. Chính vì vậy, Yerevan phải nghĩ đến việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ và Pháp - hai thành viên hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Armenia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giáp Georgia, Azerbaijan, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, từ lâu đã coi Nga là đồng minh lớn. Tuy nhiên, hãng tin Reuters (Anh) cho biết, kể từ khi Thủ tướng Pashinyan lên nắm quyền vào năm 2018, ông đã nhiều lần khiến Điện Kremlin tức giận.

Thủ tướng Pashinyan nói với Armenian Public Radio (Đài phát thanh Armenia) khi được hỏi về cải cách lực lượng vũ trang Armenia: “Chúng tôi cần hiểu chúng tôi thực sự có thể duy trì mối quan hệ quân sự-kỹ thuật và quốc phòng với ai. Trước đây, vấn đề này đơn giản. 95-97% quan hệ quốc phòng của chúng tôi là với Nga. Bây giờ điều này không thể vì cả lý do khách quan lẫn chủ quan".

MOOLX4ODR5M6NKUMAC6QL4UVEY.avif
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hồi tháng 5/2023. Ảnh: Reuters

Ông Pashinyan cho biết Armenia nên suy nghĩ về mối quan hệ an ninh mà nước này nên xây dựng với Mỹ, Pháp, Ấn Độ và Georgia.

Thủ tướng Pashinyan cũng đặt câu hỏi liệu Armenia có nên tiếp tục là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu hay không, đồng thời cho biết Armenia cần một chiến lược an ninh quốc gia mới và sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội của mình.

Tổng thống Vladimir Putin tháng trước nói rằng việc rời CSTO không có lợi cho Armenia.

Armenia gia nhập ICC - Nga lên tiếng

Trong một diễn biến mới đây, Guardian đưa tin hôm 31/1 rằng Armenia đã chính thức gia nhập Tòa án hình sự quốc tế (ICC). Đây là động thái mà Nga - đồng minh truyền thống của Armenia - coi là không thân thiện.

Tòa án ICC hồi tháng 3 đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine. Yerevan hiện sẽ có nghĩa vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân lên lãnh thổ.

"Quy chế ICC Rome chính thức có hiệu lực đối với Armenia vào ngày 1/2," đại diện của nước này về các vấn đề pháp lý quốc tế Yeghishe Kirakosyan, nói với AFP.

Người phát ngôn Điện Kremlin ông Dmitry Peskov cho biết, Armenia đã đưa ra một quyết định sai lầm. Bộ Ngoại giao Nga lên án hành động này là một bước đi không thân thiện.

AP869861533656.webp
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov

Thủ tướng Armenia trấn an Nga

Thủ tướng Armenia, Nikol Pashinyan, đã cố gắng trấn an Nga rằng đất nước của ông chỉ giải quyết những vấn đề nước láng giềng Azerbaijan gây ra trong cuộc xung đột kéo dài giữa họ và không nhằm vào Moscow.

Kirakosyan cho biết: “Việc gia nhập ICC mang lại cho Armenia những công cụ quan trọng để ngăn chặn tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trên lãnh thổ của mình."

Tuy nhiên tờ Guardian (Anh) đánh giá, động thái của Armenia cho thấy sự chia rẽ ngày càng tăng giữa Moscow và Yerevan. Armenia ngày càng tức giận khi cho rằng Điện Kremlin không hành động để hỗ trợ  nước này trong vấn đề tranh chấp với Azerbaijan.

Nhà phân tích độc lập Vigen Hakobyan nói với AFP: “Armenia hy vọng rằng bằng cách gia nhập ICC - một bước đi nhạy cảm đối với Nga - họ có thể nhận được sự đảm bảo an ninh từ phương Tây. Nhưng rõ ràng họ đã làm căng thẳng mối quan hệ với Nga khi chưa nhận được sự đảm bảo an ninh thực sự."

Theo Duy Anh (Đời Sống & Pháp Luật)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/search?q=V%E1%BB%ABa%20gia%20nh%E1%BA%ADp%20t%26ograve%3Ba%20%26aacute%3Bn%20ban%20l%E1%BB%87nh%20b%E1%BA%AFt%20%26ocirc%3Bng%20Putin%2C%20%C4%91%E1%BB%93ng%20minh%20truy%E1%BB%81n%20th%E1%BB%91ng%20c%E1%BB%A7a%20Nga