Thế giới

'Xiconomics': Ông Tập chi phối định hướng kinh tế Trung Quốc dài hạn

Những nội dung được đề cập trong học thuyết mang tên chủ tịch Trung Quốc sẽ là nguyên tắc định hướng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 5 đến 10 năm tới.

"Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới trong lĩnh vực kinh tế" được giới thiệu và thông qua tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, kết thúc hôm 20/12. Hội nghị có sự tham gia của Quốc vụ viện (chính phủ) và đại diện các ban Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo South China Morning Post, tài liệu này đã chính thức thừa nhận vai trò lãnh đạo của ông Tập trong việc hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc (Xiconomics), việc vốn được xem là trách nhiệm của Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Giáo sư Christopher Balding của Trường Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến nhận định việc đưa tên ông Tập vào tài liệu này có thể được xem là bước củng cố vai trò ra quyết định của chủ tịch Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

"Rõ ràng là ông Tập đã trở thành đầu tàu trong các chính sách kinh tế, một vai trò thường dành cho thủ tướng", ông Balding nói. "Việc này đã chính thức hóa những điều hiển nhiên bấy lâu nay".

'Xiconomics': Ông Tập chi phối định hướng kinh tế Trung Quốc dài hạn
Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường tại đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017. Ảnh: Getty.

Thay đổi lớn của đường hướng kinh tế năm nay thay vì nhìn vào 12 tháng tới thì tập trung vào các mục tiêu dài hạn hơn, nhắm vào các "trận chiến chính": kiểm soát nguy cơ tài chính, giảm đói nghèo, hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Giới chuyên gia đánh giá ông Tập đang tiếp cận với định hướng dài hạn để giải quyết các vấn đề lớn thay vì nhắm vào tăng trưởng ngắn hạn như trước. 

Trung Quốc trong hai năm qua đang cố tránh khủng hoảng kinh tế sau cơn địa chấn thị trường tài chính hồi 2015 khiến 5.000 tỷ USD bị "quét sạch" khỏi thị trường chứng khoán. Những lo lắng về thị trường nợ nước này khiến hệ thống tài chính nước này trong tình trạng khá mong manh.

Động thái diễn ra chỉ 2 tháng sau khi học thuyết chính trị mang tên ông Tập được đưa vào điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, khiến ông trở thành lãnh đạo quyền lực nhất nước này kể từ thời Mao Trạch Đông.

Chuyên gia kinh tế Lu Zhengwei của Ngân hàng Công nghiệp nói sự ủng hộ của hội nghị kinh tế trung ương vừa qua với "Tư tưởng Kinh tế Tập Cận Bình" đồng nghĩa với việc những nguyên tắc điều hành đất nước của ông sẽ được duy trì cho đến khi Trung Quốc đạt được bước chuyển lớn về trọng tâm phát triển. Điều này dường như không thể xảy ra trong vòng 5 đến 10 năm tới.

"Tuân theo học thuyết kinh tế của Tập không có nghĩa là theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng thực sự mà là theo đuổi các nguyên tắc và lý tưởng về quản trị trong đó. Tôi tin rằng những lý tưởng và nguyên tắc này sẽ còn được duy trì cho đến khi chúng ta thay đổi được 'mâu thuẫn xã hội' tại Trung Quốc", ông Lu nói.

Theo đảng Cộng sản Trung Quốc, "mâu thuẫn xã hội" là rào cản chính cho sự phát triển của xã hội nước này. Trong hơn 3 thập kỷ qua, khái niệm này được mô tả là căng thẳng giữa sự gia tăng về nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân với sự sụt giảm của sức sản xuất xã hội.

Tuy nhiên, tại đại hội đảng lần thứ 19 hồi tháng 10, khái niệm này được tái định nghĩa là "sự phát triển thiếu cân bằng và không tương xứng" ngăn cản con người xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)