Video

13 năm tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội chưa hẹn ngày về đích

17 năm sau ngày dự án được phê duyệt, 13 năm thi công, qua 4 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND TP Hà Nội, siêu công trình đường sắt đô thị số 3 tiếp tục nhiều lần lỡ hẹn về đích.

 

Đầu tháng 8, thay vì chạy đoạn trên cao như dự tính, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội tiếp tục được chốt lùi vận hành đến cuối năm nay. Và đến tận năm 2027 người dân mới được đặt chân lên tuyến tàu điện đi dưới lòng đất đầu tiên của Hà Nội sau hai thập kỷ chờ đợi (tính từ ngày dự án phê duyệt).

Trong hành trình khảo sát dọc trục đường sắt đô thị tuyến số 3, phóng viên chọn điểm đầu tiên là khu vực cất giữ tàu (còn gọi là depot) nằm trên địa bàn phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm. Công trình có diện tích 15ha với khu nhà hành chính gồm ba khối: nhà điều hành (OCC); nhà chứa tàu; nhà bảo dưỡng kỹ thuật điện và các hạng mục phụ trợ khác. Dự án này được khởi công từ cuối năm 2013, đến nay đã gần tròn 10 năm. 

Ngoài các công trình kỹ thuật, ở khu cất giữ tàu còn có hồ điều hòa sâu 3m để điều tiết nước mưa và tạo cảnh quan. Tổng giá trị hợp đồng gói thầu của khu depot ban đầu là hơn 600 tỷ đồng, nhưng sau đó đã phát sinh thành 950 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2021, 10 đoàn tàu sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu (hãng Alstom) đã được đưa về cất giữ tại đây. Các toa tàu, thiết bị được chế tạo ở Pháp, bảo đảm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và có độ an toàn cao. 

Điểm đầu của tuyến metro lần lượt đi qua các địa bàn từ phường Tây Tựu qua Minh Khai, Phú Diễn, Phúc Diễn, nơi mật độ dân cư cũng như quá trình đô thị hóa chưa phát triển mạnh so với đoạn giữa và cuối hành trình.

Hồi tháng 3, Hà Nội đã đề xuất vận hành đoạn trên cao vào tháng 8/2023 thay vì cuối năm 2022 như cam kết trước đó. Tuy nhiên, đến nay sắp gần hết tháng 8, kế hoạch này thêm một lần nữa được lùi lại. 

Lý giải việc chậm tiến độ khai thác đoạn trên cao, UBND TP Hà Nội cho biết, năng lực của nhà thầu thực hiện công trình depot Nhổn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp của các sở ngành chưa tốt. Ngoài ra, UBND thành phố chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành và có vướng mắc liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.

Hàng loạt ga dọc tuyến thời điểm này đều được phủ bạt, lắp cửa tạm bợ ngăn người lạ vào. Bên trong vẫn ngổn ngang các hạng mục và vật liệu xây dựng, ban ngày không có công nhân làm việc. Trước đó, cách đây ít tháng, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay, sau hơn một năm dừng (từ tháng 9/2021) do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, gói thi công ngầm metro Nhổn - Ga Hà Nội đã hoạt động trở lại và đang làm ba ca liên tục, kể cả dịp nghỉ lễ.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã dài 8,5km và đoạn đi ngầm Kim Mã - Ga Hà Nội dài 4km. Trong ảnh là ga Minh Khai - ga thứ hai tính từ đầu tuyến.

Hình ảnh tại các địa bàn phường Phú Diễn, Phúc Diễn với mật độ dân cư đông đúc, cửa ngõ huyết mạch hướng Tây Bắc, nơi có lưu lượng phương tiện dày đặc ra vào trung tâm Thủ đô.

Đường phía dưới tuyến metro là quốc lộ 32, trục huyết mạch phía Tây Thủ đô này từng được ví là "con đường đau khổ" bởi bị ngừng trệ thi công mở rộng khoảng 8 năm (từ 2003 đến 2011).

Trên hành trình tuyến đường sắt đô thị, đến khu vực quận Nam Từ Liêm có thể thấy rõ các tòa nhà cao tầng dày đặc. Người dân sinh sống ở các khu đô thị như Goldmark City, khu tái định cư Kiều Mai, Mỹ Đình đều có thể chọn vị trí lên, xuống ở các ga Phú Diễn, Cầu Diễn và Lê Đức Thọ (trong ảnh).

Cảnh quan nổi bật hai bên tuyến đường sắt là khu vực nghĩa trang Mai Dịch và Công viên Hồ điều hòa trên đường Hồ Tùng Mậu. 

Ngồi trên tàu, hành khách từ trên cao dễ dàng ngắm cảnh quan xanh mát của Công viên Hồ điều hòa Mai Dịch. Lưu thông từ hướng ngoại thành vào trung tâm, dễ dàng nhận thấy phía trước là những tòa nhà chọc trời, tạo cảm giác như thể đây là Bangkok, Hong Kong...

Hình ảnh trên trục đường Xuân Thủy, bên trái là các khu nhà của Đại học Quốc gia, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; bên phải là tòa nhà Indochina Plaza Hanoi (IPH). Đây là nơi có mật độ phương tiện và dân cư rất dày đặc bởi tập trung nhiều cơ sở đào tạo giáo dục, dạy nghề. 

Theo tính toán, với đường ray khổ 1,435m, tốc độ tàu trung bình 37km/h, tối đa 80km/h, đi toàn tuyến metro người dân chỉ mất 20 phút, thay vì di chuyển bằng xe máy trong nội đô tốn khoảng 1 giờ đồng hồ.

Ga ĐH Quốc gia Hà Nội là ga trên cao thứ 6 của chặng, nằm ngay trước cửa tòa nhà IPH và ĐH Sư phạm. Dự kiến, khi hoạt động đây là nơi mỗi ngày có lượng hành khách lên xuống rất đông.

Trên dọc lộ trình tuyến metro hiện có 31 tuyến buýt hoạt động và đủ điều kiện kết nối với đường sắt trên cao Nhổn - Cầu Giấy. Dự kiến dọc trục đường này còn có thêm 12 tuyến buýt (3 tuyến được điều chỉnh) giúp hành khách đi lại thuận tiện giữa các loại hình vận tải công cộng. Hình ảnh ga Chùa Hà trên đường Cầu Giấy.

Ga Cầu Giấy nằm ngay cửa Trường ĐH Giao thông Vận tải. Ngay phía dưới chân công trình có một bãi khoảng không rộng từng là điểm trung chuyển xe buýt lớn nhất Hà Nội vài năm trước.

Năm 2020, trong một buổi gặp gỡ báo chí, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery khẳng định tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội này rất đặc biệt bởi đã tập hợp những công nghệ hiện đại của nhiều doanh nghiệp Pháp trong lĩnh vực đường sắt đô thị (metro), huy động các kỹ sư dày dặn kinh nghiệm và các cộng tác viên quốc tế của Pháp từ khắp nơi trên thế giới. Trong ảnh là ga Cầu Giấy và điểm cuối của chặng đi trên cao, bên hồ Thủ Lệ. 

Dự án cũng sử dụng nguồn tài trợ từ Chính phủ Pháp và một số nhà tài trợ châu Âu cũng như Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Hình ảnh công trường thi công ga Kim Mã, điểm đầu của tuyến ngầm để đi xuyên lòng đất đi tới ga Hà Nội.

Hình ảnh tại công trường ga ngầm (trước cửa Ga Hà Nội) được thi công từ ngã ba Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn tới lối rẽ vào phố Trần Bình Trọng. Hiện tổng thể dự án đạt khoảng 75,6%, trong đó tiến độ đoạn trên cao 97,6%, đoạn ngầm 33%. Được biết, dự án vẫn gặp khó khăn về thi công, thanh toán khối lượng đã hoàn thành cho các nhà thầu do chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư trước ngày 31/12/2022 như kế hoạch. Trước đó, 3/9 nhà thầu đã có văn bản tạm dừng thi công từ đầu tháng 2/2023.

Hiện, vào ban ngày xung quanh đây chỉ xuất hiện lác đác một vài công nhân làm việc. Giống như ở hai bên công trường ga ngầm Kim Mã, người dân sống trong các ngôi nhà mặt đường từ đầu phố Trần Hưng Đạo kéo dài đến ngã ba Yết Kiêu bị đình trệ kinh doanh buôn bán. Dự án metro này sẽ không chỉ dừng lại ở đoạn Nhổn-ga Hà Nội mà còn được triển khai kéo dài thêm 8km (đi ngầm) từ phố Trần Hưng Đoạn (quận Hoàn Kiếm) đến quận Hoàng Mai. 

Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội tiếp tục lùi thời gian vận hành đoạn trên cao

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm vướng mắc, đưa đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác cuối năm 2023.

Hồi tháng 3, thành phố Hà Nội đề xuất vận hành đoạn trên cao vào tháng 8/2023 thay vì cuối năm 2022 như cam kết trước đó. Tuy nhiên, đến nay tàu vẫn chưa chạy ở đoạn trên cao.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9/2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016. Tuyến đường sắt đô thị này có chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm.

Hơn 13 năm thi công, đến nay tiến độ dự án mới đạt khoảng 75%. Dự án còn được tăng tổng mức đầu tư từ 18.000 tỷ đồng lên 34.532 tỷ đồng.

Tuyến metro số 3 khi đưa vào khai thác dự kiến vận chuyển 8.600 hành khách/giờ và mỗi chiều trong thời gian đầu, trước khi tăng lên mức vận chuyển tới 23.900 hành khách/giờ. Tuyến đường này được cho là có khả năng giảm tới 20.000 tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính mỗi năm, từ đó góp phần chống biến đổi khí hậu.

Theo Hoàng Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/13-nam-tuyen-metro-nhon-ga-ha-noi-chua-hen-ngay-ve-dich-2179503.html