Xã hội

"Dân cần những bí thư lăn vào cuộc sống"

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Lê Nam cho biết, người dân cần những bí thư lăn vào cuộc sống và đang theo dõi từng bước đi, việc làm của Bí thư TP HCM Đinh La Thăng.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Lê Nam cho biết, người dân cần những bí thư lăn vào cuộc sống và đang theo dõi từng bước đi, việc làm của Bí thư TP HCM Đinh La Thăng.

Sáng 28/3, thảo luận về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng “báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII như một bức tranh đẹp, có phần lãng mạn. Tuy nhiên, sau mỗi lần rời nghị trường vẫn bao trăn trở, ưu tư vì còn nhiều việc nợ dân nợ nước”.

Người dân theo dõi từng bước đi của Bí thư Thăng

Đại biểu Nam chia sẻ, trong xây dựng pháp luật, dường như vai trò của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chỉ là khâu cuối cùng. Nhiều mong đợi của nhân dân, nhiều bức xúc của cuộc sống, nhiều trí tuệ và tâm huyết đã không được đưa vào pháp luật. Đó là nguyên nhân của tình trạng pháp luật không đi vào cuộc sống, luật thì nhiều nhưng nhân dân lo lắng vì bệnh nhờn luật và có một bộ phận trong xã hội vẫn tự cho mình đứng lên trên pháp luật.
 

Đại biểu Lê Nam cho biết, dân cần những người bí thư lăn vào cuộc sống. Ảnh:Quochoi.vn


Theo ông Lê Nam, nhiều đại biểu, nhiều đảng viên cộng sản, lão thành cách mạng tha thiết đề nghị cần có luật về hoạt động của đảng trong điều kiện đảng cầm quyền và nhà nước cầm quyền.

Vị đại biểu cũng cho rằng nhân dân cả nước rất quan tâm theo dõi, ủng hộ từng bước đi, việc làm của Bí thư thành ủy TP HCM Đinh La Thăng.
 

Nhiều đại biểu, nhiều đảng viên cộng sản, lão thành cách mạng tha thiết đề nghị cần có luật về hoạt động của đảng trong điều kiện đảng cầm quyền và nhà nước cầm quyền.

Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Thanh Hóa)
"Nhân dân chán những cán bộ chỉn chu, trau chuốt với những ngôn từ “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao…”, ông Nam phân tích.

Vẫn theo đại biểu Nam, “Nhân dân và cán bộ đảng viên cần những người bí thư lăn vào cuộc sống. Những bí thư có đủ quyền hành nhưng cũng đủ những ràng buộc về trách nhiệm, hoạt động công khai, minh bạch, được đảm bảo cho họ bằng pháp luật để những hy sinh, sáng tạo, cống hiến của họ được đến với nhân dân”.
 
Ông Nam cũng đánh giá bức tranh tổng kết nhiệm kỳ có thể xung đột với một miền Tây Nam Bộ rất trù phú và hiền hòa đang lùi dần vào dĩ vãng. Một Tây Nguyên khô khát giữa tháng ba. Và, Biển Đông cũng chưa ngừng nổi sóng.

“Tôi đề nghị những trăn trở, âu lo đó cần phải thể hiện đầy đủ hơn trong tổng kết của nhiệm kỳ này, mặc dù nó chỉ còn ý nghĩa để chúng ta bàn giao lại cho Quốc hội khóa sau” - đại biểu Lê Nam trăn trở.

Quốc hội còn nặng về cơ cấu

Trong khi đó đại biểu Phạm Đức Châu cho hay, Quốc hội hiện nay vẫn nặng về cơ cấu, khó chọn ra người giỏi, người tài. Trong khi đó báo cáo tổng kết không đánh giá cụ thể, ai hoạt động ra sao, các đại biểu đều giống nhau hết.

"Hai năm gần đây, Quốc hội bỏ tiền cho đại biểu thuê chuyên gia tư vấn nhưng chưa đánh giá hiệu quả ra sao. Có đại biểu không phát biểu gì, không biết thuê chuyên gia ra sao. Đây là lãng phí rất lớn. Quốc hội nên xem xét kỹ" - ông Châu nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đánh giá, nhiều đại biểu ứng cử tại địa phương nhưng chưa phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của địa phương.

"Năm nay ở nơi này, năm sau ứng cử nơi khác. Đại biểu phải gắn bó với cử tri nơi mình ứng cử, phải làm được điều gì cho cử tri nơi mình ứng cử. Thúc đẩy đại biểu nói tiếng nói của cử tri, không phải tiếng nói của người khác" - ông Thuyền nói.

Đại biểu Thuyền cho biết về chức năng giám sát của Quốc hội, dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng cử tri vẫn băn khoăn. "Nói Quốc hội phải làm việc lớn nhưng việc nhỏ không giải quyết được, các ông làm sao làm được việc lớn" - ông Thuyền nói.

>> Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước
>> Bí thư Đinh La Thăng thăm Hội sách TP HCM
>> "TP.HCM phải trở thành đặc khu kinh tế như Thượng Hải"


Theo Công Khanh - Phương Loan (Zing.vn)