Xã hội

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang về cho Việt Nam khoảng 22 tỷ USD dù chưa tính tiền bán vé?

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án này sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm vào tăng trưởng GDP trong quá trình xây dựng.

Ba tỉnh dự kiến đặt 2 nhà ga hành khách

Ngày 1/10, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức công bố các nội dung chính liên quan đến dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ kéo dài khoảng 1.545 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tuyến đường đôi, có khổ ray 1.435 mm và tốc độ tối đa lên đến 350 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 67,3 tỷ USD).

Tuyến đường sắt này sẽ đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố, chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách, đồng thời đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có khả năng vận chuyển hàng hóa khi cần thiết. Dọc theo tuyến sẽ có 23 ga hành khách, khoảng cách trung bình giữa các ga là 67 km, được bố trí gần các trung tâm kinh tế, chính trị của từng địa phương.

Riêng Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận sẽ có 2 ga để đảm bảo tàu chạy với tốc độ tối đa (320 km/h) trên 70-80% chiều dài giữa các ga dừng. Khoảng cách để tăng tốc khoảng 7,2 km và giảm tốc khoảng 9,5 km.

Ngoài ra, để đảm bảo nhu cầu quốc phòng, an ninh và vận chuyển hàng hóa, trên tuyến đường này sẽ có 5 ga hàng tại các trung tâm vận tải lớn.

Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng 5 depot phục vụ việc tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng tàu khách (tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. HCM) và 4 depot để bảo dưỡng tàu hàng (tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang về cho Việt Nam khoảng 22 tỷ USD dù chưa tính tiền bán vé?
Tàu tốc độ cao đi qua các tỉnh ven biển miền Trung. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Các vị trí đặt ga cụ thể được dự kiến: ga Ngọc Hồi (gần khu công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội) - ga Phủ Lý (cách trung tâm Tp. Phủ Lý, Hà Nam khoảng 4km) - ga Nam Định (cách trung tâm TP.Nam Định khoảng 6km về phía Tây) - ga Ninh Bình (khu vực Mai Sơn, TP.Ninh Bình).

Sau ga Ninh Bình đến ga Thanh Hóa (tại phường Đông Sơn, cách trung tâm thành phố khoảng 3-4km) và ga Vinh (dự kiến vị trí ga đường sắt hiện nay).

Tiếp đến là ga Hà Tĩnh (nằm ở phía Tây TP.Hà Tĩnh) - ga Vũng Ánh (Tx.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) - ga Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) - ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) - ga Huế (phường Xuân Thủy, Tp. Huế; cách ga hiện tại khoảng 2km) - ga Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, cách trung tâm thành phố khoảng 6km, cách sân bay Đà Nẵng khoảng 4km).

Tiếp đến là ga Tam Kỳ (đặt phía Tây Tp. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) - ga Quảng Ngãi (Tp. Quảng Ngãi) - ga Phù Mỹ (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định để kết nối với Tp. Quy Nhơn).

Sau đó đến ga Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên, cách trung tâm Tp. Tuy Hòa khoảng 8km, cách sân bay Tuy Hòa khoảng 2,2km) - ga Nha Trang (tại xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa khoảng 4,5km).

Từ ga Nha Trang sẽ đến ga Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận, đặt tại phường Đô Vinh, cách Tp. Phan Rang khoảng 5km về phía Tây) - ga Tuy Phong (xã Hòa Minh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) - ga Phan Thiết (xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết, Bình Thuận).

Từ Bình Thuận sang đến tỉnh Đồng Nai là ga Long Thành (trung tâm sân bay quốc tế Long Thành) và tiếp đến ga cuối là ga Thủ Thiêm (tại quận 2, Tp. Hồ Chí Minh).

Đường sắt tốc độ cao mang lại lợi ích nào cho các địa phương nơi đặt nhà ga hành khách?

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm rằng, trong quá trình xây dựng và vận hành, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ kêu gọi đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga, đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu; đối với phần phương tiện, sau khi đầu tư giao cho doanh nghiệp khai thác kết cấu hạ tầng vận hành và trả nợ chi phí đầu tư. 

Dự án này, theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm vào tăng trưởng GDP trong quá trình xây dựng. 

Các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Số tiền ước tính này chưa tính tiền bán vé các chặng.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các địa phương nơi đặt nhà ga hành khách. Cụ thể:

Đường sắt tốc độ 350km/h sẽ giúp các địa phương kết nối nhanh chóng với những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, hay các tỉnh thành khác. Điều này làm giảm khoảng cách địa lý, giúp việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động trở nên thuận tiện hơn, từ đó thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế. 

Những địa phương có nhà ga của đường sắt tốc độ cao sẽ thu hút nhiều du khách hơn nhờ khả năng di chuyển nhanh chóng, tiện lợi. Các chặng Hà Nội đi Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ chỉ mất lần lượt là 1,3 giờ; 2,7 giờ và 4,3 giờ, nhanh hơn nhiều so với đường sắt hiện hữu và ô tô khách. Thậm chí có chặng ngắn còn nhanh hơn đi máy bay (nếu tính cả thời gian chờ đợi).

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ mang về cho Việt Nam khoảng 22 tỷ USD dù chưa tính tiền bán vé? - 1
Đường sắt tốc độ cao sẽ thúc đẩy du lịch phát triển hơn nữa. Ảnh minh họa bằng AI ChatGPT

Các điểm đến du lịch nổi tiếng hoặc tiềm năng sẽ có cơ hội đón tiếp thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, tạo động lực cho các ngành dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, và bán lẻ phát triển. 

Việc có hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, sẽ là yếu tố quan trọng giúp các địa phương thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp sẽ thấy lợi thế trong việc đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, và khu dịch vụ gần các nhà ga để tận dụng sự thuận lợi trong vận chuyển và logistic. 

Cùng với đó, sự hiện diện của đường sắt tốc độ cao tại một địa phương thường kéo theo sự gia tăng giá trị bất động sản. Các khu vực xung quanh nhà ga có thể trở thành điểm nóng về phát triển đô thị và dịch vụ, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương. 

Việc đi lại nhanh chóng giữa các thành phố và khu vực khác nhau sẽ giúp tạo điều kiện cho lao động di cư và phát triển thị trường lao động. Người dân ở các tỉnh xa có thể dễ dàng làm việc tại các trung tâm kinh tế mà vẫn có thể về quê hương thường xuyên, giảm áp lực dân số cho các thành phố lớn. 

Hạ tầng giao thông tốt hơn không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân. Việc di chuyển nhanh chóng, thuận tiện góp phần giảm thời gian đi lại, tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ xã hội khác. 

TOD - Transit Oriented Development là khái niệm lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống công trình phụ trợ xung quanh.

Nhằm phát triển một cách hài hoà và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, mục tiêu của TOD là tạo ra sự thuận tiện với người đi bộ, người đi làm hàng ngày, khách du lịch..

Thiết kế tại các khu vực TOD sẽ lấy ga tàu điện là trung tâm khu vực. TOD thiết kế tổ hợp các cơ quan, hệ thống bán hàng hoặc vui chơi giải trí, nó mang đến cho con người nhiều cơ hội lựa chọn đi bộ hơn tới điểm đến cuối cùng của họ, làm tăng sự thân thiện giữa con người đối với môi trường tự nhiên.

Theo Thái Hà (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-se-mang-ve-cho-viet-nam-khoang-22-ty-usd-du-chua-tinh-tien-ban-ve-a469258.html