Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

Ghép phổi là cơ hội cuối cùng nhưng có cứu được bệnh nhân 91?

Tính tới hôm nay (12/5), bệnh nhân 91 (nam phi công, người Anh, 43 tuổi) đã trải qua 55 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, trong đó có 38 ngày can thiệp ECMO.

Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết: “Bệnh viện đang làm lại toàn bộ xét nghiệm để đánh giá chức năng của phổi, tim mạch và các cơ quan trong cơ thể người bệnh. Đồng thời, tiếp tục các xét nghiệm tầm soát vi khuẩn bội nhiễm. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn chuyên môn để xem xét tình hình”.

Trước đó, hội đồng chuyên môn xem xét khả năng chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Chợ Rẫy để ghép phổi. Tuy nhiên, nam phi công chưa đủ điều kiện ghép phổi và còn nhiễm trùng nặng nên tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

TS Châu cũng cho biết từ khi nhập viện đến nay, nam phi công không có thân nhân, bạn bè liên hệ thăm hỏi tình hình. Bệnh nhân cũng không có người thân tại Việt Nam. Đại sứ quán Anh có liên lạc bệnh viện để nắm thông tin về bệnh nhân.

Toàn bộ chi phí điều trị cho nam bệnh nhân này sau 55 ngày điều trị và 36 ngày can thiệp ECMO do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả. Đến nay, chi phí khoảng 3 tỷ đồng. Chi phí ghép tạng dự kiến khoảng 1-1,5 tỷ đồng. Với tình trạng phổi hiện tại, bệnh nhân phải tiếp tục sử dụng ECMO thêm vài tuần đến vài tháng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng Chuyên môn - cho hay nam phi công đang trong tình trạng 2 phổi đông đặc. Do vậy, việc sử dụng máy thở không còn hiệu quả, bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO, nguy cơ phổi trở thành “ổ vi khuẩn”.

Đánh giá về hy vọng đối với trường hợp này, một bác sĩ chuyên về hồi sức tích cực cho biết ECMO chỉ là can thiệp để duy trì sự sống cho người bệnh trong thời gian chờ phổi phục hồi. Tuy nhiên, phổi của bệnh nhân này rất xấu, các cơ quan khác cũng tổn thương, khả năng ghép phổi và tỷ lệ thành công rất khó nói.

“Nếu ghép thành công, cơ thể thích nghi tốt, bệnh nhân có thể uống thuốc ức chế miễn dịch, chống thải ghép trong vòng 3-4 năm. Nếu có dấu hiệu đào thải, người bệnh phải uống thuốc này gần như suốt đời”, chuyên gia cho biết.

Một chuyên gia về truyền nhiễm khác cũng nhận định ghép phổi là cơ hội cuối cùng của bệnh nhân 91. Nếu có tạng để ghép ngay, bệnh nhân có hy vọng cao. Tuy nhiên, bệnh nhân phải tìm được lá phổi tương thích.

“Bệnh nhân là người châu Âu, cấu trúc gen khác nên phổi được hiến tặng phải tương thích theo cân nặng, chiều cao, kích thước phổi mới đủ điều kiện ghép”, chuyên gia cho biết.

Ghép phổi là cơ hội cuối cùng nhưng có cứu được bệnh nhân 91?
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM - nơi đang điều trị cho bệnh nhân 91

Bệnh nhân 91 là ca mắc Covid-19 nặng nhất hiện nay, diễn biến sức khỏe rất thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ và không bệnh nền. Phổi bệnh nhân đông đặc, mẫu bệnh phẩm nhiều lần âm tính rồi dương tính nCoV trở lại.

Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine", tức hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bộ Y tế đã mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị rối loạn đông máu cho bệnh nhân.

Bệnh nhân là phi công hãng Vietnam Airlines, ngụ ở TP HCM và từng tới một số địa điểm ăn uống, giải trí, trong đó có Buddha Bar & Grill, ổ dịch lớn nhất thành phố.

HP (Nguoiduatin.vn)