Xã hội

Hà Nội có thêm 3 F0 trong một nhà bị 'bỏ quên', người dân nên làm gì khi phát hiện test nhanh dương tính?

Không chỉ ở Hoàng Mai, ngay giữa Quận Đống Đa cũng có gia đình 3 F0 bị “bỏ quên” từ 12/12 đến nay chưa có hướng giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Infonet, chị Trịnh Thị Hồng Ánh, trú tại số nhà 97 ngõ Hoàng An, phường Trung Phụng, Quận Đống Đa, Hà Nội cho biết gia đình chồng chị có 7 người sinh sống cùng một nhà.

Mẹ chồng có biểu hiện cúm, chị mua test nhanh về thử lên dương tính, Hồng Ánh nghi ngờ (vì khu đó có trường hợp F0) nên đã báo ra phường.

Sau đó, mẹ chị được xác định F0 và được đưa đi điều trị hôm 10/12. 6 người còn lại F1 trong gia đình đi xét nghiệm đến ngày 12/12, 3 người có kết quả dương tính tiếp.

“Từ đó đến nay, 3 F0 không được đưa đi viện hay thuốc thang gì. Tất cả đều có triệu chứng như cúm thường – hắt hơi, ngạt mũi, mất khứu giác”, chị Hồng Ánh cho hay.

Điều khiến người phụ nữ này lo lắng, lên mạng cầu cứu là vì trong 3 F0 hiện đang ở cùng nhà có một bé 9 tuổi là con chị bị bại não, động kinh.

“Với bệnh nền như vậy không có thuốc điều trị em sợ ảnh hưởng nhưng khi em gọi ra y tế phường rất nhiều lần thì chỉ được nói là chờ nơi tiếp nhận vì quá tải hết.

Trường hợp con nhà em, y tế phường cũng biết nhưng không biết làm thế nào vì tất cả quá tải rồi. Họ chỉ hướng dẫn gia đình bổ sung thuốc vitamin, tăng đề kháng, nước cam chanh hàng ngày, sốt thì cho hạ sốt”, chị Hồng Ánh lo lắng và cho biết “đến giờ gia đình vẫn phải chờ”.

Dù hoàn toàn ủng hộ phương án F0 thể nhẹ, không triệu chứng được điều trị ở nhà nhưng điều chị Hồng Ánh bức xúc “nếu cho F0 ở nhà thì ít nhất phường cũng nên phát thuốc cho người bệnh điều trị hay hướng dẫn mua thuốc điều trị”.

“Bé nhà em bị bệnh nền, vừa bị bại não, vừa động kinh nên không dám cho uống thuốc linh tinh nhưng cũng không biết phải làm như thế nào. Không hiểu chờ đến bao giờ, có cảm giác như bị bỏ mặc?”, chị Hồng Ánh hoang mang.

Theo lời người phụ nữ này nhà chị chật không đủ điều kiện cách ly do đó hiện nay có 3 F1 thì 1 bé 7 tháng, 1 bé 14 tuổi đều chưa được tiêm mà vẫn phải sống chung cùng F0. Hiện tại các F0 được dồn vào ở phòng riêng nhưng không tránh được khi sinh hoạt vẫn bị chung đụng, chỉ hạn chế nhất có thể.

“Như thế liệu có đảm bảo không lây chéo không vì hiện tại 3 F1 đều đang có triệu chứng hắt hơi ngạt mũi”, chị Hồng Ánh băn khoăn.

Hà Nội có thêm 3 F0 trong một nhà bị 'bỏ quên', người dân nên làm gì khi phát hiện test nhanh dương tính?
Chị Hồng Ánh phải lên mạng cầu cứu

Test nhanh tại nhà phát hiện dương tính, người dân nên làm gì?

Đánh giá về tình hình dịch hiện tại ở Thủ đô khi các ca nhiễm liên tục đạt "đỉnh", Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, người dân vẫn phải tuân thủ biện pháp 5K, lực lượng chức năng vẫn phải nhanh chóng xét nghiệm khoanh vùng xử lý các ổ dịch.

"Giờ được điều trị cách ly theo dõi tại nhà nên người dân yên tâm, khi có vấn đề gì hoặc tự xét nghiệm dương tính phải liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể. Sẽ phải xử lý rác thải y tế riêng, rác thải sinh hoạt xử lý bình thường.

Mỗi quận, huyện sẽ phải ký hợp đồng với công ty môi trường nào đó chịu trách nhiệm xử lý việc này", ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, số ca mắc tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng nữa, hơn 1.000 ca/ngày chưa phải "nổ", dự kiến có thể lên đến vài nghìn ca.

"Tất cả kịch bản Hà Nội cũng đã lường tính cụ thể. Tuy nhiên, ở mức độ nào chúng ta sẽ sẽ xử lý mức độ đó và làm một cách phù hợp nhất. Cùng với đó, hàng xóm cũng đóng vai trò rất quan trọng cùng chính quyền địa phương phối hợp, giám sát, hỗ trợ những gia đình có F0, F1 để không tiếp xúc với người ngoài", ông Tuấn nhấn mạnh.

Liên quan đến việc các gia đình có nhiều F0 nhưng chưa được đưa đi cách ly, một chuyên gia y tế khuyến cáo trong trường hợp này, người dân cần bình tĩnh, tự cách ly tại nhà trong bối cảnh F0 tăng lên rất nhanh.

Hiện, Hà Nội thực hiện "thích ứng an toàn với dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nên việc gia tăng F0 là "điều không thể tránh khỏi". Thành phố cũng chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid-19 (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu nguy cơ tử vong.

"Theo thống kê, 80 - 85% bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng. Trong thời gian đợi kết quả xét nghiệm PCR, họ cần bình tĩnh và tự cách ly. Điều quan trọng nhân viên y tế cơ sở biết cách điều phối. Nếu F0 chuyển nặng, cần chuyển ngay tuyến trên, giảm thiểu nguy cơ tử vong", vị này nói và cho biết, ở nhà tự điều trị có thể còn tốt và thoải mái hơn vào khu thu dung, điều trị.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/ha-noi-co-them-3-f0-trong-mot-nha-bi-bo-quen-nguoi-dan-nen-lam-gi-khi-phat-hien-test-nhanh-duong-tinh-tintuc801361