Xã hội

Hà Nội: Vì sao quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập?

Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) cho biết, căn cứ tiêu chí về diện tích thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sắp xếp lại. Tuy nhiên, quyết này còn phụ thuộc vào yếu tố đặc thù như lịch sử, văn hóa.

Sáng 1/8, bên lề hội thảo về sửa đổi Luật Thủ đô, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) đã giải thích về thông tin quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã ở Hà Nội thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo ông Thành, tiêu chí để sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã được nêu rõ tại Nghị quyết 1211 và Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết đưa ra các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và yếu tố đặc thù để đơn vị chức năng xem xét, quyết định có sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã hay không.

Hà Nội: Vì sao quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập?
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương trao đổi với báo chí về thông tin sáp nhập quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Quang Phong)

Quá trình sắp xếp, cơ quan chức năng xem xét yếu tố đặc thù như đơn vị hành chính hoạt động ổn định từ năm 1945 đến nay và có yếu tố liên quan đến văn hóa, lịch sử truyền thống.

“Hiện nay mới đánh giá theo tiêu chí dân số, diện tích tự nhiên thì quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp lại. Ngoài ra còn yếu tố đặc thù của quận Hoàn Kiếm, được nêu cụ thể trong Nghị quyết 35, gồm: Điều kiện giao thông, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử… Các yếu tố này sẽ là căn cứ để quyết định có sáp nhập hay không”, ông Thành nói.

Thực tế quận Hoàn Kiếm không đáp ứng đủ tiêu chí về diện tích tự nhiên theo quy định. Cụ thể, theo Nghị quyết 1211 của Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận phải có từ 150.000 người trở lên, rộng 35 km2 trở lên và 12 phường trực thuộc. Trong khi đó, quận Hoàn Kiếm chỉ có 5,5 km2, quy mô dân số khoảng 155.000 người.

“Theo quy định, nếu một quận chỉ đạt 20% diện tích tự nhiên thì dân số phải đạt trên 200% thì mới không thuộc diện phải sắp xếp. Đó là chưa tính tới yếu tố lịch sử”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương giải thích.

Ông Nguyễn Hữu Thành cho hay, thông tin được lãnh đạo TP Hà Nội nêu quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 chỉ là số liệu rà soát, sau đó thành phố còn phải xây dựng phương án cụ thể.

“Theo quy trình, Hà Nội phải xây dựng phương án tổng thể về sắp xếp đơn vị hành chính. Sau đó Bộ Nội vụ và cơ quan chức năng sẽ xem xét có quyết định sắp xếp lại đơn vị hành chính đó hay không”, ông Nguyễn Hữu Thành nói thêm.

Trước đó, ngày 31/7, báo cáo tại hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025, thành phố có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Hà Nội: Vì sao quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập? - 1
Khu vực quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hoàng Hà

Hoàn Kiếm là quận trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của thủ đô, có 190 di tích lịch sử văn hóa, di tích nổi tiếng, gồm: Quần thể di tích hồ Gươm - đền Ngọc Sơn - đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê, cửa Ô Quan Chưởng, Nhà hát Lớn Hà Nội, nhà tù Hỏa Lò, Nhà Thờ Lớn, tượng đài Lý Thái Tổ, Bưu điện Hà Nội, chợ Đồng Xuân…

Theo điều 7 Nghị quyết 1211, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận gồm: Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên, số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên.

Điều 2 Nghị quyết 35 thể hiện, nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cần chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 3 Nghị quyết 35, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có một trong các yếu tố đặc thù sau đây thì không bắt buộc thực hiện sắp xếp.

Cụ thể, có địa giới đơn vị hành chính đã hình thành ổn định và từ năm 1945 đến nay chưa có thay đổi, điều chỉnh lần nào; có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh hoặc có đặc điểm về truyền thống lịch sử, văn hóa… 

Theo Quang Phong (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/ha-noi-vi-sao-quan-hoan-kiem-thuoc-dien-phai-sap-nhap-2172157.html