Xã hội

Không chỉ Việt Nam thiếu vắc xin 5 trong 1

Chính phủ Malaysia cũng đang đối phó với tình trạng thiếu vắc xin Pentaxim nên mới đây buộc phải đưa ra biện pháp tạm thời giải quyết vấn đề này.

Chính phủ Malaysia cũng đang đối phó với tình trạng thiếu vắc xin Pentaxim nên mới đây buộc phải đưa ra biện pháp tạm thời giải quyết vấn đề này.

Theo Beritadaily, Bộ Y tế Malaysia vừa quyết định lùi thời điểm tiêm vắc xin 5 trong 1 với trẻ được 18 tháng hoãn đến 24 tháng để giải quyết tình trạng thiếu hụt vắc xin ở quốc gia này.

Người đứng đầu ngành Y tế Malaysia, ông Datuk Dr Noor Hisham Abdullah cho hay, đây được coi là biện pháp tạm thời để giải quyết tình trạng thiếu hụt vắc xin 5 trong 1. Ông Datuk cho rằng động thái này cũng để đảm bảo đầy đủ vắc xin cho trẻ mới sinh được 2, 3 và 5 tháng. Ba liều tiêm chủng ban đầu rất quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và Haemophilus influenzae loại B.

Trước đó, các phương tiện truyền thông Malaysia cũng nêu vấn đề do chỉ có một nhà cung cấp vắc xin nên cung không đủ cầu, dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng.

Ảnh minh họa


Sắp tới, lượng vaccine 5 trong 1 cung cấp cho Malaysia sẽ chỉ phát chủ yếu ở các cơ sở y tế chuẩn nhà nước. Tuy nhiên, Bộ Y tế Malaysia cũng sẽ bảo đảm 10% nguồn cung sẽ được phân phối cho các cơ sở y tế khác bao gồm phòng khám tư nhân và bệnh viện. Điều này sẽ đảm bảo tính liên tục của dịch vụ tiêm chủng để trẻ em không phải bỏ lỡ mũi tiêm cần thiết nào.

Ông Datuk cũng kêu gọi các bậc cha mẹ và những người giám hộ của trẻ cần theo dõi cẩn thận lịch trình tiêm chủng của trẻ để đảm bảo trẻ có thể được tiêm đúng thời điểm.

Những lần khan hiếm vắc xin ở Malaysia
 
Không chỉ thiếu vắc xin 5 trong 1, Malaysia từng đối mặt với tình trạng thiếu thuốc chủng ngừa thủy đậu vì một công ty sản xuất vắc xin ngừng cung cấp. Sau đó, loại vắc xin MMRV (sởi, quai bị, rubella, thủy đậu) tiếp tục khan hiếm dẫn đến tình trạng thiếu hụt vắc xin MMR (sởi, quai bị, rubella).

Sau khi MMR quay trở lại, Malaysia tiếp tục khan hiếm vắc xin chủng ngừa DTaP/Hib/IPV/HB.

Tại sao nguồn cung lại hạn chế?

Các hoạt động sản xuất và phân phối sản phẩm vắc xin cần được thực hiện liêp tiếp, cẩn thận với nhiều thành phần khác nhau và phải trải qua hàng trăm bước kiểm tra chất lượng. Tổng thời gian cho mỗi sản phẩm thường là 18-24 tháng. Qua mỗi khâu, nhà sản xuất đều phải đưa ra quyết định có tiếp tục tiến hành bước tiếp theo hay trì hoãn, hủy bỏ. Do vậy, hầu như không có nguồn vắc xin dự trữ.

>> Khủng hoảng vaccine hay khủng hoảng niềm tin?
>> Tiêm vắc-xin dịch vụ "5 trong 1" tại Hà Nội: Hỗn loạn chưa từng có

Theo Phương Mai (Zing.vn)