Xã hội

Lao động nữ nghỉ 30 phút ngày "đèn đỏ": Vui hay lo?

Nhiều độc giả nữ ví von, giờ không chỉ có 2 ngày tôn vinh phụ nữ hàng năm mà phái yếu còn có thêm “ngày ấy hàng tháng của chúng mình”.

Nhiều độc giả nữ ví von, giờ không chỉ có 2 ngày tôn vinh phụ nữ hàng năm mà phái yếu còn có thêm “ngày ấy hàng tháng của chúng mình”.

Một trong những chủ đề được bàn thảo nhiều nhất trong 24 giờ qua chính là việc, từ ngày 15/11 lao động nữ trong thời gian "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút, và tối thiểu là 3 ngày một tháng.

Chia sẻ trên Zing.vn, nhiều độc giả nữ ví von, giờ không chỉ có 2 ngày tôn vinh phụ nữ hàng năm mà phái yếu còn có thêm “ngày ấy hàng tháng của chúng mình” được luật hóa.

“Tôi rất mừng vì sức khỏe trong lao động của phụ nữ Việt Nam đã được Chính phủ quan tâm. Đây là sự tiến bộ ngang bằng với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc,… Quy định được cụ thể hóa để doanh nghiệp thực hiện và lao động nữ thực hiện quyền của mình”, độc giả Thanh Xuân viết.

Chị Như Hoa cho hay, do sức khỏe không tốt nên những ngày tới kỳ, chị cũng phải nghỉ. “Nhiều lần nghỉ, tôi cũng ngại nhưng không nghỉ không được. Giờ có quy định, chị em sẽ 'tự tin' hơn mỗi lần xin phép khi tới ngày. 30 phút một ngày tính ra không nhiều, nhưng 3 ngày trong một tháng cũng đủ cho nữ giới”.
 

Còn anh Quang Đại nhìn nhận, quy định của Chính phủ rất nhân văn, chia sẻ được vấn đề sức khỏe của lao động nữ khi tới kỳ. Nếu không có chính sách này, nhiều phụ nữ đến tháng vẫn tự xin nghỉ.

Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ lo lắng khi chưa biết nói lý do tế nhị này thế nào, nhất là với sếp nam. “Chẳng lẽ nhăn nhó mặt rồi bảo: 'Sếp ơi, em đang tới tháng, em xin đi nghỉ 30 phút?', hay 'Sếp, hôm nay em bị... đèn đỏ, cho em nghỉ sớm 30 phút”.

Băn khoăn này được chị Như Lan chia sẻ qua kinh nghiệm thực tế: "Công ty mình áp dụng quy định này từ lâu. Mỗi tháng, không giải thích, không chứng minh, chỉ cần báo cấp trên là nghỉ 30 phút trong những ngày nào. Sếp là nam giới chưa vợ nhưng tự động hiểu. Phụ nữ không có gì phải ngại".

Nữ độc giả khác bổ sung, "đèn đỏ" là chủ đề bình thường, đau, mệt thì nói ra, đừng ngại sếp nam, hay nữ. Còn nếu thấy khó nói với lãnh đạo, thì báo với bộ phận chấm công, nhân sự. Cách làm này vừa tế nhị vừa không ảnh hưởng đến cấp trên.

Có cần luật hóa ngày “đèn đỏ”?

Bên cạnh niềm vui, nhiều người tỏ ra lo ngại quy định này có thể ảnh hưởng đến đánh giá nhân viên, cũng như quy định tuyển dụng của doanh nghiệp.

“Mình cảm thấy càng nhiều chính sách ưu đãi cho phụ nữ thì trừ những ngành đặc thù ra, cơ hội việc làm của lao động nữ sẽ ít đi. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ cân nhắc và ưu tiên ứng viên nam hơn, bởi họ không muốn hiệu suất công việc bị gián đoạn”, chị Khánh Ngọc bày tỏ.

Chính vì thế, một số người cho rằng, quy định trên chỉ dành cho nữ cán bộ công nhân viên chức nhà nước. Công nhân, nhân viên các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa khó có thể áp dụng.

“Dựa theo luật của nhà nước, các bạn nữ nghỉ thì lấy đâu ra sản phẩm, đúng thời gian hợp đồng. Không hoàn thành đúng thời gian, chủ doanh nghiệp lấy tiền đâu mà trả”, một người chia sẻ.

"Vậy chế tài nào xử phạt doanh nghiệp trong trường hợp họ không thực hiện quy định dành cho lao động nữ?", bạn Quỳnh Anh đặt câu hỏi và cho hay, nếu không có chế tài, quy định sẽ khiến người lao động mất niềm tin, luật đưa ra chỉ cho vui.

Chưa kể nhiều doanh nghiệp sẽ không thông cảm cho những lao động nữ liên tục xin nghỉ phép, nghỉ giữa giờ khi đèn đỏ trong nhiều ngày liên tục. Nhân viên nữ có thể sẽ bị đánh giá thấp từ người quản lý dù công việc của họ vẫn hoàn thành.

“Chuyện tế nhị kín đáo của chị em phụ nữ mà cũng có luật. Vấn đề tế nhị này chỉ cần sự hiểu, thông cảm của đồng nghiệp. Ai mệt quá thì cho nghỉ ngơi một lát chứ không cần luật hóa. Doanh nghiệp tự quy định, thỏa thuận với lao động nữ nên luật có mà doanh nghiệp không thực hiện cũng bằng thừa”, độc giả Hoài Thu chia sẻ.
 

Một số chính sách dành cho lao động nữ

1. Người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế.

2. Lao động nữ được khám sức khỏe định kỳ,khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.

3. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

4. Khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

5. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
 
>> Ngày "đèn đỏ" chị em được nghỉ làm việc thêm 30 phút
Theo Nhật My (Zing.vn)