Xã hội

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc nghe hát quan họ, cùng tìm hiểu về lịch sử và các công đoạn làm tranh Đông Hồ.

Chiều 13/10, trong lịch trình bận rộn nhân chuyến thăm Việt Nam, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã có những phút giây tìm hiểu về văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Với làn điệu "khách đến chơi nhà", “mời nước mời trầu” dân ca quan họ Bắc Ninh, các liền anh, liền chị trong trang phục áo the, khăn xếp, áo tứ thân, khăn mỏ quạ thể hiện các tiết mục biểu diễn mượt mà, sâu lắng.

Các liền anh, liền chị đã gửi đến hai Thủ tướng cùng những vị khách cơi trầu têm cánh phượng, thể hiện tấm lòng hiếu khách.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại năm 2009. 

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc
Hai Thủ tướng nghe các liền anh, liền chị hát giao duyên "khách đến chơi nhà", "mời nước mời trầu".
Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với Thủ tướng Lý Cường về trầu têm cánh phượng dành cho khách quý.
Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 2
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường đã cùng tìm hiểu về tranh Đông Hồ và trải nghiệm công đoạn in tranh.

Trao đổi với VietNamNet, vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa và Nguyễn Thị Oanh (làng Đông Hồ, phường Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) bày tỏ niềm vinh dự và tự hào khi được trực tiếp giới thiệu về dòng tranh Đông Hồ với hai Thủ tướng.

Hai nghệ nhân đã giới thiệu về lịch sử và các công đoạn chính của tranh Đông Hồ.

Tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian của Việt Nam xuất xứ từ làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có lịch sử trên 400 năm. 

Tranh Đông Hồ gần gũi với người dân Việt Nam vì hình ảnh trong tranh gắn liền với làng quê và phản ánh cuộc sống sinh hoạt bình dị của người nông dân. Tranh được làm hoàn toàn thủ công với giấy dó và các màu sắc từ thiên nhiên.

Năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Hoa cho biết, do chất liệu mộc mạc, tự nhiên nên dòng tranh này rất được bạn bè quốc tế yêu thích.

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 3

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 4

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 5

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 6
Hai Thủ tướng trải nghiệm in tranh Đông Hồ.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh chia sẻ bà đã giới thiệu với hai Thủ tướng về bức tranh "Vinh hoa" với hình ảnh một bức bé trai bụ bẫm ôm gà trống lớn bên chậu hoa cúc. Hai Thủ tướng đã trực tiếp trải nghiệm in tranh theo cách của các nghệ nhân Đông Hồ đã trình diễn, với bức tranh “Cưỡi trâu thổi sáo". 

Sau khi thưởng lãm tranh Đông Hồ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường tham quan trưng bày một số sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc như: Yến sào, sầu riêng, dừa tươi, chuối, cà phê, sữa… Đây là những sản phẩm tiêu biểu trong 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 7
Trung Quốc luôn được xác định là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam.
Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 8
Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc đạt 9,26 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2023.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường dự và phát biểu tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, quan hệ kinh tế chưa tương xứng với tầm vóc của quan hệ chính trị - xã hội tốt đẹp giữa hai nước. Do vậy, hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối hai nền kinh tế, mà một trong những trọng tâm là kết nối doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc, Việt Nam đã góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng và là một trụ cột quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc còn chưa xứng tầm với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước; với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và đặc biệt là vai trò, vị thế và quy mô của doanh nghiệp Trung Quốc.

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 9
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Trung Quốc nói riêng trên con đường phát triển.
Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 10
Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc kết nối với doanh nghiệp Việt Nam, xây dựng chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng xuyên biên giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp hai nước tiếp tục đóng góp để hai nước đã gắn bó rồi thì gắn bó hơn, đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn, đã tin cậy rồi thì tin cậy hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì hiệu quả hơn nữa, cùng thúc đẩy tăng trưởng, ủng hộ hai Chính phủ thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

Trong bất kỳ quan hệ hợp tác nào, “đôi bên cùng có lợi” “hai bên cùng thắng” luôn là mục tiêu cao nhất, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng doanh nghiệp hai nước sẽ gắn kết với nhau hơn nữa.

Còn Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh, hợp tác kinh tế, thương mại hai nước vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, nhiều tiềm năng để phát triển.

Liền anh, liền chị 'mời nước, mời trầu' hai Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc - 11
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường với các đại biểu dự tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc. 

Thủ tướng Lý Cường cũng đề nghị hai bên không ngừng củng cố, bổ sung thế mạnh cho nhau. Mỗi bên đều có thế mạnh đặc biệt của mình về tài nguyên, kết cấu ngành nghề, có nhu cầu bổ sung cho nhau lâu dài; hai bên đã triển khai mạnh mẽ hợp tác kỹ thuật, công nghệ; phối hợp phân công, thúc đẩy, cùng nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trung Quốc có thế mạnh về điện gió, điện mặt trời, xe điện đang phát triển hàng đầu thế giới, phù hợp nhu cầu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Theo Trần Thường - Phạm Hải (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/lien-anh-lien-chi-moi-nuoc-moi-trau-hai-thu-tuong-viet-nam-va-trung-quoc-2331556.html