Một chiếc xe ô tô đắt tiền đâm vào phía sau xe máy khiến người phụ nữ bị sưng tấy, bong gân và tụ máu ở ngón chân nhưng tài xế bỏ đi không một lời hỏi thăm.
Gia đình gửi lời nhắn đến tài xế
Ngày 29/11, sự việc chiếc xe Range Rover biển số 30A - 742.xx, gây tai nạn cho người đi đường nhưng không quan tâm, giúp đỡ nạn nhân được chia sè lên mạng xã hội, khiến dư luận hết sức quan tâm.
Theo chia sẻ, lúc khoảng 8 giờ 20 phút (ngày 28/11) tại đoạn cổng trường cấp 3 Việt Đức đường Lý Thường Kiệt, người phụ nữ đi làm bị xe ô tô va chạm từ sau vào xe máy khiến nạn hân bị ngã, xe Lead và bị xe máy đè lên chân, nhưng tài xế vẫn tiếp tục ngồi trên xe mà không xuống để đỡ chiếc xe máy đang chèn lên chân nạn nhân. Rất may có những người đi đường tốt tính đã ra đỡ xe và dìu nạn nhân lên vỉa hè.
“Thấy tình trạng vợ tôi bị ngã xe đè lên chân, mà bác không xuống xe xin lỗi và hỏi thăm một lời nào mà vẫn ngồi trên xe. Đến lúc người đi đường dìu vợ tôi lên vỉa hè và dựng hộ vợ tôi xe vào vỉa hè thì bác phóng xe ô tô chạy thẳng. Bác đâm phụ nữ bị ngã ra đường mà không mảy may xuống xe để xin lỗi thì khẳng định rằng bác có ý thức quá tồi”, người chồng chia sẻ, trong khi nạn nhân đau đớn, chưa biết người gây tai nạn là ai, thì tài xế lập tức phóng xe đi thẳng.
“Hiện trạng chân vợ tôi bị sưng tấy, bong gân và tụ máu ở ngón chân, không thể tự đi làm trong vài hôm tới. Vẫn biết va chạm trên đường là khó tránh khỏi, nhưng ít nhất nếu có ý thức thì bác phải xuống xe nhấc cái xe đang đè lên chân vợ tôi ra và có lời xin lỗi vợ tôi”, Song người chồng bày tỏ, anh đăng lên mạng xã hội không cần bác tài xin lỗi nữa, mà để bác tài có ý thức khi tham gia giao thông, tránh gây tai nạn cho những người khác.
Cần lên án hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn
Sự việc ngay sau khi được chia sẻ, rất nhiều người quan tâm, hàng nghìn bình luận đều bày tỏ sự phẫn nộ đối với tài xế và lên án mạnh mẽ hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn.
Một số người cho rằng, hậu quả vụ việc có thể sẽ không nghiêm trọng (nếu giám định thưng tích thì tỷ lệ không đủ để truy tố) nên nạn nhân sẽ không trình báo cơ quan chức năng. Tuy nhiên, mọi người khi biết sự việc này đều không hài lòng với hành vi tài xế bỏ đi khỏi hiện trường và không quan tâm đến nạn nhân.
Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho hay, tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông bỏ trốn khỏi hiện trường; bỏ mặc người bị nạn không đưa đi cấp cứu, gây hậu quả nghiêm trọng từng diễn ra.
Trong đó cũng có những trường hợp người gây tai nạn lợi dụng tình hình lộn xộn, người gặp nạn mất khả năng kiểm soát hoặc tuyến đường vắng người qua lại rồi bỏ mặc nạn nhân.
Luật sư Bình cho rằng, hành vi này xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không am hiểu các quy định của pháp luật và sợ trách nhiệm. Đây là hành vi không những vi phạm đạo đức, ứng xử trong tham gia giao thông, mà còn vi phạm pháp luật và bị xã hội lên án, cần nghiêm trị.
Dù đã có những mức phạt với hành vi này nhưng để nghiêm trị vẫn cần xem xét đến những chế tài nặng hơn, mạnh mẽ hơn vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn với sức khỏe, tính mạng của người bị nạn, thậm chí xa hơn là còn ảnh hưởng đến thân nhân của người bị nạn, tạo ra gánh nặng về kinh tế, xã hội và làm méo mó quy tắc ứng xử, văn hóa khi tham gia giao thông.
Để tránh những rủi ro, thiệt hại trong quá trình tham gia giao thông, các chuyên gia khuyến cáo, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, làm chủ tốc độ và tập trung quan sát, xử lý các tình huống bất ngờ.
Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn phải thật bình tĩnh, xem lại bản thân và người bị nạn có bị thương hay không để cứu giúp người bị nạn, trình báo đến cơ quan công an để kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro.
Theo luật sư Bình, những lái xe đó sau khi bị kết tội sẽ bị xử phạt như sau:
Về biện pháp hành chính: Đối với những trường hợp gây tai nạn rồi bỏ trốn, tùy loại phương tiện điều khiển mà có mức xử phạt khác nhau. Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã nêu rõ các mức phạt cho từng đối tượng.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô. Tại điểm đ, khoản 2 và điểm b khoản 8 Điều 5 quy định rõ: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 8 Điều này;
Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy. Tại điểm e, khoản 3 và điểm đ khoản 8 Điều 6 quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 8 Điều này;
Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng. Tại điểm g khoản 3 và điểm c khoản 8 Điều 7 quy định: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, không tham gia cấp cứu người bị nạn, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 8 Điều này;
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.
"Ngoài các biện pháp hành chính, người có hành vi gây tai nạn rồi bỏ trốn còn bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì: người nào gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm sẽ bị phạt tù từ 03 đến 10 năm (đối với người trên 18 tuổi). Đối với người dưới 18 tuổi thì sẽ phải chịu 2/3 hoặc 1/2 mức phạt tương ứng. Như vậy, ngoài các mức phạt do hành vi gây tai nạn khi tham gia giao thông không đúng quy định, người gây tai nạn còn phải chịu phạt thêm do hành vi bỏ trốn của mình". Luật sư Bình cho biết thêm.
Theo Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)