Xã hội

Phải trả 5 triệu yen cho "tỉ phú ve chai"

Tòa án khẳng định hiện không có cơ sở thụ lý vụ việc, còn nhiều luật sư cho rằng không có lý do gì để hoãn chi trả số tiền 5 triệu yen Nhật cho người nhặt được.

Tòa án khẳng định hiện không có cơ sở thụ lý vụ việc, còn nhiều luật sư cho rằng không có lý do gì để hoãn chi trả số tiền 5 triệu yen Nhật cho người nhặt được.

Như chúng tôi đã thông tin, sau khi bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) làm đơn xin nhận lại số tiền 5 triệu yen (khoảng 1 tỉ đồng) do chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (người mua ve chai, tạm trú tại Q.Tân Bình) nhặt được, phía Công an Q.Tân Bình cho rằng vụ việc lúc này không thuộc thẩm quyền của công an nên sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án để tiếp tục giải quyết.
 

Chị Hồng chờ đợi cơ quan chức năng trả lại số tiền 5 triệu yen nhặt được - Ảnh: Lam Ngọc


Thế nhưng, trao đổi với PV ngày 4.5, ông Nguyễn Văn Trí, Chánh án TAND Q.Tân Bình, cho biết hiện tòa án chưa nhận được hồ sơ cũng như tài liệu liên quan đến vụ việc trên, ngoại trừ công văn của cơ quan CSĐT.

Ông Trí nói: “Ngày 13.4, CSĐT Công an Q.Tân Bình có văn bản gửi tòa án với nội dung trong quá trình thụ lý, giải quyết sự việc tiền vắng chủ 5 triệu yen do chị Hồng nhặt được thì ngày 10.4 bà Ngọt đến công an làm đơn xin nhận lại số tiền. Từ lá đơn này, phía công an cho rằng có sự tranh chấp về chủ sở hữu, vì cả bà Ngọt và chị Hồng đều có đơn xin lại tài sản, do đó thẩm quyền xét xử tranh chấp trên thuộc TAND Q.Tân Bình. Tuy nhiên, sau đó tòa án cũng thẳng thắn trao đổi lại, cho đến thời điểm hiện nay công an là cơ quan trực tiếp thụ lý, ra thông báo tìm chủ sở hữu. Bây giờ khi có người đến xin nhận thì trách nhiệm của anh là phải xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết dựa trên căn cứ pháp luật rõ ràng”.

Mặt khác, ông Trí khẳng định vụ việc này không phải là tranh chấp. “Nếu tranh chấp thì phải xác định rõ ai tranh chấp với ai. Nhưng hiện nay, bà Ngọt chỉ gửi đơn xin nhận lại tiền chứ không hề tranh chấp gì về số tiền này. Công an ra thông báo ai là chủ sở hữu số tiền thì đến nhận. Khi đọc được thông tin, cho rằng số tiền ấy là của mình, bà Ngọt đến xin nhận thì công an phải tiếp tục làm rõ, giải quyết”, ông Trí nói.

Tương tự, bà Ung Thị Xuân Hương, Chánh án TAND TP.HCM, cho biết khi nào có phát sinh tranh chấp thì tòa án mới giải quyết, bây giờ chưa có tranh chấp thì việc chuyển hồ sơ sang tòa là không thể.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Trí cho rằng công an là nơi đã tiếp nhận đầu vào thì hết thời hạn 1 năm mà không có chủ sở hữu đến nhận hoặc người đến nhận không có cơ sở pháp lý thì chính cơ quan công an ra quyết định trao trả theo quy định pháp luật. Còn quyết định trao trả tiền của công an nếu bị khiếu nại sau đó là vấn đề khác.

Theo luật sư Võ Đức Toàn (Đoàn luật sư TP.HCM), bà Ngọt không phải là chủ sở hữu và đã quá hạn 1 năm (28.4.2014 - 28.4.2015) ra thông báo nhưng không xác định được chủ thật sự của số tiền 5 triệu yen, nên Công an Q.Tân Bình hiện không còn cơ sở để giữ tiền. Do đó, cơ quan này phải thực hiện các bước tiếp theo để chi trả tiền ngay cho chị Hồng. “Trường hợp sau này nếu có người đủ cơ sở chứng minh số tiền là của mình thì người này sẽ khởi kiện bằng một vụ kiện dân sự đòi tài sản”, luật sư Toàn phân tích.
 
>> "Tỉ phú ve chai bị làm khó?": Tòa không tiếp nhận vụ việc
>> Chuyển tòa án xét xử vụ 5 triệu Yen
>> Vụ nhặt được 5 triệu yen: Chị ve chai sẽ hưởng trọn số tiền?
>> Vụ loa chứa 5 triệu yen không thuộc quyền công an xử lý?

Theo Phan Thương - Công Nguyên (Thanh Niên Online)