Xã hội >> COVID-19 (nCoV)

TP.HCM: Có thể xử lý hình sự trường hợp biết mình là F0 nhưng cố tình lưu thông trên đường

Đại diện Công an TP.HCM cho biết, nếu có trường hợp cố tình cấp giấy cho người F0 hoặc người biết mình là F0 mà cố tình lưu thông sẽ bị xử lý rất nghiêm, thậm chí có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Chiều 19/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo trực tiếp và trực tuyến thông tin một số vấn đề trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn trong 24 giờ qua.

Thông tin tại buổi họp báo, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 18/9/2021, có 331.569 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 331.091 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 478 trường hợp nhập cảnh.

Hiện đang điều trị 41.193 bệnh nhân, trong đó có 3.459 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.350 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 18/9, có 2.637 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 169.201), 182 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 13.281).

Trao đổi về vấn đề lưu thông, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Phan Công Bằng cho biết, Bộ tiêu chí an toàn của ngành Giao thông vận tải do UBND TP ban hành và chỉ được áp dụng trên địa bàn TPHCM.

Do đó, việc tổ chức lưu thông liên vùng có những khó khăn nhất định, do cách tổ chức của mỗi địa phương khác nhau. Sở GTVT TP đã phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành để có sự thống nhất, báo cáo với Bộ GTVT giải quyết nhanh các vướng mắc hiện tại.

Đối với quy định về luồng xanh tại TPHCM, đến nay chưa có vướng mắc gì. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số tài xế cố tình vi phạm như sửa kết quả xét nghiệm...

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT, về nguyên tắc không bắt buộc phải kiểm tra giấy xét nghiệm nhưng lực lượng chức năng tại các chốt chặn vẫn có quyền kiểm tra khi có dấu hiệu lưu thông nhiều; việc sửa kết quả xét nghiệm gây mất an toàn trong lưu thông và vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 của TP.

TP.HCM: Có thể xử lý hình sự trường hợp biết mình là F0 nhưng cố tình lưu thông trên đường
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường người dân trong thời điểm TP.HCM siết chặt giãn cách.

Về việc xét nghiệm cho đội ngũ shipper, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Nguyễn Nguyên Phương cho biết, những ngày qua, lượng shipper hoạt động là 20.000 người. Đến ngày 17/9 có khoảng 24.200/26.500 shipper đăng lý hoạt động. Đến hôm qua, shipper đăng ký hoạt động là 33.500 và hôm nay 82.160 shipper đăng ký hoạt động. Sở Công thương đã đề nghị Sở Y tế hỗ trợ, bổ sung nguồn lực thực hiện công tác xét nghiệm đảm bảo cho lực lượng shipper. Sở Công thương đăng ký ở mức khoảng hơn 90.000 shiper hoạt động.

Về nội dung này, Chánh Văn Phòng Sở Y tế TP Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, thời gian qua, Sở Y tế phối hợp Sở Công thương hỗ trợ xét nghiệm miễn phí cho 17.800 shipper (từ ngày 31/8 đến 6/9). Tuy nhiên, đến ngày 18/9, đã có hơn 92.000 shipper đăng ký. Lực lượng thực hiện xét nghiệm cho shipper được giao cho trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của 1.200 lực lượng quân y. Lực lượng này đang có nhiệm vụ quan trọng nhất là chăm sóc F0 tại nhà. Cùng với đó là hỗ trợ xét nghiệm, tiêm vaccine. Với số lượng shipper đăng ký đã tăng khoảng 5 lần so với trước 6/9 và kéo dài thời gian xét nghiệm đến 30/9. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật bị lúng túng vì số lượng test nhanh cho shipper tăng cao. Tuy nhiên, ngành y tế TP cố gắng thực hiện. Sở Y tế sẽ phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, Trung tâm Y tế các quận, huyện để hỗ trợ thêm cho hoạt động này.

Liên quan đến thông tin có 50 trường hợp F0 được cấp giấy lưu thông trên đường, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP chia sẻ, ngành chức năng đã triển khai cấp giấy phép lưu thông cho các đơn vị, tổ chức để cấp phát cho các cá nhân trực thuộc. Qua xác minh không có vi phạm trong công tác cấp giấy.

Số lượng F0 này thuộc diện được cấp giấy lưu thông và được phát hiện mắc COVID-19 sau khi cấp giấy.

Về việc các F0 khi lưu thông chưa biết mình là F0, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, có độ trễ khoảng 1-3 ngày từ việc cập nhật kết quả xét nghiệm RT-PCR lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu người lưu thông…

Những trường hợp F0 được phát hiện sẽ chuyển cho các đơn vị y tế, địa phương để quản lý cách ly tập trung hoặc tại nhà.

Nếu có trường hợp cố tình cấp giấy cho người F0 hoặc người biết mình là F0 mà cố tình lưu thông, sẽ bị xử lý rất nghiêm, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Về dấu hiệu bắt đầu xuất hiện tình trạng tụ tập đông người mua lương thực phẩm, bánh trung thu…, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin hiện nay để đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, Công an TP đã tăng cường, điều động lực lượng từ các phòng nghiệp vụ về đảm nhiệm các chốt kiểm soát tại các quận – huyện, TP Thủ Đức.

Cán bộ phụ trách khu vực nào nếu để xảy ra vi phạm tại khu vực đó thì chịu hoàn toàn trách nhiệm.

HL (Nguoiduatin.vn)