Xã hội

Vụ chạy lốt xe 600 triệu: DN đưa bằng chứng chống Sở GTVT Hà Nội

Gần hai tháng trước với phát ngôn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, về việc “xin một lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng ở bến xe Mỹ Đình khiến dư luận xã hội xôn xao.

Gần hai tháng trước với phát ngôn của Bộ trưởng Đinh La Thăng, về việc “xin một lốt xe vào Bến xe Mỹ Đình mất đến 500 - 600 triệu đồng ở bến xe Mỹ Đình khiến dư luận xã hội xôn xao.
Sau khi nhận được thông tin, Thanh tra Bộ GTVT đã vào cuộc để thanh tra những tiêu cực “chạy lốt để vào bến xe Mỹ Đình với giá 500 – 600 triệu đồng/lốt”.
 
Thanh tra nhưng không phát hiện tiêu cực
 
Điều đáng chú ý nhất là những thông tin thanh tra về việc chạy lốt lại không có một cơ quan báo chí nào đề cập đến. Dường như việc thanh tra này đã được thực hiện trong bí mật, vì trước đó khi dư luận xã hội xôn xao về việc chạy lốt 600 triệu. Tháng 10/2015, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đã từng khẳng định sẽ không có chuyện thanh tra hay công an vào cuộc, bởi vì năm 2013 đã thanh tra kỹ.
 

Bến xe Mỹ Đình liên quan đến việc chạy lốt 600 triệu

 
Sau khi nhận được thông tin Thanh tra Bộ GTVT vào cuộc để làm rõ vụ chạy lốt 600 triệu, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Hoàng Linh tìm hiểu thêm vấn đề này.
 
Khi được hỏi, vị Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội mới xác nhận đúng là có việc Thanh tra của Bộ GTVT vào làm việc về vấn đề tiêu cực chạy lốt. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định luôn là đã không phát hiện ra sai phạm nào (?!). “Vừa rồi, Thanh tra của Bộ GTVT xuống kiểm tra, đoàn cũng rất quan tâm đến vấn đề tiêu cực. Đoàn thanh tra làm việc rất kỹ và kết luận là không tăng lốt. Sau 10 ngày kiểm tra thì đã có kết luận là không hề có chuyện tăng lốt ở bến xe Mỹ Đình”, ông Linh trả lời với PV Báo Người Đưa Tin.
 
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội còn khẳng định: “Thanh tra của Bộ trước khi đi là được chỉ đạo trực tiếp từ BT (Bộ trưởng Đinh La Thăng) là phải tìm cho ra, cho nên không có chuyện tôi với thanh tra Bộ bắt tay với nhau được”.
 

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội

 
Thế nhưng, khi phóng viên đề nghị vị này cung cấp kết luận làm việc của Thanh tra Bộ GTVT thì ông Linh lại từ chối và nói: “Muốn lấy kết luận thì lên Thanh tra Bộ mà hỏi, tôi không có quyền cung cấp”.
 
Cũng xung quanh câu chuyện tăng lốt ở bến xe Mỹ Đình sau năm 2013, chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp vận tải về việc có chuyện mua bán lốt.
 
Có dấu hiệu tăng thêm lốt?
 
Một doanh nghiệp vận tải đang hoạt động ở bến Mỹ Đình (xin giấu tên) tiết lộ, có doanh nghiệp vận tải ở Thái Bình đã tăng lốt trong năm 2015. Nghĩa là, điều này trái ngược hoàn toàn với khẳng định không tăng lốt từ sau 2013 của Sở GTVT Hà Nội. Mặc dù đưa ra thông tin nhưng người này lại từ chối cung cấp bằng chứng vì những lý do tế nhị của công việc.
 
Một số nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình tỏ ra bức xúc về việc trong năm 2015, nhà xe P.H. bỗng dưng được thêm một chuyến, xuất bến ở Mỹ Đình lúc 9h30 hàng ngày.
 
Theo ghi nhận của PV, trên lốt của nhà xe P.H có xuất bến lúc 9h30. Sau khi tìm hiểu thì một nhân viên của tuyến này thừa nhận, nhà xe này đã mua lại lốt của công ty TNHH Mạnh La. Tuy nhiên, người nhân viên này lại không tiết lộ giá của vụ mua bán đó là bao nhiêu.
 
Từ những thông tin này, chúng tôi đã liên hệ với bến xe Tiền Hải (Thái Bình) để xác minh hiện có bao nhiêu tuyến đấu nối giữa Tiền Hải - Mỹ Đình và có tuyến nào phát sinh trong năm 2015.
 
Một lãnh đạo của Bến xe Tiền Hải (xin giấu tên) cho biết, doanh nghiệp Mạnh La. có xe chạy tuyến Tiền Hải - Mỹ Đình đã nhiều năm nay. Theo tài liệu, trong năm 2015, doanh nghiệp này có thêm một lốt mới cho tuyến Mỹ Đình - Tiền Hải.
 
Theo Hợp đồng số 71, ký ngày 19/3/2015, xe xuất bến lúc 4h30 từ Tiền Hải đi Mỹ Đình, đến 9h30 xuất từ bến Mỹ Đình về.
 
Kiểm tra ở Hợp đồng dịch vụ xe ra vào bến năm 2015, số 241/VT/2015/CPBX được ký ngày 05/01/2014, giữa Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội và Công ty TNHH Mạnh La đều có đầy đủ những xe này.
 
Theo hợp đồng, tại Bến xe Mỹ Đình, Công ty TNHH Mạnh La được chấp thuận 4 lốt về Thái Bình (Tiền Hải) bao gồm: xe 17B-000.08 xuất bến lúc 8h, 17B-001.68 xuất bến lúc 13h50, xe 17L-9999 xuất bến lúc 9h30, 17K-6598 xuất bến lúc 16h10.
 

Vé xe của nhà xe P.H được đứng tên Công ty TNHH Mạnh La

 
Khi PV đối chiếu với Hợp đồng dịch vụ xe ra vào bến năm 2014 số 241/VT/2014/CPBX được ký 02/01/2013, giữa Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội và Công ty TNHH Mạnh La trong năm 2014, thì lại không có xe 17L-9999 xuất bến lúc 9h30 tại Bến xe Mỹ Đình.
 

Hợp đồng của Công ty TNHH Mạnh La với Công ty Bến xe Hà Nội Năm 2014

 
Bảng kê danh sách xe hợp đồng kèm theo Hợp đồng dịch vụ xe ra vào bến năm 2014 số 241/VT/2014/CPBX được ký 02/01/2013.
 
 

Hợp đồng của Công ty TNHH Mạnh La ký với Công ty bến xe Hà Nội được tăng thêm một lốt so với năm 2014.

 
Như vậy có thể thấy rằng, trong năm 2015, doanh nghiệp này đã được tăng thêm 1 lốt, xuất bến Mỹ Đình lúc 9h30 hàng ngày. Nhưng Mạnh La lại bán lại lốt này cho nhà xe P.H.
 
Khi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Linh về những bằng chứng mua bán lốt giữa các doanh nghiệp có dấu hiệu tăng lốt ở bến Mỹ Đình. Ông Linh một lần nữa khẳng định không hề có chuyện tăng lốt ở bến Mỹ Đình từ năm 2013 đến nay.
 
“Thực tế, doanh nghiệp người ta tố mua bán lốt là bình thường, người này mua được người kia không mua được. Doanh nghiệp bán lốt cho nhau như bán cửa hàng ấy mà”, ông Linh giải thích thêm.
 
Lý giải về việc Mạnh La được tăng thêm 1 lốt trong năm 2015, ông Linh cho rằng nếu như vậy thì đồng nghĩa với một lốt khác tuyến Thái Bình – Hà Nội sẽ bị giảm đi.
 
Sau đó, ông Linh cho biết chuyện các nhà xe tăng thêm lốt thì phải hỏi bên phía Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, vì chức năng của Sở là chấp thuận giữa hai đầu tuyến với nhau còn việc sắp sếp lốt xe thì lại do bên Công ty Bến xe Hà Nội.
 
Với tất cả những thông tin trên, có thể thấy rằng việc mua bán, chuyển nhượng lốt giữa các doanh nghiệp vận tải là có, thậm chí là phổ biến như ông Linh nói thì chỉ như bán cửa hàng.
 
Việc mua bán, chuyển nhượng như vậy và số tiền trao tay giữa các doanh nghiệp là không hề nhỏ. Trong khi cơ quan quản lý nhà nước đều biết nhưng lại cứ làm ngơ, thì sẽ hao hụt biết bao nhiêu tiền thuế nộp vào nhà nước sau mỗi thương vụ như vậy.
 
Để tìm hiểu rõ hơn về những thông tin nhà xe P.H tăng thêm lốt, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty Cổ Phần Bến xe Hà Nội và được ông này hướng dẫn liên hệ với ông Lý trường Sơn, Trưởng phòng Kế Hoạch của công ty. Nhưng khi phóng viên liên lạc làm việc thì ông Sơn nói sẽ trả lời sau.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc
 
>> Vụ “lốt” xe 600 triệu: Hà Nội cấm nhà xe tự mua bán “lốt"
>> Lộ vụ chạy "lốt" xe hết 130 triệu đồng
>>  Nội báo cáo Bộ trưởng Thăng vụ "chạy" một lốt xe giá 600 triệu
>> Thị trường chuyển nhượng lốt xe hoạt động ra sao?
>> Sự thực về chuyện mua bán "lốt" xe 600 triệu đồng
>> Công an, thanh tra vào cuộc vụ xin “lốt” xe 600 triệu đồng
 
Theo Thế Anh (Nguoiduatin.vn)