Công nghệ

Tác chiến điện tử Nga khiến Mỹ và đồng minh 'giật mình'

Xung đột Nga - Ukraine khiến Mỹ và phương Tây phải đánh giá lại năng lực tác chiến điện tử vốn bị "lãng quên" trong suốt những năm qua.

Cuộc chiến Nga - Ukraine khiến Mỹ và phương Tây giật mình đánh giá lại tác chiến điện tử (EW), lĩnh vực nhiều năm họ đã “lãng quên” khi chỉ phải đối đầu với tay súng địa phương Iraq hay khủng bố Taliban.

Hãng thông tấn Ria Novosti gần đây đưa tin máy bay tấn công tầm xa hai động cơ Sukhoi Su-34 của Nga, có biệt danh “Fullback” vừa được nâng cấp khả năng bảo vệ mới chống lại thiết bị tác chiến điện tử của đối phương, bao gồm cả lớp bảo vệ chống tác chiến điện tử do nước ngoài sản xuất đang sử dụng tại Ukraine.

“Các máy bay Su-34 tác chiến ở gần khu vực chiến sự đặc biệt để thả bom dẫn đường, do đó chúng nằm trong tầm ngắm của các thiết bị tác chiến điện tử đối phương. Quân đội Nga đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ hệ thống của Su-34 trước các loại vũ khí điện tử Ukraine và phương Tây”, trích bài báo.

Tác chiến điện tử Nga khiến Mỹ và đồng minh 'giật mình'
Mẫu UAV tác chiến điện tử Moskit của Nga phát triển dựa trên Orlan-10

Tàng hình trước radar

Những chiếc Su-34 thông thường được trang bị phức hợp ứng phó điện tử Khibiny với các trạm gây nhiễu chủ động SAP-14 và SAP-518, giúp nâng cao khả năng bảo vệ đáng tin cậy chiến đấu cơ của Nga trước hệ thống phòng không đối phương.

Trong khi đó, giới phân tích quân sự nhận định những chiếc Su-34 được bàn giao kể từ tháng 7/2022 (sau khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra) đã được chế tạo theo tiêu chuẩn nâng cao dưới dạng biến thể Su-34M chuyên biệt dành cho tác chiến điện tử hoặc trinh sát.

Tổng Giám đốc hãng sản xuất máy bay United Aircraft Corporation của Nga Yuri Slyusar tuyên bố Su-34M có năng lực chiến đấu gấp đôi so với Su-34 nguyên bản được biên chế từ năm 2014. Trong đó tính năng trên biến thể mới nổi bật với ba loại cảm biến khác nhau: cụm tìm kiếm điện tử UKR-RT, cụm máy ảnh UKR-OE và radar khẩu độ tổng hợp UKR-RL, giúp phi công có thể tối đa hoá nhận thức tình huống khi điều khiển Su-34M.

Sự tự mãn của Mỹ và NATO

Kể từ năm 1888, khi nhà vật lý người Đức Heinrich Hertz chứng minh rằng tia lửa điện sẽ truyền tín hiệu vào không gian, quân đội trên toàn thế giới bắt đầu sử dụng công nghệ này để nâng cao hiệu quả hoạt động liên lạc, dẫn đường, nhắm mục tiêu hay rà soát chiến trường.

Tác chiến điện tử Nga khiến Mỹ và đồng minh 'giật mình' - 1
Moscow phát triển riêng dòng Su-34M để thực hiện nhiệm vụ tác chiến điện tử và trinh sát tình báo.

Các chuyên gia nói rằng có một quy trình tiêu chuẩn áp dụng trong các lực lượng quân đội chuyên nghiệp trên toàn thế giới, đó là thu thập thông tin về tác chiến điện tử đối phương và “hiệu chỉnh” bộ EW của riêng họ theo những thông số có được.

Song, khả năng tác chiến điện tử của NATO trong những năm qua đã sụt giảm tới mức báo động. Mỹ và các đồng minh không gặp phải những thách thức quá lớn từ kẻ thù trong thời gian họ ở Afghanistan. Hệ thống GPS và Blue Force Tracker (hỗ trợ phân biệt lực lượng đồng minh) được duy trì xuyên suốt khiến các nước này trở nên tự mãn.

Các khái niệm EW, chẳng hạn như kỷ luật vô tuyến, kiểm soát chữ ký điện từ và nhảy tần, đã mất đi giá trị của chúng. Điều này xảy ra ngay cả khi Nga và Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn trong EW.

Sức mạnh EW của Nga

Tháng 11/2022, Moscow giới thiệu hệ thống dựa trên máy bay không người lái (UAV) hạng nhẹ có tên “Moskit” (còn gọi là Moskito hay Mosquito) dựa trên Orlan-10 và tuyên bố gây nhiễu thành công liên lạc của Kiev. Điều này nhấn mạnh khả năng của Nga trong việc nhanh chóng tiếp thu các bài học từ chiến trường và cải tiến công nghệ vũ khí với tốc độ chóng mặt.

Tác chiến điện tử Nga khiến Mỹ và đồng minh 'giật mình' - 2
Sức mạnh EW của Nga trong cuộc chiến với Ukraine khiến Mỹ và đồng minh "giật mình"

Trước đó, năm 2014, Nga tuyên bố vô hiệu hoá thành công hệ thống radar Khu trục hạm USS Donald Cook của Hải quân Mỹ bằng cách sử dụng máy phát gây nhiễu chủ động Khibiny trang bị trên máy bay chiến đấu Su-24 “Fencer”. Nước này nói rằng họ đã bay trên đầu tàu chiến của Mỹ hơn 12 lần mà không hề bị phát hiện.

Theo chương trình tin tức Vesti (thuộc kênh truyền hình Nga Rossiya-1), chiếc Su-24 đã tiếp cận Cook, “bật thiết bị phá sóng điện tử vô tuyến mạnh, vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống của con tàu”. Lầu Năm Góc sau đó đưa ra một tuyên bố lên án hành vi nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp của các phi công Nga khi thực hiện nhiều lần bay thấp trước khu trục hạm của Hải quân Mỹ.

Không bên nào đề cập đến tác chiến điện tử nhưng phía Mỹ cho rằng USS Cook đủ khả năng tự vệ trước những chiếc Su-24. Giới quan sát nhận định có thể tàu chiến Cook đã tắt hệ thống EW để tránh hoạt động tình báo tín hiệu (SIGINT) từ phía Nga.

“Tầm quan trọng của quang phổ điện tử và từ tính lớn đến mức một đội quân có thể bị tê liệt hoàn toàn khi thiết bị điện tử của họ bị tấn công. Các kỹ thuật chiến tranh điện tử được sử dụng phổ biến nhất là gây nhiễu (đối phó điện tử ECM) và nghe lén thông tin liên lạc (tình báo tín hiệu SIGINT) của đối phương”, một quan chức quân đội Ấn Độ cho biết.

Theo Thế Vinh (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/tac-chien-dien-tu-nga-khien-my-va-dong-minh-giat-minh-2158052.html