Công nghệ

Tại sao nhiều quốc gia cố gắng cấm TikTok

Pháp, Hà Lan và Na Uy đã tham gia một danh sách ngày càng tăng các quốc gia gần đây đã ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp, vì lo ngại ngày càng tăng về quyền riêng tư và bảo mật của ứng dụng này.

Không khuyến khích sử dụng

Bộ Nội vụ Hà Lan cho biết hồi cuối tháng 3 rằng, họ không khuyến khích việc sử dụng tất cả các ứng dụng từ “các quốc gia có chương trình mạng tích cực nhắm vào Hà Lan hoặc lợi ích của Hà Lan” trên điện thoại do chính phủ cung cấp.

Tại sao nhiều quốc gia cố gắng cấm TikTok
Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới ban hành lệnh cấm đối với TikTok

Tuyên bố không xác định chính xác tên TikTok, nhưng lời khuyên đưa ra sau một đánh giá của cơ quan tình báo quốc gia AIVD, cảnh báo rằng các ứng dụng từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Iran có “nguy cơ gián điệp cao”.

Bộ trưởng tư pháp của Na Uy, cũng khuyến nghị rằng, các nhân viên chính phủ không nên sử dụng TikTok trên các thiết bị làm việc của họ.

Chính phủ Pháp cũng đã cấm cài đặt và sử dụng các ứng dụng "giải trí" như TikTok, Netflix và Instagram trên điện thoại làm việc của 2,5 triệu công chức.

Bộ trưởng Dịch vụ Công cộng của Pháp Stanislas Guerini đã viết trên Twitter rằng, biện pháp này nhằm “đảm bảo an ninh mạng” cho chính quyền và các quan chức của họ.

“Các ứng dụng giải trí không cung cấp đủ mức độ an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu để triển khai trên thiết bị quản trị. Do đó, các ứng dụng này có thể gây rủi ro đối với việc bảo vệ dữ liệu của các cơ quan hành chính và các quan chức”, Chính phủ Pháp cho biết trong một tuyên bố.

Trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp ở Liên minh Châu Âu, Mỹ, Đan Mạch và Canada, cũng đã ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok. Các chuyên gia lo ngại thông tin nhạy cảm có thể bị lộ khi ứng dụng được tải xuống, đặc biệt là trên các thiết bị của chính phủ.

Thận trọng

Tại sao nhiều quốc gia cố gắng cấm TikTok - 1
Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Mỹ cũng đã cấm ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ.

TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc Bytedance, từ lâu đã khẳng định rằng họ không chia sẻ dữ liệu của người dùng với chính phủ Trung Quốc và công ty này được điều hành độc lập.

Mặc dù vậy, nhiều quốc gia vẫn thận trọng về nền tảng này và mối quan hệ của nó với Trung Quốc. Các công ty công nghệ phương Tây, bao gồm Airbnb, Yahoo và LinkedIn, cũng đã rời khỏi Trung Quốc hoặc thu hẹp hoạt động ở đó vì luật về quyền riêng tư nghiêm ngặt của Bắc Kinh, quy định rõ cách các công ty có thể thu thập và lưu trữ dữ liệu.

Các quốc gia đã thực hiện lệnh cấm một phần hoặc toàn bộ đối với TikTok

Nước Anh

Vào ngày 16/3 vừa qua, Oliver Dowden, Ngoại trưởng Vương quốc Anh, đã thông báo trước Hạ viện Anh về lệnh cấm ngay lập tức TikTok trên các thiết bị chính thức của chính phủ.

Lệnh cấm dựa trên một báo cáo của Trung tâm an ninh mạng quốc gia của Vương quốc Anh, cho thấy có thể có rủi ro xung quanh các dữ liệu nhạy cảm của chính phủ được truy cập và sử dụng bởi một số nền tảng.

Mặc dù Vương quốc Anh là một trong những quốc gia đầu tiên cấm sử dụng công nghệ do Trung Quốc sở hữu như Huawei, nhưng các nhà phê bình Anh đã cho rằng, việc cấm sử dụng TikTok là chậm trễ so với các đồng minh.

Các tổ chức thuộc Liên minh châu Âu (EU)

Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng EU, ba cơ quan hàng đầu của EU, đều đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên, với lý do lo ngại về an ninh mạng.

Lệnh cấm của Nghị viện Châu Âu có hiệu lực từ ngày 20/3. Nó cũng khuyến nghị mạnh mẽ rằng, các thành viên quốc hội và nhân viên cũng xóa ứng dụng này khỏi thiết bị cá nhân của họ.

Pháp

Ngày 24/3, Pháp cấm cài đặt và sử dụng các ứng dụng "giải trí", bao gồm mạng xã hội TikTok của Trung Quốc và nền tảng phát trực tuyến Netflix của Mỹ trên điện thoại làm việc của 2,5 triệu công chức nhà nước của nước này.

Lệnh cấm, được thông báo bằng một hướng dẫn "ràng buộc", ngay lập tức có hiệu lực và không áp dụng cho điện thoại cá nhân của nhân viên nhà nước.

Hà Lan

Chính phủ Hà Lan đã khuyên các công chức của mình không nên sử dụng các ứng dụng từ các quốc gia có thành tích "phần mềm tấn công mạng" trên thiết bị làm việc của họ.

Alexandra van Huffelen, Bộ trưởng Bộ Kỹ thuật số Hà Lan cho biết: “Chính quyền trung ương phải có khả năng thực hiện công việc của mình một cách an toàn, bao gồm cả các thiết bị di động."

Na Uy

Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Emilie Enger Mehl cho biết, trong các đánh giá rủi ro của họ... các cơ quan tình báo Na Uy đã chỉ ra Nga và Trung Quốc là những yếu tố rủi ro chính đối với lợi ích an ninh của Na Uy.

Họ cũng coi mạng xã hội là một diễn đàn được ưa chuộng bởi những kẻ có khả năng gây nguy hiểm và muốn gây ảnh hưởng đến Na Uy bằng thông tin sai lệch và tin tức giả mạo.

Bộ cho biết các công chức vẫn có thể sử dụng TikTok nếu cần thiết vì lý do chuyên môn, nhưng chỉ trên các thiết bị không được kết nối với mạng của chính phủ.

New Zealand

New Zealand thông báo TikTok sẽ bị cấm trên điện thoại của các nhà lập pháp chính phủ vào cuối tháng 3 năm 2023. Lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến tất cả nhân viên chính phủ và sẽ chỉ áp dụng cho khoảng 500 người trong khu nhà làm việc của quốc hội.

Bỉ

Vào ngày 10/3, Bỉ tuyên bố cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ liên bang Bỉ sở hữu hoặc trả tiền vì lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch trong ít nhất sáu tháng.

Đan Mạch

Vào ngày 6/3, Bộ Quốc phòng Đan Mạch tuyên bố sẽ cấm sử dụng ứng dụng TikTok đối với các đơn vị chính thức như một biện pháp an ninh mạng.

Trong một tuyên bố, Bộ cho biết Trung tâm An ninh mạng của các quốc gia Scandinavi - một phần của cơ quan tình báo nước ngoài của Đan Mạch - đã đánh giá có nguy cơ gián điệp.

Mỹ

Cũng trong tháng 3, Mỹ cho biết các cơ quan chính phủ có 30 ngày để xóa TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên bang do lo ngại về bảo mật dữ liệu. Lệnh cấm chỉ áp dụng cho các thiết bị của chính phủ, mặc dù một số nhà lập pháp Mỹ đang ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn.

Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Mỹ cũng đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị của chính phủ.

Cả FBI và Ủy ban Truyền thông Liên bang đã cảnh báo rằng ByteDance có thể chia sẻ dữ liệu người dùng TikTok với chính phủ Trung Quốc.

Cũng có lo ngại về nội dung của TikTok và việc nó có gây hại cho sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Theo Trung tâm chống lại sự căm ghét kỹ thuật số phi lợi nhuận, nội dung về chứng rối loạn ăn uống trên TikTok đã thu hút được 13,2 tỷ lượt xem. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, khoảng 2/3 thanh thiếu niên Mỹ sử dụng TikTok.

Canada

Canada cũng tuyên bố, các thiết bị do chính phủ cấp không được sử dụng TikTok, vì nó gây ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với quyền riêng tư và bảo mật. Các nhân viên cũng sẽ bị chặn tải xuống ứng dụng trong tương lai.

Ấn Độ

Vào năm 2020, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm đối với TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc, bao gồm cả ứng dụng nhắn tin WeChat, vì những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật. Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Lệnh cấm có hiệu lực vĩnh viễn từ tháng 1 năm 2021.

Pakistan

Chính quyền Pakistan đã tạm thời cấm TikTok ít nhất bốn lần kể từ tháng 10 năm 2020, với lý do lo ngại rằng ứng dụng này quảng bá nội dung trái đạo đức.

Afghanistan

Lãnh đạo Taliban ở Afghanistan đã cấm TikTok và trò chơi PUBG vào năm 2022 với lý do bảo vệ thanh niên khỏi "lầm đường lạc lối".

Úc

Vào ngày 4 /4, Úc trở thành quốc gia mới nhất thông báo cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ theo lời khuyên từ các cơ quan tình báo và an ninh.

Tại sao các quốc gia cố gắng cấm TikTok?

Các chính phủ đã bày tỏ lo ngại rằng TikTok, thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance, có thể gây nguy hiểm cho dữ liệu nhạy cảm của người dùng. Trong khi đó, TikTok từ lâu đã bác bỏ các cáo buộc rằng, họ đưa dữ liệu nhạy cảm của người dùng vào tay chính phủ Trung Quốc.

Trong những tháng gần đây, các nhà lập pháp ở Mỹ, Châu Âu và Canada đã tăng cường nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào TikTok, ứng dụng video dạng ngắn phổ biến rộng rãi vì các mối đe dọa bảo mật.

Nhà Trắng nói với các cơ quan liên bang rằng, họ có 30 ngày để xóa ứng dụng TikTok khỏi các thiết bị của chính phủ. Trong khi đó, TikTok có tới hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng.

Các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở phương Tây ngày càng bày tỏ lo ngại rằng TikTok và công ty mẹ của nó, ByteDance, có thể đưa dữ liệu nhạy cảm của người dùng, như thông tin vị trí, vào tay chính phủ Trung Quốc.

Họ đã chỉ ra luật cho phép chính phủ Trung Quốc bí mật yêu cầu dữ liệu từ các công ty và công dân Trung Quốc cho các hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ cũng lo lắng rằng Trung Quốc có thể sử dụng các đề xuất nội dung của TikTok để cung cấp thông tin sai lệch.

Hiện tại, lệnh cấm sử dụng ứng dụng trong chính phủ Mỹ đã có hiệu lực ở cấp tiểu bang. Hơn một nửa số bang của Mỹ đã cấm nhân viên của bang sử dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp và một số trường đại học của Mỹ đã cấm ứng dụng này khỏi mạng WiFi của họ.

Theo Hà Thu (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/tai-sao-nhieu-quoc-gia-co-gang-cam-tiktok-post1523346.tpo