Công nghệ

Xả súng ở New Zealand - khi Facebook, YouTube thành công cụ phát tán

Khoảnh khắc nghi phạm xả súng điên cuồng vào những người có mặt tại nhà thờ ở New Zealand

Những mạng xã hội đã bị sử dụng để kẻ thủ ác phát tán tội ác của mình nhiều nhất có thể.

Vụ xả súng tại 2 thánh đường Hồi giáo diễn ra ngày 15/3 ở Christchurch, New Zealand đã cướp đi sinh mạng của 49 người, làm 20 người bị thương. Hành động khủng bố này không chỉ gây bàng hoàng vì số lượng người bị hại, mà còn ở cách mà thủ phạm sử dụng mạng xã hội để phát tán những hành động của mình.

Tay súng tự nhận là Brenton Tarrant đã phát trực tiếp (livestream) cảnh bản thân tiến hành vụ xả súng vào thánh đường Al Noor ở New Zealand hôm 15/3. Hắn đã truyền trực tiếp video dài 17 phút với góc nhìn thứ nhất lên Facebook, đồng thời đăng một bản thông báo 87 trang trên Twitter trước vụ xả súng.

Kẻ giết người tận dụng mọi cách để được biết đến

Theo nhận định của The Verge, đây chính là những hành động của "một vụ giết người trong thời đại số". Trước đó, tay súng đã đăng tải đường dẫn về thông báo, trang Facebook và nói rằng mình sẽ phát hình trực tiếp lên 8chan, một diễn đàn mạng.

Facebook đã xóa trang cá nhân cùng video của tên này, nhưng video đã nhanh chóng bị phát tán lên Facebook, YouTube, Twitter và Instagram.

Xả súng ở New Zealand - khi Facebook, YouTube thành công cụ phát tán
Quá trình thủ ác được đăng tải đầy đủ trên Facebook của thủ phạm, sau đó bị phát tán trên nhiều mạng xã hội.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, vụ khủng bố này đã được thông báo trước, truyền trực tiếp trên Facebook, được chia sẻ và bình luận trên Reddit, và bị sao chép, chia sẻ lại hàng ngàn lần trước khi những công ty công nghệ kịp đưa ra giải pháp.

Cả video tường thuật lẫn bản thông báo đều được tính toán để gây chú ý nhiều nhất.

Biên tập viên Elizabeth Lopatto, The Verge

Cả bản thông báo lẫn video của kẻ giết người đều nhằm đạt tối đa sự quan tâm.

Ngay khi hành động, tay súng kêu gọi mọi người đăng ký kênh YouTube của Pewdiepie (tên thật Felix Kjellberg), YouTuber số một thế giới với 89 triệu người đăng ký theo dõi.

Điều này khiến Felix Kjellberg phải lập tức lên tiếng. Anh cho biết mình "hoàn toàn suy sụp khi tên mình được thốt ra từ miệng những người này", và hiện giờ tâm trí anh chỉ hướng tới những nạn nhân và gia đình của họ.

Rõ ràng việc tay súng kéo Pewdiepie vào cũng là để gây chú ý, dù Felix Kjellberg cũng từng gây tranh cãi khi nói về chủ đề sự thượng đẳng của người da trắng. Với hàng chục triệu người đăng ký, Pewdiepie là một cái tên quá lớn để được biết đến.

Xả súng ở New Zealand - khi Facebook, YouTube thành công cụ phát tán - 1
Pewdiepie lập tức phải lên tiếng để tránh bị lôi vào liên quan với vụ khủng bố. 

Bản thông báo đăng trên Twitter cũng chứa đầy những lời lẽ mang tính phân biệt chủng tộc. Bên cạnh đó, còn rất nhiều từ khóa được chèn vào để lôi kéo người đọc chia sẻ bản thông báo này.

Nó chứa những đoạn trích dẫn từ Tu chính án số 2 trong Hiến pháp Mỹ, nói về quyền được trang bị vũ khí. Nó cũng có tên của Candace Owens, một nhà bình luận bảo thủ nổi tiếng, và những game được quan tâm như Fortnite và Spyro the Dragon.

Những trích dẫn này dường như đều có mục đích của nó: tạo ra dư luận để truyền thông phải liên tục nhắc đến vụ khủng bố.

Theo The Verge, mạng xã hội đã xóa bỏ những rào cản để hình ảnh, thông tin về các vụ khủng bố như thế này không bị phát tán. Trước khi có Internet, rất ít người, ngoại trừ lực lượng cảnh sát và truyền thông, có thể nhìn thấy được những hình ảnh như vậy. Giờ đây, chúng có thể phát tán chỉ trong giây lát.

Những nền tảng lớn không rút ra được bài học

Đây không phải lần đầu tiên một vụ giết người bị phát trực tiếp lên mạng. Năm 2015, một tay súng tại Virginia đã đăng tải video tội ác của mình lên Twitter và Facebook.

Sau vụ việc, cả hai nền tảng này đều không có sự thay đổi về hình thức phát tự động video, vốn được thiết kế để video được xem nhiều nhất, thu được nhiều tiền quảng cáo nhất.

Đó là lý do khiến cho vụ việc tại New Zealand tiếp tục được phát tán rộng rãi. Việc ngăn chặn một buổi phát trực tiếp thì khó hơn, nhưng đúng ra các mạng xã hội đã có thể ngăn chặn sự phát tán của các video về vụ việc này, cũng như việc chúng tự động phát mỗi khi người dùng kéo đến.

Xả súng ở New Zealand - khi Facebook, YouTube thành công cụ phát tán - 2
Nạn nhân của những vụ việc như thế này không chỉ là người trong cuộc, mà còn là hàng triệu người bắt gặp những video, hình ảnh trên mạng xã hội. Ảnh: AP.

Vấn đề với những vụ khủng bố là giờ đây chúng ta phải lo tới những kênh truyền thông mới, bên cạnh những kênh truyền thống như TV hay báo chí. Khi người dùng ngày càng biết cách làm thế nào để gây chú ý trên mạng xã hội, những nền tảng nhiều người dùng nhất - Facebook, Twitter hay Google cần phải tìm ra cách để ngăn chặn phát tán những hình ảnh như thế này.

Nếu không, mạng xã hội sẽ tiếp tục bị sử dụng để truyền cảm hứng cho những vụ việc tương tự.

Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)