Đời sống

Lạm dụng tình cảm trẻ em - Bệnh dịch thầm lặng trong gia đình: Những biểu hiện ở trẻ 'tố' cha mẹ đã lạm dụng con cái bằng lời nói

Khi con bạn thường xuyên nói rằng "con là đứa ngu ngốc", hay mút tay hoặc đái dầm...đều là những biểu hiện cho thấy trẻ đã bị lạm dụng bằng lời nói.

Theo các chuyên gia, những dấu hiệu cho thấy một đứa trẻ đang bị lạm dụng bằng lời nói đó là:

1. Đứa trẻ hay nghĩ tiêu cực, có hình ảnh bản thân tiêu cực

Đây là hậu quả phổ biến nhất của việc đứa trẻ bị bố mẹ lạm dụng bằng lời nói. Con bạn có thể nói những điều như "con là đứa ngu ngốc" hoặc "Không ai thích con”… Ngoài ra, nếu con bạn có vẻ như rút lui sống thu mình, buồn rầu hoặc chán nản…cũng là những dấu hiệu cho thấy con bạn đang cảm thấy hình ảnh bản thân của trẻ thấp. Như cách mà Ủy ban quốc gia phòng chống lạm dụng trẻ em Hoa Kỳ xác nhận thì lạm dụng trẻ em tức là tấn công trẻ ý thức về giá trị bản thân.

2. Hành vi tự hủy hoại bản thân

Ví dụ như việc sử dụng dao cạo hoặc dao để rạch da của trẻ. Ngoài ra tất cả các hình thức trẻ tự gây thương tích hay các hoạt động liều lĩnh khác khiến con bạn gặp nguy hiểm đều báo hiệu cho thấy con bạn đã bị lạm dụng về tình cảm.

3. Hành vi chống đối xã hội

Nghiên cứu ở New Hampshire cho thấy trẻ em bị lạm dụng bằng lời nói có tỷ lệ xâm hại tình dục, phạm pháp và các vấn đề cá nhân cao hơn những đứa trẻ khác. Con bạn có thể đánh những đứa trẻ khác, thường xuyên cãi nhau với bạn cùng lớp hoặc tàn nhẫn với động vật.

4. Chậm phát triển

Đó có thể là những biểu hiện của sự chậm phát triển về thể chất, xã hội, học thuật hoặc cảm xúc…Con bạn có thể gặp khó khăn trong việc kết bạn, thu mình ở trường học hoặc có những hành vi thoái lui như mút ngón tay hoặc đái dầm.

Lạm dụng tình cảm trẻ em - Bệnh dịch thầm lặng trong gia đình: Những biểu hiện ở trẻ 'tố' cha mẹ đã lạm dụng con cái bằng lời nói

Ai đã từng mắng con cho hả dạ để rồi sau đó ân hận?

Có một thực tế là đa số chúng ta đang nuôi dạy con theo kinh nghiệm của cha mẹ mình. Cha mẹ mình cũng dạy mình theo kinh nghiệm của ông bà… Kỹ năng nuôi dạy con vì thế chủ yếu được học hỏi từ người đi trước hoặc là nuôi dạy con một cách hồn nhiên và hết sức bản năng.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước phát triển thì vấn đề cha mẹ lạm dụng con bằng lời nói vẫn thường xảy ra. Chỉ khác ở chỗ là: Ở các nước phát triển, vấn đề lạm dụng trẻ được nhìn nhận một cách thẳng thắn và được xem là vấn đề nghiêm trọng. Còn ở Việt Nam thì ít khi được đề cập tới. 

Trong khi đó, như chúng ta đã biết, hậu quả của việc cha mẹ lạm dụng trẻ bằng lời nói là hết sức nghiêm trọng, thậm chí còn nghiêm trọng hơn cả bạo lực về mặt thể chất. 

Thế nhưng sự “bỏ qua” này đã khiến cho vấn đề xúc phạm con cái được xem là điều hết sức… bình thường. Các bậc làm cha làm mẹ thậm chí còn không hề ý thức được rằng mình đang lạm dụng chính đứa con của mình. Như người mẹ ghét cay ghét đắng đứa con gái mà chúng tôi đã phản ánh trong bài đầu tiên của loạt bài này, khi được góp ý thì chị nói rằng, đó là cách mà chị đang dạy con nên người!? 

Đáng tiếc là cách suy nghĩ như của người mẹ này là không hề hiếm, nếu không nói là khá phổ biến trong đời sống hiện nay.

Thực tế trong quá trình nuôi dạy con, các bậc làm cha làm mẹ thường bị rơi vào tình trạng: khi bực lên thì mắng con cho hả dạ, để rồi sau đó lại ân hận và tìm cách bù đắp cho con bằng một sự quan tâm khác. Và những ứng xử như vậy không thể coi là cách “dạy con nên người”.

Theo Ngân Khánh (Gia đình và xã hội)