Gia đình

Cảnh giác với căn bệnh mùa lạnh khiến bàn tay 'biến sắc', nặng có thể hoại tử

Mỗi khi gặp lạnh, bàn tay sẽ biến sắc, bệnh nhân thường có cảm giác tê bì, đau buốt đầu ngón tay, nếu tình trạng kéo dài, nặng có thể dẫn tới biến chứng nhiễm trùng, hoại tử đen…

PGS.TS Hoàng Thị Lâm, BV ĐH Y Hà Nội cho biết trên Infonet, nhiều người thường có cảm giác tê bì, đau buốt đầu ngón tay, chân, khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc stress thì đổi màu đỏ, tím và rất đau. Nếu nhẹ thì da tại các vùng đó sẽ trở nên nhợt nhạt, hoặc đỏ sau đó chuyển sang màu tím, nặng hơn có thể hoại tử đen, nhiễm trùng…

Đây chính là những biểu hiện rất đặc trưng của hội chứng Raynaud. Đáng ngại, hội chứng này dễ xuất hiện vào mùa lạnh và là tình trạng bệnh lý do rối loạn vận mạch, co thắt các mạch máu làm giảm lượng máu tới mô gây thiếu máu cục bộ.

Bệnh nhân M. H (Sóc Sơn, Hà Nội) rất khốn khổ vì đôi tay “biến sắc” của mình. Trong năm chị sợ nhất mùa đông, những ngày Hà Nội chìm trong mưa rét chị gần như không dám ra ngoài đường.

“Ngay ở trong nhà tôi cũng phải đi găng tay. Nếu không các ngón tay của tôi sẽ chuyển màu sang trắng, rồi lại chuyển sang xanh lét. Những lúc như thế, bàn tay tôi cứ tê dại đi, không làm được gì”, chị M. H kể lại.

Chị cho biết cứ nghĩ nó chỉ là do cơ thể không thích nghi được với thời tiết mùa lạnh dù mùa hè chị cũng rất dễ mắc nhưng vẫn chủ quan không đi khám. Chị chỉ phát hiện mình mắc hội chứng Raynaud sau một lần vô tình đi khám bệnh tổng quát.

Cảnh giác với căn bệnh mùa lạnh khiến bàn tay 'biến sắc', nặng có thể hoại tử
Bác sĩ cảnh báo căn bệnh khiến bàn tay biến sắc mỗi khi gặp lạnh, không phòng để nặng có thể hoại tử

Hội chứng Raynaud là gì?

Hội chứng Raynaud là tình trạng bệnh lý co thắt các mạch máu ngoại vi khi gặp lạnh hoặc các tình huống căng thẳng, giảm lưu lượng máu đến cung cấp cho các mô và tế bào. Ngón tay, ngón chân, tai, núm vú và chóp mũi là những vùng bị ảnh hưởng phổ biến nhất trong bệnh Raynaud với các biểu hiện lâm sàng như: thay đổi màu sắc da từ hồng hào sang trắng hoặc tím xanh, dị cảm, tê rần da, thay đổi cảm giác,… biến chứng hoại tử có thể xuất hiện nếu tình trạng co thắt mạch diễn ra trong thời gian dài.

Maurice Raynaud (1834 - 1881) là tên của một bác sĩ người pháp mô tả bệnh lần đầu tiên vào năm 1862 nên tên của ông được đặt cho tên của bệnh. Hội chứng Raynaud xảy ra trong khoảng 4% dân số, phổ biến hơn ở nữ giới. Độ tuổi thường khởi phát bệnh rơi vào khoảng 15 đến 30. Bệnh thường gặp ở những khu vực có khí hậu lạnh.

Đối tượng nguy cơ Hội chứng Raynaud

Hội chứng Raynaud có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng những người sở hữu các yếu tố sau có khả năng mắc bệnh cao hơn hẳn:

Các yếu tố nguy cơ của hiện tượng Raynaud bao gồm:

Có người thân trong gia đình mắc phải hội chứng Raynaud, nhất là bố mẹ và anh chị em ruột.

Sống ở khu vực có khí hậu lạnh

Là nữ giới, trong độ tuổi từ 15 đến 30

Mắc các bệnh như xơ cứng bì, lupus, bệnh lý tuyến giáp.

Yếu tố nghề nghiệp: làm các công việc phải thực hiện các động tác lặp lại thường xuyên gây ra các chấn thương như công nhân phải dùng máy khoan, rung, đánh máy, đàn piano,…

Hút thuốc lá

Dùng thuốc chăn beta, ergotamine, thuốc điều trị ung thư, hỗ trợ ăn kiêng,…

Phòng ngừa Hội chứng Raynaud

Các biện pháp có khả năng dự phòng và kiểm soát các đợt cấp xuất hiện như:

Giữ ấm cơ thể, nhất là các khu vực ngoại vi phải tiếp xúc nhiều với môi trường ngoài như tay, chân, vùng mặt. Vào mùa lạnh cần mang găng tay, tất ấm và đội mũ khi đi ra ngoài, không để cơ thể bị lạnh vì không khí lạnh là yếu tố khởi phát các đợt co thắt mạch máu gây ra các biểu hiện lâm sàng.

Hạn chế tắm nước lạnh

Khi chế biến các thực phẩm đông lạnh nên mang găng tay, tránh dùng tay tiếp xúc trực tiếp.

Di chuyển đến những vùng có khí hậu ấm: người mắc hội chứng Raynaud nặng nên cân nhắc đến việc chuyển đến sinh sống ở nơi nóng ấm hơn.

Không hút thuốc lá

Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian dùng thuốc nếu có các dấu hiệu bất thường xuất hiện cần báo lại ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/canh-giac-voi-can-benh-mua-lanh-khien-ban-tay-bien-sac-nang-co-the-hoai-tu-tintuc811065