Giới trẻ

Châm chọc, mỉa mai một bài báo dùng cách viết phiên âm tiếng nước ngoài: Các bạn trẻ ngày nay sao thế?

Một bức ảnh bài báo phiên tâm tên của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong-Seug trong một nhóm trên MXH thu hút sự chú ý của rất nhiều dân mạng trẻ tuổi, nhưng có vẻ như các bạn trẻ đang đùa hơi quá.

Ngày nay, rất nhiều hội nhóm dành cho các bạn trẻ đang nhận được nhiều sự chú ý và hưởng ứng trên MXH. Các hội nhóm này mọc lên như nấm với nhiều mục đích nhưng nhờ một số content, trend khá hay ho nên đã thu về được lượng member rất lớn.

Chỉ có điều, với những trang, nhóm lớn như vậy, nếu người quản lý không quản lý tốt, thì sẽ ngay lập tức biến thành một mớ hỗn tạp và theo một số đánh giá của chính những người còn đang ở trong cộng đồng đó thì là "càng ngày càng nhạt nhẽo".

Điển hình như mới đây, một bài đăng đã thu về lượt tương tác rất lớn trong một hội nhóm. Nhóm này nổi tiếng với loạt "văn mẫu" hưởng ứng trend theo nhiều kiểu ngôn ngữ khác nhau từng được rất nhiều người yêu thích. Chỉ có điều, sau một thời gian làm mưa làm gió, thì các content đang ngày một đi xuống theo hướng copy + paste nhưng hình ảnh hài hước đã có từ lâu trên mạng hoặc xài đi xài lại một trend. 

Bài đăng gây tranh cãi mới đây, là bức ảnh chụp lại từ một trang báo giấy, viết về chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc khi đó là ông Park Byeong-Seug. Trang báo giấy này đã sử dụng cách phiên âm tiếng nước ngoài cho tên của vị Chủ tịch thành Bắc Piêng Sấc. 

Châm chọc, mỉa mai một bài báo dùng cách viết phiên âm tiếng nước ngoài: Các bạn trẻ ngày nay sao thế?
Bài báo gây tranh cãi

Chuyện phiên âm tiếng nước ngoài cho một bộ phận người dân ở Việt Nam đọc hiểu dễ hơn, nhất là những người cao tuổi, ít hoặc không có cơ hội được học tiếng nước ngoài là chuyện quá đỗi bình thường. Thế nhưng, sau khi đưa vào trong hội nhóm trên, một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ đã cười cợt, châm chọc người viết báo bằng những lời lẽ vô cùng khó nghe.

- "Nhìn cái tên phèn thế".

- "Nhỏ không học lớn làm nhà báo"

- "Tôi thấy cái này bth mà, ng ta phiên âm ra cho người dân mình dễ đọc thôi mà. Chả có gì buồn cười cả."

Việc phiên âm vốn không phải dành cho các bạn trẻ có điều kiện tiếp cận ngoại ngữ mà vốn được sử dụng dành cho thế hệ "ông bà anh" - những người vì nhiều lý do mà không thể học hành đến nơi đến chốn hoặc đã quên kiến thức từ rất lâu. Hơn nữa, cách phiên âm này thậm chí còn từng được sử dụng trong cả SGK trước đây, khi ngoại ngữ chưa được áp dụng trong lứa tiểu học. 

Các bạn trẻ ngày nay được có điều kiện dể tiếp cận các loại ngoại ngữ từ sớm, nhưng tư tưởng "thượng đẳng" hình thành hay nhen nhóm đều vô cùng đáng trách khi mỉa mai, châm chọc, lên án chính những chữ phiên âm đã đi liền với thời kỳ mới mở cửa hội nhập của đất nước.

Lộc (Nguoiduatin.vn)