Giới trẻ

Harvard: Thiên đường, siêu nhân hay quả bom

"Bất kỳ ai bạn gặp ở ĐH Harvard cũng sẽ thừa nhận rằng Harvard chỉ là khởi điểm, không phải cái đích và càng không phải mục tiêu của cuộc sống", bà Đào Thu Hiền viết.

"Bất kỳ ai bạn gặp ở ĐH Harvard cũng sẽ thừa nhận rằng Harvard chỉ là khởi điểm, không phải cái đích và càng không phải mục tiêu của cuộc sống", bà Đào Thu Hiền viết.

Việc ai đó nhắc tới tên Harvard trong khi giới thiệu về mình cũng đủ để thành chuyện và thường là chuyện không hay.

Harvard: Thien duong, sieu nhan hay qua bom hinh anh 1
Bà Đào Thu Hiền. Ảnh nhân vật cung cấp.

Người Mỹ tạo ra Harvard mà họ còn khó tính với nó như vậy. Là người nước ngoài, bạn thích hay ghét Harvard, bạn nghĩ nó tuyệt vời hay bình thường thôi, hoàn toàn là quyền của bạn.

Harvard không đứng ra thanh minh và nếu bạn gặp ai đó học trường này ra thì họ cũng không thanh minh. Nếu vì lý do gì đó bạn ghét Harvard, thôi cứ ghét đi cho bõ tức, nhiều cái đáng ghét lắm.

Bạn ngưỡng mộ, mơ ước và phục Harvard thì cũng không sao: Hàng triệu người đứng cùng bạn, trong đó có cả Tổng thống Obama vì ông đã gửi con gái vào đại học này.

Môi trường Harvard có phải “thiên đường” của các trường đại học và sinh viên là “siêu nhân” của các sinh viên như bạn tưởng hay không?

Câu trả lời theo cách mà các giáo sư Harvard hay nói là "có và không". Tôi chọn câu trả lời này không phải vì nó an toàn và vừa tai mọi người mà là vì đúng như thế.

Cách đây 6 năm, một cựu sinh viên Harvard ngán ngẩm với cái mà anh cho là sự "ngạo mạn" của thương hiệu này. Anh quyết định lập CLB có tên "Harvard Losers Club", tạm dịch là CLB của những kẻ thất bại từng học Harvard.  

Để có thành viên, anh ấy đăng ký "tên miền" với phòng cựu sinh viên và rất ngạc nhiên là không những nhà trường duyệt tên CLB, các cựu sinh viên khác cũng tham gia.

Những thành viên đầu tiên chia sẻ suy nghĩ với anh: Sinh viên Harvard chịu quá nhiều áp lực phải thành công vượt trội sau khi ra trường, trong khi không phải ai cũng làm được điều đó.

Nếu mọi người kỳ vọng ít hơn từ họ, nhiều bạn trẻ sẽ dám nói ra khó khăn của mình và tìm sự hỗ trợ. Họ hào hứng với CLB này vì cuối cùng cũng tìm được nơi có thể thoải mái chia sẻ về sự thất bại của mình.

Trước đó 6 năm, khi đang học tại Học viện Harvard Kennedy, tôi xin làm trợ giảng môn Econ 101 để kiếm tiền tiêu vặt. Buổi của tôi vào sáng thứ bảy hàng tuần thường vắng vì phần lớn sinh viên còn ngủ nướng. Tôi ngồi một mình rất buồn ngủ. Cho tới một hôm, anh sinh viên thạc sĩ quản lý công rất điển trai bước vào. Tôi không nhớ hết mình đã giảng những gì cho anh ấy, nhưng có nhớ mang máng là anh ta thán môn kinh tế phức tạp.

Anh ấy bảo nước mình không đo sự phát triển bằng GDP hay các con số tài chính mà bằng cái gọi là "happiness index" - chỉ số hạnh phúc. Tôi nghe anh ấy nói chuyện và nghĩ rằng người này chắc chắn còn đi xa hơn chức vụ trưởng ở Bộ Lao động và Nhân sự mà anh đang giữ lúc đó. Đúng 10 năm sau, anh sinh viên ngày đó - Tshering Tobgay - trở thành thủ tướng của Vương quốc Bhutan. 

Harvard: Thien duong, sieu nhan hay qua bom hinh anh 2
Sinh viên ĐH Harvard trong giờ học. Ảnh: Harvard.edu.

Con người là yếu tố chính làm cho Harvard trở thành một trong những tổ chức giáo dục tinh tuý nhất thế giới. Ở đây, bạn có thể tìm thấy những người giỏi và thành công nhất. Bạn cũng sẽ gặp những người đã làm những điều không hay chút nào (chỉ cần google hai từ Harvard và scandal sẽ biết) và những người rất bình thường.

Có một sự thật là không chỉ người nước ngoài choáng ngợp bởi cái tên Harvar mà người Mỹ cũng vậy. Ngôi trường thương hiệu này vừa gần lại vừa xa đối với nhiều người nên cảm xúc của họ trở thành cái gì đó giống như love-hate relationship (vừa thích vừa ghét).

Harvard vừa là niềm tự hào về đẳng cấp và sự tinh hoa (đã sản sinh ra bảy tổng thống Mỹ, 151 giải thưởng Nobel, Bill Gates, Mark Zuckerberg và nhiều bạn trẻ có điểm SAT tuyệt đối J) vừa là biểu tượng kiêu ngạo và quyền lực của giới thượng lưu, về cả tri thức và tài chính (30% sinh viên Harvard đến từ những gia đình có thu nhập trên 250.000 USD/năm) mà không mấy người Mỹ ủng hộ.

Vậy nên, ở Mỹ, bạn thường phải cẩn thận khi nhắc tới việc từng học Harvard, cho dù nhiều người có thể sẽ nghĩ IQ của bạn cao (không phải ai cũng thích điều đó). Thậm chí, có người lập tức ghét bạn và loại ngay khỏi danh sách tuyển dụng.

Ghét hay yêu, những ai từng ở trong cộng đồng sinh viên Harvard đủ lâu thì đều có cảm nhận rằng nơi đây hội tụ nhiều cá nhân có mục tiêu cao, tham vọng lớn, rất nghiêm túc và có lý tưởng.

Không phải ai có mục tiêu cao cũng chọn Harvard nhưng những người chọn Harvard thường nghĩ trường này cho họ những thứ tốt nhất từ một tổ chức giáo dục đại học. Họ tới đây không nhất thiết để có tiền bạc hay quyền lực, mà còn vì những hoài bão về kiến thức, sự năng động, tầm ảnh hưởng...

Phần đông trong số họ nghiêm túc với các dự định của mình và có thái độ làm việc tốt. Khá nhiều bạn có một niềm tin hay sự quan tâm tới một vấn đề nào đó đủ sâu sắc để tìm hiểu và theo đuổi nó. Cuối cùng, rất nhiều sinh viên Harvard tin là họ sẽ phải giữ vai trò lãnh đạo, đúng hay không, không cần biết.

Ai học Harvard rồi cũng thành công nổi trội? Câu trả lời là không. Bởi vì, bất kỳ ai bạn gặp ở Harvard cũng sẽ thừa nhận rằng: ĐH Harvard chỉ là khởi điểm, không phải cái đích và càng không phải mục tiêu của cuộc sống.

Bà Hiền Đào, CEO của tổ chức giáo dục Golden Path Academics, từng học thạc sĩ tại ĐH Harvard từ 2003 - 2005 và học tại ĐH Columbia từ 1997 - 1998.

Bà Hiền từng làm việc tại Sở tài chính New York và văn phòng thị trưởng New York trong giai đoạn 2005 - 2011. Trước đó, bà từng làm báo cho Bloomberg Newsvà AP.

Theo Đào Thu Hiền (Zing.vn)