Hỏi - Đáp

Tại sao ngựa vằn lại có sọc?

Bộ lông sọc đen trắng của ngựa vằn là chủ đề tranh luận sôi nổi giữa các nhà sinh vật học. Cuối cùng, họ đã chứng minh được 1 lý do cho bộ lông sọc của ngừa vằn: Để tránh bị ruồi tấn công.

Các giả thuyết được đưa ra

Tại sao ngựa vằn lại có sọc?

Một giả thuyết cho rằng những dải màu sáng và tối đan xen nhau có thể làm thay đổi nhiệt độ của dòng không khí di chuyển xung quanh cơ thể ngựa vằn nhằm giúp chúng có thể kiểm soát được nhiệt độ cơ thể. Điều này giúp chúng sống và di chuyển những chặng đường dài tại các môi trường nhiệt đới khắc nghiệt.

Một giả thuyết khác được đưa ra là bộ lông sọc của ngựa vằn được chúng sử dụng như một cách tương tác giữa các cá thế trong cộng đồng ngựa vằn. Theo đó, ngựa vằn có thể dựa vào bộ lông để xác định những con ngựa và bầy ngựa khác. Một giả thuyết thứ 3 được đưa ra là ngựa vằn dùng bộ lông sọc của mình để ngụy trang. Bộ lông sọc có thể được nhìn thấy rõ ràng vào ban ngày, nhưng một số nhà khoa học tin rằng nó có thể giúp ngựa vằn ẩn mình vào ban đêm, hoàng hôn hay lúc bình minh.

Tất cả các giả thuyết trên đều được nghiên cứu và kiểm nghiệm một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, các kết luận trên vẫn chưa hoàn toàn làm các nhà khoa học khác hài lòng. Một số nghiên cứu khác gần đây đã đưa ra các giả thuyết khác nhằm lý giải cho vấn đề tưởng chừng như bí ẩn này.

Một giả thuyết được Martin Stevens tại Đại học Exeter công bố gần đây cho rằng bộ lông sọc dùng để giúp ngựa vằn né tránh kẻ thù. Đây được gọi là "giả thuyết chuyển động làm hoa mắt". Giả thuyết này cho rằng bộ lông sọc sẽ làm kẻ thù sẽ bị nhầm lẫn và không hiểu được chuyển động của ngựa vằn. Nghiên cứu trên đây đã sử dụng hệ thống mô phỏng thị giác cho thấy bộ lông sọc đã gây nhiễu loạn thị giác của các loài khác. Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Zoology hồi năm ngoái.

Giả thuyết mới nhất được công bố gần đây là bộ lông sọc giúp ngựa vằn tránh được sự tấn công của ruồi. Trong tự nhiên, ngựa vằn là đối tượng dễ bị các bầy ruồi đang di cư tấn công. Những loài ruồi bao gồm ruồi xêxê, ruồi stomoxys và ruồi trâu đều là những loại ruồi hút máu và thường xuất hiện tại những khu vực có nhiệt độ và độ ẩm cao. Đây cũng chính là môi trường sống của ngựa vằn.

Những vết đốt từ những loài ruồi trên đều gây ra sự khó chịu và mất máu. Theo thống kê, khoảng 30 con ruồi cùng đốt một con ngựa vằn trong vòng 6 giờ liên tục có thể khiến con ngựa mất đi 100 mL máu. Chẳng những thế, những con ruồi thường bay bay xung quanh một con ngựa với số lượng lên tới hàng trăm con.

Ngựa vằn có lông ngắn hơn so với những loài ngựa khác như ngựa, lừa,... Đây cũng chính là đặc điểm khiến ngựa vằn nhạy cảm hơn nhiều và dễ bị tấn công hơn so với các loài ngựa khác. Ngoài ra, tại châu Phi có tới 4 loại bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong cho họ ngựa nói chung, và ngựa vằn nói riêng.

Chính vì lẽ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng bộ lông sọc trắng đen có thể tác động đến ruồi, khiến chúng hoa mắt và không thể tấn công.

Kiểm chứng các giả thuyết

Trong một nghiên cứu vừa mới được đăng tải trên tạp chí Nature, giáo sư Tim Caro và các đồng nghiệp của ông tại Đại học California đã không thực hiện thí nghiệm trên cá thể ngựa. Thay vào đó, nhằm kiểm chứng cho giả thuyết bộ lông sọc giúp ngựa vằn tránh được sự tấn công của ruồi, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu về hệ sinh thái và đặc điểm địa lý phân bố các quần thể ngựa vằn cùng các yếu tố khác có liên quan. Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu sử dụng cách tiếp cận bằng cách khảo nghiệm toàn bộ các giả thuyết trước đó. Chính vì vậy, giáo sư Caro cho rằng đây có thể là câu trả lời cuối cùng để lý giải toàn bộ vấn đề.

Giáo sư Caro đã khảo sát trên 7 loài thuộc họ ngựa sau đó phân loại chúng dựa trên số lượng và cường độ sọc. Để chắc chắn, ông đã kiểm chứng lại tất cả 5 giả thuyết đã được đưa ra trước đó là: ngụy trang, tránh động vật ăn thịt, kiểm soát nhiệt, tương tác xã hội và tránh ruồi tấn công. Nhóm nghiên cứu đã tính toán ra được phạm vi liên quan về đặc điểm phân bố địa lý của ngựa vằn theo từng giả thuyết trong số các giả thuyết trên.

Kết quả cho thấy, trong cả 5 giả thuyết, chỉ có lý do tránh bị ruồi tấn công là mang ý nghĩa về mặt thống kê. Theo bản đồ cho thấy, chỉ có những nơi ruồi và ngựa sống cùng nhau thì ngựa nơi đó mới có sọc. Về cơ chế chính xác về việc hình thành sọc của ngựa vằn vẫn chưa được lý giải, tuy nhiên những nghiên cứu trước đây được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Đại học Lund hồi năm 2012 đã củng cố cho kết luận trên.

Trong nghiên cứu của đại học Lund, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một bề mặt sọc và phủ đầy keo lên đó. Dựa trên số lượng ruồi bị dính trên bề mặt sọc theo từng mức độ sọc khác nhau, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những con ruồi có xu hướng ít đậu vào bề mặt sọc mảnh tương tự như ngựa vằn.

Giáo cư Caro cho biết: "Vào thời của Darwin, người ta không xem xét tới mối liên hệ của màu sắc và lợi thế sinh tồn của nó. Họ chỉ đơn thuần nghĩ rằng màu sắc của các loài động vật là để làm hài lòng con người hoặc do môi trường tạo nên. Darwin sẽ rất vui khi biết rằng hiện nay, chúng ta đã biết được màu sắc của động vật cũng là một đặc điểm chức năng."

Kết quả nghiên cứu trên còn giúp con người có thể chọn được những bộ quần áo có sọc nhằm giảm thiểu được nguy cơ bị các loại côn trùng đốt. Dù vậy, các nhà khoa học cũng cảnh báo rằng loại sọc và vật liệu quần áo có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của tính chất trên.

Đồng tác giả của nghiên cứu, giáo sư Davis tại đại học California cho biết: "Một chiếc áo thun có thể giúp ích cho bạn trong một số tình huống. Nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Bạn phải chắc rằng chiếc áo mà bạn mua có sọc mảnh. Đừng mua một chiếc áo có bảng sọc quá to. Bề mặt sọc đen trắng có thể phản chiếu nhiều dạng ánh sáng khả kiến, đồng thời nó cũng có thể phản chiếu các loại ánh sáng phân cực mà mắt người không thể nhìn thấy, nhưng côn trùng thì có thể."

Dung (Nguoiduatin.vn)