Kinh tế

Bỏ việc không một lời từ biệt - Lỗi của nhà tuyển dụng hay là trách nhiệm của ứng viên?

Trong khi nhiều người vất vả mới tìm được công việc phù hợp thì nhiều bạn trẻ lại vội vàng rời bỏ không lời từ biệt. Thậm chí, họ không thèm đến công ty thêm một lần, ngay khi vừa qua vòng phỏng vấn.

Trong khi nhiều người vất vả mới tìm được công việc phù hợp thì nhiều bạn trẻ lại vội vàng rời bỏ không lời từ biệt. Thậm chí, họ không thèm đến công ty thêm một lần, ngay khi vừa qua vòng phỏng vấn.

Bỏ việc không một lời từ biệt - Lỗi của nhà tuyển dụng hay là trách nhiệm của ứng viên?
 

Thực tế đây là vấn nạn mà nhiều doanh nghiệp gặp phải, nhất là các doanh nghiệp Startup hay SME (Small and medium enterprise tức là doanh nghiệp vừa và nhỏ).

Dưới đây, chúng tôi xin được trích lược chia sẻ của startup Nguyễn Ngọc Hà - CEO tại công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ofood về chuyện bạn trẻ "giáng đòn" nghỉ việc bất thình lình, không hề nói lời tạm biệt hay bàn giao công việc khiến doanh nghiệp ngỡ ngàng.

Những cú nghỉ việc "chí tử"

Sáng nay, mình chào ngày mới bằng việc một em nhân viên mới tự left group công việc, không đi làm và cắt đứt mọi cách liên hệ. Bạn ấy nghỉ việc mà không hề thông báo, bàn giao, out là out, không quan tâm hậu quả để lại.

Chia sẻ của chị Ngọc Hà đánh trúng vấn đề mà nhiều nhà tuyển dụng gặp phải.

Gần 2 tháng qua, tuyển dụng nhiều, tình huống các bạn được phỏng vấn, thỏa thuận xong xuôi, hứa hẹn cố gắng phấn đấu này nọ, vào làm được vài ngày thì nghỉ việc xảy ra đến nay, mình đếm được 23 lần. Hai mươi ba lần - cho nhiều vị trí khác nhau, cả văn phòng lẫn trong hệ thống quán. Hoặc với lý do áp lực quá chịu không được, hoặc với lý do không phù hợp môi trường, hoặc không một lý do hay lời nói nào cả.

Các bạn nghỉ việc theo kiểu mình thích thì mình nghỉ thôi. Tần suất xảy ra nhiều quá khiến mình đặt câu hỏi, chuyện gì đã xảy ra? Lỗi do công ty mình hay lỗi do phòng nhân sự, hay lỗi tư duy của chính các bạn ấy.

Chị Ngọc Hà - CEO của công ty Ofood.

Trao đổi với chúng tôi, CEO Ngọc Hà cho rằng, câu chuyện mà cô đề cập không chỉ xảy đến với doanh nghiệp startup. "Hôm nay, một chị bạn mình đang làm trong 1 công ty đa quốc gia cũng chia sẻ câu chuyện tương tự như vậy. Các bạn trẻ khi vào làm việc rất thiếu sự dấn thân, chịu cực chịu khổ. Khi nghỉ làm cũng không có thái độ đúng đắn và trách nhiệm. Mình nghĩ đây là lỗi tư duy. Không chỉ của cá nhân các bạn mà còn ở cách giáo dục xã hội. Theo mình, các bạn không được hướng dẫn những cách ứng xử phù hợp và đúng đắn".

Nói về hậu quả của việc "chạy trốn" không lời từ biệt, CEO Ngọc Hà cho rằng, đối với chính những ứng viên trẻ đó, họ sẽ gặp phải nhiều rắc rối hơn là phía doanh nghiệp. "Tuy nhiên, vì bản thân chị cũng vậy thôi. Nên vẫn rất kiên nhẫn và hy vọng các bạn sẽ thay đổi về nhận thức".

Doanh nghiệp Startup/ SME đang có những khó khăn gì?

Bản thân mình từng trải trong nghề làm công ty nhỏ và quen biết nhiều bạn bè làm nghề startup hoặc đang điều hành các công ty, mình hiểu rất rõ những áp lực của việc xây dựng một bộ máy. Nhỏ có cái khó của nhỏ, lớn có cái khó của lớn. Trong đó, áp lực về việc xây dựng đội ngũ, tuyển dụng và giữ chân được người phù hợp là vô cùng lớn. Không thể cạnh tranh bằng các chế độ phúc lợi, mức lương cao so với các công ty lớn, doanh nghiệp SME hay Startup lâu nay, vẫn loay hoay với các bài toán con gà - quả trứng. Khó khăn của Startup và SME có thể tạm kể vài thứ như sau:

- Không đủ tiền để cạnh tranh tuyển người bằng lương và chế độ.

- Công việc chưa đủ rõ ràng để tìm được người chuyên nghiệp trong từng bộ phận chức năng trong công ty.

- Người giỏi và có kinh nghiệm sẽ khó còn máu lửa và dấn thân vì họ đã đi làm đủ lâu để biết bán sức lao động sao cho đáng giá nhất. Người máu lửa và dấn thân thường còn thiếu kinh nghiệm. Người có cả hai thường đã tự mở công ty riêng hoặc dự án riêng hoặc đi định cư sang nước ngoài.

Không thể cạnh tranh về lương, chế độ đãi ngộ là một trong những hạn chế lớn của doanh nghiệp Startup và SME.

Vì đã chọn lựa con đường này và chấp nhận khó khăn của nó, nên mình luôn tìm giải pháp thay vì than phiền. Mình chọn tuyển dụng những bạn còn ít kinh nghiệm nhưng máu lửa, để đào tạo và nuôi dưỡng dần. Cách đó mình đã thành công với một vài vị trí trưởng phòng do chính mình đào tạo từ khi còn là sinh viên hoặc mới ra trường. Đến nay, các bạn đều đủ tự tin để lead team và vẫn còn tiềm năng phát triển bản thân, nghề nghiệp rất lớn.

Đâu là lý do để ứng viên nghỉ việc một cách phũ phàng?

Mình vẫn luôn có quan điểm về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ứng viên là mối quan hệ ngang hàng, win-win. Hai bên đều cần nhau để thỏa mãn nhu cầu của nhau. Nhưng gần đây mình lại gặp tình huống, công ty mình giống như "gái chờ chồng". Người ta thích đến thì đến, thích đi thì đi, muốn là nghỉ ngang không cần biết thứ mình để lại là gì và càng không quan tâm đến việc giải quyết nốt trách nhiệm của mình.

Ồ, mình hoàn toàn có thể dùng cách nói đanh đá bên trên để chửi rủa trách móc chê bai như rất nhiều những người bạn của mình tuyển dụng phải những trường hợp vô trách nhiệm và xả sự bực tức trên mạng xã hội. Nhưng mình là một đứa đã từng nghỉ ngang vì mâu thuẫn với sếp trong công việc, nên hiểu được góc độ của người gây ra hành động đó.

Tuy nhiên, hiểu không có nghĩa là đồng tình. Cách các bạn ứng xử ngày hôm nay sẽ đem lại hậu quả vào một ngày nào đó. Như mình, đến bây giờ, dù đã bàn giao công việc qua email và sắp xếp người thay thế, vẫn cảm thấy có lỗi với anh sếp cũ vì đã không đủ can đảm trực tiếp gặp mặt anh để từ chức. Chuyện đó như một kiểu ám ảnh với đứa luôn rất nghiêm khắc với bản thân trong cách ứng xử với người khác như mình.

Vậy nên, mình có một vài lời khuyên trước khi bạn ra quyết định nghỉ ngang một công việc:

- Suy xét thật kỹ về lý do bạn ra đi. Như cách các bạn đã suy xét khi nhận việc. Vì khi một công ty gửi offer cho bạn, thứ các bạn nhận không chỉ là một việc làm, mà còn có cả niềm tin và hy vọng.

- Hãy dấn thân và kiên nhẫn. 2 tháng thử việc vẫn là quá ngắn để tìm kiếm sự phù hợp, nói gì một vài ngày. Sự phù hợp chỉ có, khi chúng ta cho nhau cơ hội được hiểu nhau.

- Hãy cho đi trước khi đòi hỏi. Và hãy biết đòi hỏi khi mình đã chứng minh đủ khả năng.

- Áp lực là bản chất của việc làm. Không ai trả tiền để bạn được vui sướng thoải mái tận hưởng cuộc đời. Nhưng áp lực cũng là thứ giúp bạn trưởng thành và tài giỏi. Một chút áp lực những ngày đầu đi làm còn không chịu nổi, thì sau này bạn mong chờ mình đương đầu được với điều gì?.

- Bất luận vì lý do gì, khi không còn muốn bên nhau, cũng cần một lời chia tay tốt đẹp. Cách bạn bước vào một công ty cho thấy năng lực của bạn, nhưng cách các bạn bước ra khỏi một công ty cho thấy một phần nhân cách của bạn. Hãy chia tay lịch sự, ôn hòa, có trách nhiệm và đừng bao giờ nói xấu người cũ.

Theo Tuyết Hạ (Thời Đại)