Kinh tế

Chiếc ghế lãnh đạo công ty Đại Nam sẽ được xử lý thế nào khi bà Phương Hằng bị tạm giam?

Với vai trò Tổng giám đốc điều hành, nhưng hiện nay bà Hằng đã bị khởi tố và tạm giam 3 tháng, theo quy định pháp luật, vai trò điều hành doanh nghiệp sẽ được xử lý thế nào?

Công ty cổ phần Đại Nam được ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng "Lò vôi") lập ra năm 1996. Công ty này hiện đăng ký kinh doanh 127 ngành nghề, trong đó hoạt động chính là bất động sản với nhiều quỹ đất lớn tại Bình Dương (279ha tại khu công nghiệp Sóng Thần 2, gần 534ha tại khu công nghiệp Sóng Thần 3, khu du lịch Đại Nam 450 ha).

Khu công nghiệp Sóng Thần 1 có diện tích 178ha, hoàn thành năm 1995 với tổng vốn đầu tư 245 tỷ. Còn Khu công nghiệp Sóng Thần 2 có diện tích 313ha, tổng vốn đầu tư 423 tỷ đồng, đang đạt tỉ lệ lấp đầy cho thuê lên đến 96,5%; khu công nghiệp Sóng Thần 3 rộng 534ha, tổng vốn đầu tư 936 tỷ, tỉ lệ lấp đầy 67%. Đại Nam đang quản lý vận hành hai khu công nghiệp Sóng Thần 2 và 3.

Bà Nguyễn Phương Hằng được biết tới là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành CTCP Đại Nam. Sau khi ông Huỳnh Uy Dũng , chồng bà Hằng, bất ngờ thông báo việc rời khỏi thương trường để tập trung cho công việc thiện nguyện vào tháng 5/2020, ông đã giao toàn quyền điều hành doanh nghiệp cho vợ mình.

Chiếc ghế lãnh đạo công ty Đại Nam sẽ được xử lý thế nào khi bà Phương Hằng bị tạm giam?
Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. (Ảnh CACC)

Chiều 24/3, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. 

Thông tin từ báo Thanh Niên, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố ở khung hình phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Trước mắt vợ ông Dũng "Lò Vôi" sẽ bị tạm giam 3 tháng.

Vậy với vai trò Tổng giám đốc điều hành, nhưng hiện nay bà Hằng đã bị khởi tố và tạm giam 3 tháng, theo quy định pháp luật, vai trò điều hành doanh nghiệp sẽ được xử lý thế nào?

Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, đối với công ty cổ phần thì Hội đồng quản trị bổ nhiệm một thành viên Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không quá 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

Chiếc ghế lãnh đạo công ty Đại Nam sẽ được xử lý thế nào khi bà Phương Hằng bị tạm giam? - 1
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật.

Do vậy, nếu bà Hằng là Tổng Giám đốc của công ty thì Hội đồng quản trị có thể bổ nhiệm một Tổng Giám đốc khác trong thời gian tới. Trường hợp bà Hằng vừa là Tổng Giám đốc vừa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp).

Cũng treo đổi với báo trên, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, về mặt quản lý, khi người đại diện pháp luật bị khởi tố bị can và tạm giam thì việc quản lý điều hành doanh nghiệp có thể sẽ giao cho cấp phó thực hiện hoặc do Hội đồng quản trị quyết định người tạm thay thế.

"Và điều quan trọng hơn là việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt sẽ dẫn đến làm giảm uy tín của doanh nghiệp về mặt hình ảnh; có thể ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch, ký kết của công ty, quá trình phát triển công ty trong tương lai...", luật sư Tùng chia sẻ.

PN (Nguoiduatin.vn)




https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/docbaovn/chiec-ghe-lanh-dao-cong-ty-dai-nam-se-duoc-xu-ly-the-nao-khi-ba-phuong-hang-bi-tam-giam-tintuc815767