Kinh tế

Chủ tịch PetroVietnam: Khó xử lý các dự án thua lỗ vì "không được rót tiền"

Lãnh đạo PetroVietnam cho rằng, vướng mắc lớn nhất để khởi động lại các dự án thua lỗ của tập đoàn này là không được rót thêm vốn Nhà nước.

Lãnh đạo PetroVietnam cho rằng, vướng mắc lớn nhất để khởi động lại các dự án thua lỗ của tập đoàn này là không được rót thêm vốn Nhà nước.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam thừa nhận khuyết điểm khi để chậm trễ trong triển khai các giải pháp khôi phục lại 3 dự án thua lỗ của tập đoàn. Ông Sơn cho biết, hiện mọi hoạt động "mới chỉ dừng lại ở tranh luận, thảo luận nên dẫn tới kết quả xử lý chưa có chuyển biến gì”.

Chủ tịch PetroVietnam nêu 3 vướng mắc lớn nhất trong xử lý số dự án này. Vướng mắc lớn nhất được ông Sơn nêu khi khắc phục khó khăn của các dự án thua lỗ thuộc tập đoàn là thiếu tiền, khi dòng tiền và chi phí cho số dự án đều không còn.

"Mọi hoạt động đều cần tiền, nhưng theo chủ trương chúng tôi không được rót thêm vốn Nhà nước, nên rất khó khăn để khởi động lại", Chủ tịch PetroVietnam than.

chu-tich-petrovietnam-kho-xu-ly-cac-du-an-thua-lo-vi-khong-duoc-rot-tien

PVTex là một trong số dự án thua lỗ nghìn tỷ, ngập trong khó khăn nhất của PetroVietnam. 

Ngoài ra, các đơn vị cũng gặp khó trong quyết toán hợp đồng EPC với nhà thầu nước ngoài, bên ngoài tập đoàn nên quá trình xử lý không phụ thuộc vào đơn vị mà do yếu tố khách quan. "Với dự án có vốn vay từ ngân hàng, song nếu không có sự chỉ đạo của Chính phủ thì việc thanh toán, tái cơ cấu lại khoản vay rất khó khăn", ông Sơn nói.

Cuối cùng là khởi động lại các dự án theo kế hoạch như PVTex, các nhà máy nhiên liệu sinh học… Ngay cả phương án xấu nhất là cho phá sản một trong số dự án kém nhất thì cũng cần chi phí nhất định cho công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ điện nước cho dự án... trong thời gian 18 tháng đến 2 năm. Đơn cử, các chi phí duy trì PVTex trong lúc chờ phá sản cũng tốn hàng trăm tỷ đồng trong 2 năm.

Phân trần thêm về thực trạng PVTex, một trong những dự án đang được cho là "không những khởi sắc mà còn sa lầy vào khó khăn hơn", ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó tổng giám đốc PetroVietnam cho hay, các phương án bao gồm chuyển nhượng vốn, hợp tác với đối tác nước ngoài tái khởi động hoặc phá sản đều được chuẩn bị nhưng khó khăn là không được bỏ tiền vốn Nhà nước vào dự án này.

"Không phải tập đoàn không làm mà đã chuẩn bị tất cả các phương án, nhưng đều khó khăn là không có tiền để thực hiện. Nếu thực hiện nghiêm khắc chỉ thị của Bộ Chính trị là Nhà nước không bỏ thêm vốn vào các dự án này thì không thể làm gì được”, Phó tổng giám đốc PetroVietnam nói thêm.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị quản lý Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất cũng cho rằng, khúc mắc lớn nhất là không được chi thêm tiền.

“Giờ không thể cầu toàn, giữa những phương án đều xấu, chúng tôi sẽ chọn phương án ít xấu nhất. Tôi cho rằng, đầu vào đúng thì ra mới đúng được, phải nhìn rõ bức tranh thì quyết sách mới đúng được”, ông Giang nói.

Trong số 12 dự án thua lỗ, yếu kém, PetroVietnam có 5 dự án, gồm 3 dự án nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ, Bình Phước và Quảng Ngãi. Hai dự án còn lại trong lĩnh vực khác gồm Tổng công ty Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) và Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Nhắc lại chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp ngày 5/7 khi phê bình PetroVietnam chậm trễ trong xử lý các dự án ngành dầu khí, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Công Thương yêu cầu tập đoàn cần chỉ đạo triển khai quyết liệt theo lộ trình được Bộ Chính trị đặt ra. Cụ thể hoàn thành phương án xử lý trong năm 2017, cơ bản giải quyết khó khăn sau một năm, và năm 2020 hoàn thành xử lý số dự án này.

“Phó thủ tướng nêu quyết liệt, nếu dự án khó khăn không có chuyển biến thì phải thay thế nhân sự, cán bộ. Ban chỉ đạo đã thông qua phương án xử lý từng dự án", Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.

Nói Nhà nước không đổ thêm vốn nhưng không có nghĩa là không thể xử lý được. Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, ngoài trông chờ vào vốn Nhà nước rót thêm, thì PetroVietnam cần chủ động tiền từ nhiều nguồn khác nhau.

"Khi đầu tư dự án có khả năng thua lỗ thì ngay từ đầu đã có trích lập quỹ dự phòng. Nếu dự án không được triển khai thì bán chuyển nhượng vẫn thu lại một phần chi phí bảo vào dự án đó. Tất cả các dự án này Ban Chỉ đạo đưa ra phương án ưu tiên là khởi động lại dự án sau đó mới thoái vốn", Thứ trưởng Công Thương nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần họp lại các cổ đông, tiếp tục bổ sung vốn để xử lý, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7.

4 dự án thua lỗ nghìn tỷ của Vinachem chật vật phục hồi

Theo Nguyễn Hoài (VnExpress.net)