Kinh tế

Chứng khoán có thể điều chỉnh bất ngờ

Chứng khoán trong nước liên tục xác lập đỉnh mới. Chuyên gia cho rằng, thị trường có thể xuất hiện những điều chỉnh bất ngờ trong các phiên tới.

Khó tìm điểm mua

Tuần qua, chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng điểm nhờ những tín hiệu phục hồi trong kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp niêm yết và một vài thông tin tích cực liên quan tới cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ở cuộc họp tháng 7, Fed đã tiếp tục nâng lãi suất sau 1 tháng tạm dừng đúng như kỳ vọng của thị trường. Fed cũng khẳng định vẫn đang quan tâm đến rủi ro lạm phát để ngỏ khả năng về đợt lần tăng lãi suất tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch Fed cho biết, các nhà kinh tế học tại Fed không còn dự báo về viễn cảnh suy thoái, tạo kỳ vọng về kịch bản hạ cánh mềm của nền kinh tế.

Chứng khoán có thể điều chỉnh bất ngờ
Đến nay, loạt cổ phiếu vượt đỉnh 6 tháng, tăng giá mạnh so với hồi đầu năm

Các yếu tố trên kết hợp với sự hưng phấn của nhà đầu tư sau những tuần tăng giá liên tiếp đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm. Dù vậy, thị trường đã bắt đầu xuất hiện những phiên rung lắc mạnh. Tuần này, nhóm ngành bất động sản là tâm điểm thị trường, trong đó các cổ phiếu tiêu biểu như NVL (+21,1%), DXG (+15,2%) và NLG (+3,0%) tăng điểm ấn tượng.

VCB (+4,6%) tiếp tục làm động lực chính dẫn dắt chỉ số VN-INDEX khi đóng góp 4,9 điểm, theo sau là VNM (+5,3%), NVL (+21,1%), TCB (+4,6%) và VPB (+3,3%). Kết tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 1.207,7 điểm (tăng 1,8% so với tuần trước).

Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 23.508 tỷ đồng (tăng 15,5% so với tuần trước). Tuy nhiên, giá trị mua ròng của khối ngoại giảm 31,3% trên HoSE, xuống còn 792 tỷ đồng.

Ông Phạm Việt Duy - Trưởng nhóm thị trường, khối phân tích của Chứng khoán VNDirect - nhận định, thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái quá mua, do đó nhà đầu tư nên giữ tâm lý tỉnh táo và hạn chế Fomo (sợ bỏ lỡ cơ hội) ở thời điểm này. Hành động phù hợp với nhà đầu tư là hạn chế mua đuổi cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán, bất động sản, tuy nhiên không vội vàng bán ra nếu thị trường và cổ phiếu chưa mất xu hướng.

“Khi phiên phân phối xảy ra với đặc điểm thanh khoản cao và giảm hơn 10 điểm lúc đóng cửa, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời để có thể bảo toàn lợi nhuận. Việc chốt lời bảo toàn lợi nhuận để tìm các điểm mua hợp lý sẽ là hành động tối ưu”, ông Duy khuyến nghị.

Về góc nhìn kỹ thuật, chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá hầu hết các chỉ báo đều đang ở mức cao và thị trường có thể xuất hiện những điều chỉnh bất ngờ trong các phiên tới. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng khi VN-Index tiếp cận vùng 1.210 điểm, ưu tiên quản trị rủi ro tài khoản, chủ động hiện thực hóa lợi nhuận một phần thay vì tiếp tục mua đuổi cổ phiếu ở vùng giá cao.

21 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức

Tuần tới, 21 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức, trong đó 15 doanh nghiệp đều trả cổ tức bằng tiền mặt, 2 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp thưởng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp quyền mua cổ phiếu và 2 trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt trong tuần này.

Chứng khoán có thể điều chỉnh bất ngờ - 1
Tuần tới, 21 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức.

Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (mã SCS) trả cổ tức tiền mặt cao nhất, với tỷ lệ 35%. Với 94,4 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, dự kiến công ty sẽ cần chi khoảng 330 tỷ đồng để chi trả cổ tức đợt này. Trước đó, công ty đã thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 đợt 1 vào tháng 12/2022 với tỷ lệ 25% bằng tiền mặt. Qua đó, tổng mức chia cổ tức năm 2022 của SCS là 60%. Thời gian thực hiện dự kiến là ngày 18/8/2023.

CTCP Vinatex Đà Nẵng (mã VDN) chốt trả cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 20%. Từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp dệt may luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt đều đặn khoảng 10-20% mỗi năm. Với hơn 3,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VDN cần chi hơn 6 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thực hiện dự kiến là ngày 24/8/2023.

CTCP Sữa Việt Nam, Vinamilk (mã VNM) sẽ chốt danh sách cổ đông thanh toán cổ tức còn lại của năm 2022 và tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền với tỷ lệ 24,5%. Trước đó, Vinamilk đã thực hiện 2 đợt tạm ứng cổ tức năm 2022, gồm đợt 1 trả 15% vào tháng 8/2022 và đợt 2 với tỷ lệ 14% vào tháng 2/2023. Qua đó, tổng mức chia cổ tức năm 2022 là 38,5% bằng tiền mặt.

Một số doanh nghiệp cũng chốt cổ tức tiền mặt cao, như CTCP Tân Cảng-Phú Hữu (mã PNP) là 16% . Với hơn 16 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp này dự kiến sẽ chi khoảng 26 tỷ đồng. Công ty Cổ phần thực phẩm quốc tế (Interfood, mã IFS) chốt trả tức bằng tiền, tỷ lệ 17,8%. Với hơn 87 triệu cổ phiếu lưu hành, IFS sẽ cần chi hơn 155 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp cùng trả cổ tức tiền mặt 15% là CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (mã HUB), CTCP Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội (mã XDH). XDH đồng thời trả cả cổ tức cổ phiếu, tỷ lệ 10%.

Theo Việt Linh (Tiền Phong)




https://tienphong.vn/chung-khoan-co-the-dieu-chinh-bat-ngo-post1555911.tpo