Kinh tế

Đồng USD vụt tăng mạnh, cả thế giới biến động

Đồng USD của Mỹ bất ngờ quay đầu tăng mạnh cho dù lạm phát có dấu hiệu đạt đỉnh. Diễn biến mới của đồng tiền số 1 thế giới khiến các thị trường tài chính, hàng hóa toàn cầu vào một đợt biến động mới.

USD tăng, tiền tệ thế giới giảm mạnh

Trong phiên giao dịch đêm 22/8, đồng Euro có thời điểm giảm xuống dưới ngưỡng 1 USD trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại nền kinh tế lớn nhất EU là Đức rơi vào suy thoái. Giá khí đột tự nhiên tăng vọt sau khi Gazprom của Nga tuyên bố dừng cung cấp khí đốt qua tuyến đường ống chính Nord Stream 1 trong vòng 3 ngày.

Trong khi đó, thị trường đánh cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Tín hiệu có thể được chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra tại hội nghị thường niên Jackson Hole từ 25-27/8 tới.

Như vậy, tính từ đầu năm, đồng Euro đã giảm khoảng 12% và hiện ở vùng thấp nhất trong 20 năm qua. Yen Nhật giảm khoảng 14% so với đồng bạc xanh. Còn so với rổ các đồng tiền chủ chốt, USD đã tăng trên 13%.

Đồng USD vụt tăng mạnh, cả thế giới biến động
Đồng USD tăng mạnh so với rổ tiền tệ trong vòng năm qua.

Sau khi giảm mạnh, đồng Euro và Yen Nhật được dự báo sẽ đi ngang so với USD trong vài tháng tới. Tuy nhiên, Nhân dân tệ của Trung Quốc có thể giảm tiếp so với USD do Trung Quốc đối mặt với nguy cơ suy giảm kinh tế đột ngột vì Covid.

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 7 chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 3,9% trong tháng 6 và mức dự báo 4,6%. Tăng trưởng doanh số bán lẻ cũng suy yếu với mức tăng chỉ đạt 2,7%, thấp hơn mức dự báo 5%.

Tính tới sáng 23/8 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới - lên trở lại ngưỡng 108,9 điểm và được dự báo có thể vượt đỉnh cũ, chạm ngưỡng 109 điểm ghi nhận hồi giữa tháng 7.

Hy vọng Fed không có thêm động thái quá mạnh tay để siết chặt chính sách tiền tệ dường như đã tan vỡ.

Nhiều cảnh báo cho biết Fed sẽ tiếp tục có các chính sách tiền tệ thắt chặt khi mà lạm phát được dự báo sẽ còn ở mức cao trong khoảng thời gian dài. Nhiều quan chức Fed cho biết, họ “hoàn toàn thống nhất” với việc tăng lãi suất tới mức có thể giảm lạm phát. USD có thể vẫn chưa đạt đỉnh và sẽ còn tăng tiếp trong tối thiểu 3 tháng nữa.

Đồng USD vụt tăng mạnh, cả thế giới biến động - 1
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát tín hiệu cứng rắn.

Theo một khảo sát của Reuters, có tới 70% chiến lược gia cho rằng đồng bạc xanh chưa lên đỉnh cao nhất và đồng tiền này sẽ lên tiếp trong 3 tháng tới, 6 tháng tới, thậm chí một số người cho rằng USD sẽ còn đi lên trong 2 năm tới.

Lý do khiến nhiều chuyên gia dự báo USD còn tăng giá là do lạm phát hiện cao gấp hơn 4 lần so với mục tiêu 2%. Việc đưa lạm phát về mức nói trên chắc chắn sẽ cần một khoảng thời gian dài.

Thế giới thêm một đợt biến động

Giá vàng trong phiên giao dịch sáng 23/8 giảm nhanh xuống dưới ngưỡng 1.740 USD/ounce, so với mức trên 1800 USD/ounce hồi giữa tháng 8.

Vàng được dự báo giảm trong tuần mới do áp lực của một đồng USD mạnh. Theo khảo sát của Kitco, có 55% các chuyên gia dự báo vàng giảm, trong khi đó chỉ có 18% dự báo mặt hàng kim loại quý này tăng giá.

Theo phân tích kỹ thuật, vàng được hỗ trợ ở mức 1.725 USD/ounce.

Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust gần đây bán mạnh vàng sau khi Fed tái khẳng định lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến một phiên giao dịch đầu tuần (22/8) tồi tệ. Sau khi đứt mạch 4 tuần tăng liên tiếp trong tuần trước, cổ phiếu Mỹ tiếp tục bị bán mạnh với chỉ số công nghiệp Dow Jones sụt hơn 600 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng giảm hơn 2,1%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất mất gần 2,6%.

Đồng USD vụt tăng mạnh, cả thế giới biến động - 2
Biến động đồng tiền của một số nước mới nổi.

Một đồng USD mạnh lên khiến giới đầu tư ở nhiều quốc gia lo ngại dòng vốn đầu tư rút về Mỹ. Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp về lãi suất vào ngày 25/8 và có khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 25 điểm phần trăm sau khi đã tăng 50 điểm trong cuộc họp tháng trước.

Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho rằng Fed cần tiếp tục nâng lãi suất (từ mức 2,25-2,5% như hiện tại) lên 3,9%/năm vào cuối năm và 4,4%/năm trong năm 2023 để hạ nhiệt lạm phát.

Tại Việt Nam, sáng 22/8, giá USD trên thị trường tự do và tỷ giá USD trung tâm vọt tăng. Tỷ giá trung tâm được niêm yết tăng thêm 17 đồng lên 23.222 đồng/USD. Với biên độ +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn là 22.525 VND/USD, tỷ giá trần 23.919 VND/USD. Tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh 60 đồng/USD chiều mua và tăng 50 đồng/USD chiều bán ra so với phiên trước lên quanh mức 24.060 và 24.090 đồng/USD (mua-bán).

7 tháng đầu năm, đồng VND giảm 2,21% so với USD. Còn DXY tăng 10,7% trong 7 tháng và tới nay đã tăng trên 13%.

Theo báo cáo vĩ mô tháng 7 của Chứng khoán Bảo Việt, trong 7 tháng, đồng Baht của Thái Lan giảm mạnh nhất trong số các nước mới nổi, còn VND của Việt Nam giảm thấp nhất.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những điều chỉnh về phương thức bán tín phiếu nhằm hút bớt tiền về và nâng tỷ giá trung tâm. Hiện tại, Việt Nam duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, thăng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao. Tuy nhiên, áp lực mất giá của VND vẫn hiển hiện do USD tăng nhanh.

Dù vậy, BVSC dự báo VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.

Theo M. Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/dong-usd-vut-tang-manh-ca-the-gioi-bien-dong-2052378.html