Kinh tế

Loạt 'ông lớn' dồn dập thay đổi kế hoạch kinh doanh vào phút chót

Nhiều doanh nghiệp niêm yết, trong đó có những "ông lớn" đã thay đổi kế hoạch kinh doanh vào phút chót khi khó hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Điều chỉnh vào phút chót

Chỉ 3 ngày trước khi kết thúc năm 2023 (28/12), CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ (PSW) của Chủ tịch Phạm Quý Hiển bất ngờ công bố nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về việc điều chỉnh giảm nhiều chỉ tiêu kinh doanh năm 2023.

Cụ thể, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2023 được điều chỉnh từ mức 20 tỷ đồng đưa ra hồi đầu năm xuống còn 4,04 tỷ đồng. Kế hoạch doanh thu giảm từ 4.148 tỷ đồng xuống còn 2.870 tỷ đồng.

Kế hoạch cả doanh thu và lợi nhuận năm 2023 được điều chỉnh giảm mạnh trong vài ngày trước khi kết thúc năm. Lợi nhuận được điều chỉnh giảm 5 lần so với kế hoạch được thông qua tại đại hội cổ đông thường niên hồi cuối tháng 4.

Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót trong bối cảnh tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này không khả quan và rất khó đạt được mục tiêu đề ra ban đầu. Trong 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của PSW chỉ đạt hơn 5,1 tỷ đồng và doanh thu đạt gần 2.193 tỷ đồng.

Với kế hoạch mới, PSW đã vượt 24% chỉ tiêu lợi nhuận và hoàn thành 77% mục tiêu doanh thu.

Cũng với kế hoạch kinh doanh 2023 mới thấp hơn, PSW đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 là 12 tỷ đồng, gấp 3 lần so với mục tiêu lợi nhuận mới đưa ra.

Phân bón và Hóa chất Dầu khí Tây Nam Bộ không phải doanh nghiệp duy nhất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có không ít tập đoàn, tổng công ty lớn cũng đã có những động thái tương tự.

Chỉ khoảng hơn một tuần trước khi kết thúc năm tài chính 2023, HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đã ra nghị quyết điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023.

Loạt 'ông lớn' dồn dập thay đổi kế hoạch kinh doanh vào phút chót
Nhiều doanh nghiệp không đạt được kết quả kinh doanh đặt ra đầu  năm.

Theo đó, kế hoạch doanh thu được điều chỉnh giảm gần 12% từ mức 27.527 tỷ đồng xuống mức 24.243 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh giảm hơn 21% từ mức 4.264 tỷ đồng xuống còn 3.363 tỷ đồng.

Lý do điều chỉnh được đưa ra là “phải hoàn thành kế hoạch kinh doanh công ty mẹ”.

Tập đoàn Cao su Việt Nam điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh trong 9 tháng đầu năm doanh nghiệp này chỉ thực hiện được khoảng 60% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận.

Với kế hoạch mới, doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh so với kết quả thực hiện năm 2022 cho dù giá cao su thế giới nằm trong xu hướng tăng cả năm qua (mức giảm tương ứng là 12% và 29%).

Sau một năm khó khăn, chờ 2024 tươi sáng hơn

Có thể thấy, một điểm chung của nhiều doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là trong năm 2023 gặp nhiều khó khăn. Chỉ có điều chỉnh hạ mục tiêu, doanh nghiệp mới có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Trước đó, Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) cũng đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2023 giảm 30% so với kế hoạch cũ. Theo kế hoạch mới, lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm từ 160 tỷ đồng về mức 112 tỷ đồng. Doanh thu giảm từ hơn 8.900 tỷ đồng xuống còn 8.395 tỷ đồng.

Cũng giống như PSW hay GVR, Hóa dầu Petrolimex cũng có kết quả không mấy ấn tượng trong 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận sau thuế giảm hơn 26% so với cùng kỳ xuống mức hơn 81 tỷ đồng.

CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) - doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Duy Hưng (Chứng khoán SSI) cũng đã điều chỉnh giảm 25% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2023 về 4.870 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. 

Trong báo cáo sơ bộ, doanh nghiệp tôm quy mô nghìn tỷ ước tính doanh thu đạt 4.800 tỷ đồng và lợi nhuận đạt trên 300 tỷ đồng trong năm 2023, đều hoàn thành mục tiêu (điều chỉnh). Nhưng nếu so với cùng kỳ, doanh thu và lợi nhuận của FMC đều giảm khoảng 11% so với năm trước.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Vinatex (VGT) hồi cuối tháng 11 cũng đã hạ mục tiêu doanh thu năm 2023 giảm 6%, từ mức 17.500 tỷ đồng theo kế hoạch cũ xuống 16.500 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận giảm gần 40%, từ mức 610 tỷ đồng kế hoạch cũ xuống còn 370 tỷ đồng.

Trong 9 tháng, Vinatex ghi nhận doanh thu thuần gần giảm 14% xuống còn 12.187 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 94% xuống còn 37 tỷ đồng. Vinatex mới thực hiện được khoảng 70% kế hoạch kinh doanh năm.

Có thể thấy, doanh nghiệp trong nhiều ngành ghi nhận sự khó khăn trong 9 tháng đầu năm. Không chỉ cao su hay thủy sản, các ngành được kỳ vọng có hoạt động tốt như thép nhờ nỗ lực đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ… cũng ghi nhận rất nhiều khó khăn.

Tổng Công ty Thép Việt Nam - VNSteel (TVN) đối mặt với thua lỗ liên tiếp và giảm mục tiêu lợi nhuận công ty mẹ trước thuế từ 52 tỷ xuống còn 1 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, VNSteel ghi nhận 2 trong 3 quý lỗ. Trong quý I, TVN lãi hơn 64 tỷ đồng nhưng trong quý II và quý III doanh nghiệp này lỗ tương ứng 255 tỷ đồng và 155 tỷ đồng. Với tình trạng như vậy, mục tiêu có lãi trong năm 2023 dường như cũng rất khó khăn.

Với bất động sản, nhiều doanh nghiệp còn rất khó khăn khi thị trường địa ốc còn trầm lắng. Sức khỏe tài chính của các công ty còn rất yếu, gánh nặng nợ trái phiếu đã bào mòn túi tiền trong bối cảnh dòng tiền từ bán hàng vốn đã rất eo hẹp.

Tổng CTCP Địa ốc Sài Gòn - Saigonres (SGR) cũng đã phải điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm 3,2 lần so với mục tiêu đặt ra hồi đầu năm xuống còn 99 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Saigonres ghi nhận doanh thu giảm 92% so với cùng kỳ xuống còn 47 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm 76% còn dưới 50 tỷ đồng.

Với nhiều doanh nghiệp, việc điều chỉnh kế hoạch doanh kinh doanh là điều bất đắc dĩ do những khó khăn bất ngờ và bất khả kháng. Nhưng một số doanh nghiệp đầu năm đặt kế hoạch kinh doanh quá cao cho dù đã thấy tình hình không thuận. DIC Corp. (DIG) là một trường hợp như vậy. Cho dù thị trường bất động sản dự báo còn nhiều thách thức trong năm 2023 nhưng doanh nghiệp này vẫn đặt kế hoạch đầy tham vọng với lợi nhuận trước thuế tăng 7 lần so với năm 2022. Trong 9 tháng, DIG mới hoàn thành 10% mục tiêu đề ra.

Trên thực tế, việc điều chỉnh mục tiêu giúp các đơn vị có thể hoàn thành kế hoạch năm, đồng thời tạo ra mặt bằng thấp hơn cho năm mới bứt phá. Việc nói về triển vọng tích cực của doanh nghiệp sẽ dễ nghe hơn là nói triển vọng tiêu cực.

Dù vậy, việc đặt kế hoạch không sát và nhiều lần điều chỉnh kế hoạch cũng sẽ làm giảm niềm tin của cổ đông, đối tác vào ban điều hành. Nó cũng có thể sẽ khiến cổ phiếu biến động không theo sát với tình hình sức khỏe cũng như triển vọng của doanh nghiệp.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/loat-ong-lon-don-dap-thay-doi-ke-hoach-kinh-doanh-vao-phut-chot-2235884.html