Kinh tế

Mỹ phải trả nông dân gần 5 tỷ USD vì hậu quả chiến tranh thương mại

Chiến tranh thương mại vào tận nhà người Mỹ

Chính phủ Mỹ đã cam kết cung cấp gói hỗ trợ hàng tỷ USD nhằm giúp nông dân giảm nhẹ hậu quả từ xung đột thương mại với các đối tác toàn cầu.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cam kết trả 4,7 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nông dân Mỹ chịu thiệt hại do các xung đột thương mại gần đây.

Trong bối cảnh Trung Quốc, Mexico, Liên minh châu Âu (EU) và một số đối tác thương mại đã tăng thuế đánh vào nông sản Mỹ, từ đậu tương, thịt lợn cho tới hoa quả, nhằm đáp trả chính sách thương mại của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Nông nghiệp Sonny Perdue cho biết khoản tiền này sẽ bảo vệ nông dân Mỹ khỏi thiệt hại do "mức thuế bất công" một số quốc gia áp dụng.

Gói cứu trợ tỷ USD của Washington

Gói cứu trợ, dự kiến có thể lên tới 12 tỷ USD, được bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra hồi tháng 7. Kế hoạch chi tiết việc giải ngân hàng tỷ USD này vẫn đang chờ được công bố

Ông Perdue cho biết khoản tiền, hiện được hứa hẹn ở mức 4,7 tỷ USD, sẽ làm giảm tác động tiêu cực tới các nông dân trong khi Tổng thống Trump đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm mang lại các thỏa thuận có lợi hơn về tổng thể cho nền kinh tế Mỹ, trong đó có cả ngành nông nghiệp.

"Chỉ lòng yêu nước thôi thì không đủ để giúp nông dân trả các hóa đơn của họ", Bộ trưởng Perdue nói.

Mỹ phải trả nông dân gần 5 tỷ USD vì hậu quả chiến tranh thương mại
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue và Tổng thống Trump trong một cuộc họp hồi tháng 7. Ảnh: WSJ

Ngành đậu tương dự kiến được hưởng 75% khoản chi trả trực tiếp, tương đương 3,6 tỷ USD. Các sản phẩm xếp sau trong danh sách được hỗ trợ bao gồm thịt lợn, bông, lúa miến, bơ sữa và lúa mỳ.

Ngoài khoản chi trả trực tiếp, chính phủ Mỹ sẽ mua một lượng hàng hóa dưa thừa, tức không được tiêu thụ, nhất định từ nông dân.

Thịt lợn là ngành hưởng lợi lớn nhất khi bộ Nông nghiệp Mỹ dự kiến mua lượng sản phẩm trị giá 558 triệu USD trong tổng số 1,2 tỷ USD ngân sách cho chương trình mua hàng hóa này. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết sẽ mua khoảng 90 triệu USD đối với từng sản phẩm gồm táo, bơ sữa và quả hồ trăn.

Nếu thiệt hại từ các biện pháp đối đầu thương mại tiếp tục kéo dài, bộ Nông nghiệp Mỹ có thể sẽ tiến hành chi trả đợt 2 cho nông dân nước này. Quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra vào tháng 12.

Trước mắt, thiệt hại của ngành nông nghiệp Mỹ đã hiện rõ. Kể từ cuối tháng 5, giá đậu tương trong nước đã giảm 18%, rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, sau khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa Washington. Trung Quốc và Mexico, hai thị trường lớn nhất của thịt lợn Mỹ, cũng áp thuế đánh vào thịt lợn khiến mặt hàng đình trệ xuất khẩu, kéo giá bán nội địa giảm 29%. Giá ngô và lúa mỳ cũng lần lượt giảm 12% và 5%.

Bộ Nông nghiệp Mỹ tuyên bố sẽ tập trung mua các loại nông sản có giá trị trong xuất khẩu, và chương trình này sẽ tách biệt với hoạt động mua sắm thực phẩm cho các trường công lập hay các chương trình dinh dưỡng.

"Thay vì chỉ mua cam loại thường, chúng tôi sẽ mua thêm cam loại thượng hạng", thứ trưởng bộ Nông nghiệp Mỹ Greg Ibach cho biết. Loại cam mà ông Ibach nói đến là loại được xuất khẩu chủ yếu vào Trung Quốc, theo Wall Street Journal.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết cơ quan này cũng sẽ cung cấp 200 triệu USD cho chương trình hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp Mỹ tại thị trường nước ngoài. Kế hoạch này, dự kiến khởi động từ ngày 4/9, sẽ chi trả cho các nhà sản xuất thịt lợn, bơ sữa và lúa mỳ.

Mỹ phải trả nông dân gần 5 tỷ USD vì hậu quả chiến tranh thương mại - 1
Nông dân Terry Davidson trên cánh đồng đậu tương ở bang Massachusetts. Ảnh: Getty.

Nông dân Mỹ thiệt hại nặng

Mặc dù vậy, một số nông dân phàn nàn trợ cấp chính phủ không đủ khỏa lấp các thiệt hại từ cuộc chiến tranh thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Trump.

Hiệp hội Trồng ngô Quốc gia tính toán các loại thuế đánh vào ngô khiến nông dân Mỹ phải chi thêm 6 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, chương trình chi trả trực tiếp chỉ dành cho nông dân trồng ngô khoản trợ cấp 96 triệu USD.

"Kế hoạch này trước mắt chẳng giảm nhẹ gánh nặng chút nào cho nông dân trồng ngô", Kevin Skunes, chủ tịch Hiệp hội Trồng ngô Quốc gia, cho biết.

Jim Mulhern, giám đốc điều hành Liên hiệp Các nhà sản xuất sữa Quốc gia Mỹ, nhận xét kế hoạch giảm tác động thuế quan không giải quyết nhiều thiệt hại mà ngành bơ sữa phải gánh chịu. Theo tính toán của tổ chức này, con số 127 triệu USD phân bổ cho ngành bơ sữa chỉ đền bù được khoảng 10% thiệt hại gây ra bởi đối đầu thương mại.

Một số nhà lập pháp cũng tỏ ra hoài nghi về khả năng khoản hỗ trợ của bộ Nông nghiệp có thể mang lại cải thiện đáng kể đối với tình trạng bi đát hiện nay của nông dân Mỹ.

Mỹ phải trả nông dân gần 5 tỷ USD vì hậu quả chiến tranh thương mại - 2
Thịt bò Mỹ là một trong những sản phẩm được hỗ trợ do thiệt hại từ xung đột thương mại. Ảnh: Getty.

"Chẳng nông dân nào thỏa mãn với những gì chính phủ đề nghị. Các nông dân đành phải hy vọng rằng chính phủ sẽ tiếp tục làm việc để mở ra thêm nhiều thị trường khác", Thượng nghị sĩ bang Missouri Roy Blunt đánh giá. 

Kế hoạch hỗ trợ mua lại sản phẩm dư thừa đã tạo ra một cuộc chạy đua giữa các nhà sản xuất. Tuần trước, 350 nhà sản xuất đã cùng đăng ký chương trình mua sắm hàng hóa liên bang. 

Trong khi đó, các nhà sản xuất những mặt hàng bị gạt khỏi danh sách được hưởng chi trả trực tiếp đang gây sức ép nhằm đòi bồi thường thiệt hại do xung đột thương mại gây ra. Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết chương trình bồi thường hiện chỉ tập trung vào các mặt hàng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chi tiết khói hỗ trợ được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Trump công bố một thỏa thuận với Mexico về việc sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tổng thống Trump cho biết hiện vẫn chờ xem liệu Canada, một thành viên khác của NAFTA, có tham gia thoả thuận mới đạt được hay không. NAFTA từng là hiệp định quan trọng thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Mỹ tới các nước láng giềng.

Nhiều nông dân lo ngại thuế đánh vào nông sản Mỹ sẽ tạo điều kiện cho các đối thủ chiếm lợi thế về giá và gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu nông sản trong tương lai.

Ron Moore, chủ tịch Hiệp hội Đậu tương Mỹ, cho biết đã nhiều lần tới Washington nhằm vận động các vấn đề về thương mại và thị trường tiêu thụ mới cho nông sản Mỹ tại nước ngoài.

"Các giải pháp ngắn, trung và dài hạn đối phó với thuế đánh vào nông sản đóng vai trò rất quan trọng, giúp chúng tôi tránh khỏi những gì từng xảy ra vào thập kỷ 80", ông Moore nói, ám chỉ thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng khiến hàng triệu nông dân Mỹ phá sản hơn 30 năm trước.

Theo Duy Anh (Tri Thức Trực Tuyến)