Kinh tế

Nghị quyết xử lý nợ xấu trước lo ngại "hợp thức hóa sai sót"

Nhất trí việc cần cơ chế giúp ngân hàng xử lý "cục máu đông", song các đại biểu cũng lưu ý nghị quyết của Quốc hội không thể bỏ lọt những sai sót gây ra nợ xấu.

Nhất trí việc cần cơ chế giúp ngân hàng xử lý "cục máu đông", song các đại biểu cũng lưu ý nghị quyết của Quốc hội không thể bỏ lọt những sai sót gây ra nợ xấu.

“Thị trường là thị trường nào? Ai mua, ai bán hay chỉ tổ chức này mua bán thôi? Ai đấu giá, có thao túng đấu giá hay không... Không để lọt tội chỗ này vì đây là niềm tin của người dân, Quốc hội. Nếu ra Nghị quyết xử lý một phần nợ xấu, nhưng lại làm méo mó chính sách trong xử lý nợ thì không ổn”, bà Tâm lo lắng. 

Đồng tình phải giải quyết nợ xấu tồn tại khiến ách tắc dòng vốn, tín dụng, song đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) lưu ý, không loại trừ nợ xấu hình thành do sự tắc trách trong thẩm định tài sản cho vay, thẩm tra hồ sơ vay từ phía ngân hàng. "Nếu tổ chức tín dụng thấy có Nghị quyết, rồi cứ hí hửng với nhau là chết", đại biểu Chinh nói. 

Trước băn khoăn của đại biểu Tâm, đại biểu Chinh, ông Nguyễn Văn Bình - thành viên đoàn đại biểu Quảng Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, không nhà băng nào thích nợ xấu. Khi phát sinh nợ không xử lý được, ngân hàng phải dành lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro "cho tới khi hết nợ xấu thì thôi". Tuy vậy, trong một tổ chức cũng có người này, người khác. "Nghị quyết này không bao dung cho những ai làm ăn sai trái. Không có gì ưu ái. Tất cả ai làm sai đều sẽ bị xử lý đúng theo quy định pháp luật”, ông Bình quả quyết. 

nghi-quyet-xu-ly-no-xau-truoc-lo-ngai-hop-thuc-hoa-sai-sot

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Nghị quyết xử lý nợ xấu không bao dung bất kỳ ai, mọi sai phạm đều bị xử lý. Ảnh: T.V

Chia sẻ quan điểm tương đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, “Nghị quyết này không phải hợp thức hóa các hoạt động vi phạm pháp luật gây ra nợ xấu. Chúng ta không chỉ bảo đảm lợi ích của các ngân hàng, mà còn bảo đảm lợi ích của người gửi tiền”. Dù vậy, tỷ lệ nợ hiện là 10,8% (gồm nợ nội bảng, nợ treo ở VAMC...) được bà Ngân đánh giá là "chuyện không bình thường", cần kíp có cơ chế để giải quyết khối nợ này, tạo động lực khơi thông dòng vốn trong kinh tế. 

Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương (VietinBank) than nút thắt lớn nhất của các nhà băng khi xử lý nợ xấu là tài sản đảm bảo. Ngân hàng không có quyền gây sức ép với bên nợ để đẩy nhanh việc trả nợ nhanh chóng hơn. Dẫn chứng trường hợp nợ xấu ở một số khách sạn tại Huế, Đà Nẵng (việc cho vay đã trải qua đầy đủ các thủ tục ngân hàng), Chủ tịch VietinBank cho hay khi khởi kiện ra toà, các cổ đông của doanh nghiệp lại tạo ra tranh chấp nội bộ. Việc này khiến vụ việc bị kéo dài thời gian xử lý

“Một nhóm 3, 4 người cứ người này kiện người kia, không thể xử ký được và tồn đọng đã 6, 7 năm trời”, ông Thắng than. Vì lẽ đó, Chủ tịch VietinBank cho rằng quy định về nguyên tắc xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo gắn với nợ xấu như dự thảo Nghị quyết sẽ gỡ được nút thắt này.

Để xử lý nhanh nợ xấu, ông Thắng nói cần coi đây là một loại hàng hoá, có thị trường "người mua, kẻ bán". "Việc đàm phán mua bán rất khó, nhiều khi bên bán không được đàm phán giá mà giá do bên mua ấn định", ông chia sẻ.

Xử lý nợ xấu có thể giảm 1% lãi suất cho vay

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), hệ thống ngân hàng ở Việt Nam có vai trò quan trọng vì dư nợ ước khoảng 122% GDP - gấp 2-3 lần các nước ASEAN. Gánh nặng của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn. Sau 5 năm triển khai đề án 843 về xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại đã trích lập dự phòng và giải quyết khoảng 350.000 tỷ đồng; nợ chuyển cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) 250.000 tỷ đồng và đã xử lý 50.000 tỷ đồng.

Ước tính nợ xấu hiện chiếm 2,65% tổng dư nợ, khoảng 150.000 tỷ đồng và nếu cộng với số tại VAMC và cả những khoản nợ có thể thành nợ xấu, thì tỷ lệ này khoảng 10,8% như tờ trình của Chính phủ.

Từ việc dẫn giải các số liệu trên, đại biểu Ngân cho rằng, nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền. Còn xử lý tốt nợ xấu sẽ giải quyết nhiều mục tiêu: giảm chi phí hoạt động kinh doanh tiền tệ, giảm lãi vay khoảng 1%.

Theo Võ Hải - Anh Minh (VnExpress.net)