Kinh tế

Nhiều nước châu Á nỗ lực hạn chế sự thống trị của đồng USD

Phụ thuộc quá nhiều vào đồng USD khiến nhiều nước châu Á khốn khổ khi tỷ giá biến động đột biến, nhưng câu hỏi lấy gì thay thế đồng USD không hề dễ trả lời.

Nhiều nước châu Á nỗ lực hạn chế sự thống trị của đồng USD
Ảnh: GettyImages

Trong nỗ lực ngăn ngoại tệ bị rút khỏi đất nước, chính phủ Indonesia đã có những bước đi táo bạo. Cuối tháng 10/2018, công ty năng lượng nhà nước Pertamina yêu cầu nhà cung cấp các sản phẩm dầu diesel và dầu thô ngừng nhận tiền bằng đồng USD, thay vào đó các công ty nhận đồng rupiah hoặc đồng euro, nhân dân tệ, yên Nhật hay riyal của Saudi Arabia, theo tin từ Nikkei.

Jakarta hy vọng rằng sẽ ngày một nhiều nhà cung cấp chấp nhận sử dụng đồng rupiah để làm giảm bớt áp lực sụt giảm lên đồng tiền này. Trước đó, đồng rupiah đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD.

Thế nhưng ngay cả việc chuyển sang sử dụng một số ngoại tệ mạnh khác như đồng euro và đồng tiền của Trung Quốc, hay Nhật cũng giúp cho Indonesia bởi đồng USD đã tăng giá quá mạnh trong năm nay.

Giá dầu Brent, được tính bằng USD, đã tăng 17% từ đầu năm đến nay, thế nhưng nếu tính theo đồng rupiah giá dầu này đã tăng 31% bởi đồng rupiah của Indonesia giảm giá sâu.

Ấn Độ cũng đang đối diện với vấn đề tương tự. Đồng rupee rơi xuống mức thấp lịch sử so với đồng USD. 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mới đây đã đề nghị các công ty sản xuất dầu Trung Đông cân nhắc chấp nhận thanh toán bằng đồng rupee khi họ xuất dầu sang Ấn Độ. 

Trong cuộc họp vào giữa tháng 10/2018 tổ chức tại New Delhi với Bộ trưởng Năng lượng Khalid Al-Falih và CEO công ty năng lượng nhà nước UAE Abu Dhabi National Oil , ông Modi tuyên bố rằng việc chấp nhận để Ấn Độ trả tiền bằng đồng rupee sẽ giúp giảm bớt thâm hụt ngân sách tài khóa của Ấn Độ, thâm hụt ngân sách của Ấn Độ thời gian gần đây ngày một tồi tệ hơn khi mà giá dầu tăng và đồng rupee giảm giá sâu. 

Nhìn từ góc độ của Ấn Độ và nhiều nước nhập khẩu dầu khác, quan điểm của Thủ tướng Modi rõ ràng rất hợp lý. Thế nhưng việc Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia phản ứng như thế nào lại là chuyện khác. Cho đến hiện tại, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy Saudi Arabia và nhiều nước xuất khẩu dầu khác sẽ chuyển sang chấp nhận đồng rupee. 
Tác động của giá dầu cao và việc đồng nội tệ giảm giá khiến cho sức mua của đồng nội tệ yếu đi đang hiển hiện rõ ràng tại những nền kinh tế mới nổi phụ thuộc nhiều vào dầu nhập khẩu.

Khi mà Fed tiếp tục nâng lãi suất, giá dầu không có khả năng sẽ giảm khi nguồn cung trở nên hạn chế, Indonesia và nhiều nước nhập khẩu dầu khác khó lòng hy vọng tiền mà họ phải chi ra để nhập dầu sẽ giảm đi. 

Ở thời điểm Iran bị cấm vận trong khoảng thời gian gần nhất, từ năm 2011 đến năm 2015, Iran từng chấp nhận đồng nhân dân tệ, đồng rupee, đồng yên và đồng won khi nước này bán dầu cho Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật và Hàn Quốc. 

Khi đó Iran không thể tiếp cận được với hệ thống thanh toán bằng đồng USD. Iran nhiều khả năng sẽ áp dụng chiến lược tương tự khi mà lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran lại có hiệu lực từ ngày 5/11/2018.

Năm 2014, Nga và Trung Quốc ký kết thỏa thuận cung cấp khí đốt có thời hạn lên đến 30 năm, theo đó, cả hai nước sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ và đồng rúp để thanh toán. 
Tháng 3/2018, Trung Quốc chính thức đưa vào giao dịch dầu tương lai bằng đồng nhân dân tệ trên sàn Thuưượng Hải. 

Động thái này nằm trong tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng thời nó cũng được coi như cách mà Trung Quốc gây sức ép buộc Saudi Arabia và kể cả nhiều nước sản xuất dầu lớn khác của thế giới tại Trung Đông chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. 

Cho đến nay, hoạt động giao dịch dầu tương lai bằng đồng nhân dân tệ trên sàn Thượng Hải mới chỉ mang đến thành công hạn chế, việc thế giới chấp nhận nó như loại dầu chuẩn dường như vẫn chỉ là giấc mơ xa vời. 

Theo Trung Mến (Bizlive.vn)