Kinh tế

Những phi vụ khiến Petroland thua lỗ dưới thời ông Bùi Minh Chính

Nửa đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của Petroland âm gần 6,2 tỷ đồng. Tính tới 30/6/2019, lỗ lũy kế của Petroland là hơn 238 tỷ đồng, nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng lên 393 tỷ đồng.

Như đã đưa tin, ngày 2/10, Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Bùi Minh Chính, nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland - PTL) để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Kết quả điều tra bước đầu xác định, trong giai đoạn 2012 - 2018, với tư cách là Giám đốc Công ty Petroland, ông Chính đã ký hợp đồng, duyệt thanh toán nhiều hợp đồng môi giới bất động sản, dịch vụ tư vấn nhà đất và ký hợp đồng bán bất động sản của Petroland trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Petroland gần 100 tỉ đồng.

Những phi vụ khiến Petroland thua lỗ dưới thời ông Bùi Minh Chính
Ông Bùi Minh Chính, nguyên Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng và đô thị dầu khí (Petroland)

Theo giới thiệu trên website của Petroland, ông Bùi Minh Chính sinh năm 1961, tham gia vào Petroland ngay từ những ngày đầu thành lập. Đến tháng 5/2009, ông được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và tháng 6/2017 kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch HĐQT. Đến tháng 8/2018, ông Chính đã thôi tham gia vào ban giám đốc Petroland.

Lỗ lũy kế hơn 230 tỷ đồng, cổ phiếu bị kiểm soát

Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Petroland, lợi nhuận sau thuế của công ty âm gần 6,2 tỷ đồng, giảm lỗ 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất là âm 5,87 tỷ đồng, giảm 29% so với nửa đầu năm 2018, tiếp tục kéo dài mạch thua lỗ kể từ 2016 đến nay.

Tính tới 30/6/2019, lỗ lũy kế của Petroland lên tới hơn 238 tỷ đồng. Nợ phải trả của doanh nghiệp cũng tăng thêm 23 tỷ, từ 370 tỷ đồng lên 393 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn.

Những phi vụ khiến Petroland thua lỗ dưới thời ông Bùi Minh Chính - 1
Tình hình kinh doanh của Petroland những năm gần đây. ảnh: CafeF

Với kết quả này, HoSE tiếp tục giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu PTL của Petroland, việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu PTL sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính kiểm toán 2019 của Công ty.

Trước đó, ngày 13/04/2017 Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã ra Quyết định số 119/QĐ-SGDHCM đưa cổ phiếu PTL của CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí vào diện bị kiểm soát do “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2015 là -143,62 tỷ đồng căn cứ BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2015, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016 là 1,03 tỷ đồng và có ý kiến ngoại trừ dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2016 chưa đảm bảo khả năng có lãi.

Năm 2018, Petroland đạt doanh thu gần 97 tỷ đồng, vượt 56% kế hoạch và báo lỗ gần 18 tỷ đồng.

Thoái vốn, chuyển nhượng tài sản, bán đất tại các dự án

Được biết đến là doanh nghiệp có quỹ đất lớn với vị trí thuận lợi tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, doanh nghiệp mới hoàn thiện được 4 dự án lớn là Petroland Tower, Petroland quận 2, chung cư Mỹ Phú và Khu phức hợp 30/4. Việc kinh doanh lao dốc khiến doanh nghiệp tính đến chuyện thoái vốn, bán đất tại nhiều dự án mới.

Báo cáo tài chính của Petroland cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2019, công ty còn có tới 147 tỷ đồng phải thu ngắn hạn từ công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Thăng Long. Cùng với đó, PTL cũng phải chịu áp lực thanh toán khoản nợ 300 tỷ với Vietinbank - CN TP.HCM, khoản vay 100 tỷ đồng của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) và khoản nợ vay ủy thác Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Oceanbank) 60 tỷ thông qua PVX.

Cũng tại văn bản này, Petroland cho biết, từ năm 2012 - 2018, ông Bùi Minh Chính, với vai trò Giám đốc Petroland, đã ký tổng cộng 17 hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất của tòa nhà Petroland Tower với nhiều ưu đãi khiến Petroland thua lỗ nặng.

Cùng với đó, Petroland từng bán tháo với giá rẻ mạt phần lớn diện tích các tầng trong tổng số 30 tầng của tòa nhà Petroland Tower để rồi sau đó phải đi thuê lại tầng 8 của tòa nhà làm văn phòng làm việc.

Không chỉ vậy, nhiều dự án kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn đến tài sản của nhà nước tại Petroland lần lượt "đội nón ra đi" từng ngày.

Trước tình hình trên, tháng 9/2018, ông Nguyễn Đình Thế, Tổng giám đốc PVC, chỉ đạo thành lập Tổ công tác rà soát lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, yêu cầu Petroland tiếp tục rà soát, kiểm tra và thanh lý, chấm dứt hợp đồng với các hợp đồng gây thiệt hại cho kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đến tháng 10/2018, tại Văn phòng Petroland ở Q.7, đại diện Petroland đã bàn giao nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan cho Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an) tiến hành điều tra.

Chưa dừng ở đó, tại dự án Khu đô thị Dầu khí Vũng Tàu, Petroland cũng rơi vào hoàn cảnh chậm thu hồi giá trị còn lại của các khách hàng mua căn hộ tại Dự án.

Dự kiến, năm 2019, Petroland sẽ hoàn thành quyết toán toàn bộ dự án và thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các khách hàng còn lại tại các dự án Chung cư Petroland Quận 2, Chung cư Mỹ Phú và Tòa nhà Petroland Tower, đảm bảo thu hồi 5% giá trị còn lại của hợp đồng chuyển nhượng đã ký với các khách hàng.

Năm 2007, Petroland được thành lập từ Ban Quản lý dự án công trình xây dựng phía nam của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, trụ sở tại 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM. Trong đó, PVC có 36,01% cổ phần, Tổng công ty Dầu VN 9%, số cổ phần còn lại của nhà đầu tư. Cả hai cổ đông này đều là công ty nhà nước nắm quyền chi phối, gồm Tổng công ty Dầu VN là đơn vị 100% vốn nhà nước, còn PVC có 54,45% vốn nhà nước.

Năm 2010, Petroland chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, với mã chứng khoán là PTL, giá tham chiếu là 25.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Đình Văn (Nguoiduatin.vn)