Kinh tế

Sau thứ Hai đen tối và 5 tỷ USD "biến mất" là gì?

Sau phiên bán tháo ngày hôm qua, 18/1, chỉ số Vn-Index mở cửa sáng nay có lúc tăng tới hơn 6 điểm, nhưng chịu sự rung lắc mạnh.

Sau phiên bán tháo ngày hôm qua, 18/1, chỉ số Vn-Index mở cửa sáng nay có lúc tăng tới hơn 6 điểm, nhưng chịu sự rung lắc mạnh.

Vn-Index rung lắc mạnh sau phiên bán tháo

Bắt đầu vào phiên khớp lệnh liên tục, sàn chứng khoán TP HCM sáng nay ghi nhận mức tăng mạnh mẽ của chỉ số Vn-Index, khi mức tăng đến 9h23 đạt 6,2 điểm. Trong khi đó, sàn Hà Nội tăng 0,7 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng, địa ốc tăng đều, với các mã blue-chip như VCB, MBB, STB, ACB, KBC, CTG, FLC... nhích thêm từ 100 đến 2.000 đồng mỗi mã.

Nhóm VN30 chỉ còn VIC giảm giá (mức giảm 100 đồng một cổ phần), còn lại đều tăng hoặc giao dịch tại mức tham chiếu. FLC là mã được sang tay nhiều nhất, với hơn 4,4 triệu đơn vị vào lúc 9h30, dư mua tại giá trần hơn 4,5 triệu.

Tuy nhiên, kể từ đây, cả 2 sàn đều hạ dần mức tăng điểm. Đến 9h33, chỉ số sàn TP HCM chỉ tăng hơn 4,8 điểm, sàn Hà Nội tăng 0,47 điểm, với lượng giao dịch đạt gấp đôi chỉ sau 10 phút, gần 30 triệu cổ phiếu.

Thị trường tiếp tục chùng xuống khi các mã chứng khoán quay đầu giảm điểm đồng loạt. Chỉ số HSX có lúc chỉ còn tăng 1,79 điểm, với hơn 100 mã không tăng giá. Trong khi đó, sàn Hà Nội lình xình, biến động khi thuận chiều, lúc nghịch chiều với sàn TP HCM, nhưng mức tăng không vượt quá 0,46 điểm.

Tuy vậy, đến hơn 10h, sàn HSX phục hồi mức tăng trên 5,6 điểm. Không có mã blue-chip nào tăng trần, những cổ phiếu dẫn dắt thị trường đều có mức tăng điểm ấn tượng so với ngày hôm qua. MSN tăng 500 đồng, VIC tăng 600 đồng, trong khi VCB giữ nguyên mức 700 đồng vào mỗi cổ phiếu từ đầu phiên sáng.

Giới đầu tư chứng khoán đều có chung cảm xúc về phiên giao dịch ngày 18/1 là “thứ Hai đen tối” của thị trường chứng khoán. Bởi theo thống kê, giá trị vốn hóa của thị trường đã bốc hơi hơn 1,6 tỷ USD. Nếu cộng tất cả các phiên giao dịch kể từ đầu năm 2016 đến nay, thì giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm hơn 5 tỷ USD.

Giải thích về phiên rớt giá thảm hại ngày 18/1, giới phân tích cho rằng, đà suy giảm của các chỉ số bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu dầu khí, sau thông tin các nước phương Tây dở bỏ lệnh cấm cận với Iran, làm gia tăng nguồn cung dầu trên thế giới khiến giá dầu rớt xuống dưới mốc 30 USD một thùng. Ngoài thông tin này, sự hoảng loạn của nhà đầu tư còn xuất phát từ tin đồn cho rằng, một số ngân hàng ngừng giải ngân cho lĩnh vực bất động sản, càng khiến nhà đầu tư thêm bất an và đẩy mạnh bán tháo.

Thị trường có lực cầu bắt đáy mạnh trong phiên sáng nay, giúp các chỉ số "xanh" trở lại. Ảnh: Anh Tuấn.

“Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi”

Về sự tụt dốc bất thường của thị trường từ đầu năm 2016 đến nay, giới phân tích đều có chung nhận định, chứng khoán Việt Nam đang bị ảnh hưởng sâu sắc từ thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và dòng vốn bị rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Ngay sau phiên giao dịch "thứ Hai đen tối", hôm nay nhiều nhà đầu đã bắt đầu bình tâm trở lại và nhận định về thị trường theo hướng tích cực hơn. Thậm chí, nhiều người còn tiếc nuối vì vội bán bán cổ phiếu với giá rẻ. Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều khẩu hiệu hô hào mọi người tham gia bắt đáy, với câu nói bất hủ của nhà đầu tư chứng khoán huyền thoại Warren Buffett: “Hãy tham lam khi thị trường sợ hãi”.

Song song đó, các công ty chứng khoán cũng đưa ra khuyến nghị nhà đầu mở lại trạng thái mua, để tận dụng mặt bằng cổ phiếu đang ở mức giá rất thấp chưa từng có. Thông thường, sau đợt suy giảm mạnh, thị trường chắc chắn có những phiên hồi phục mạnh.

Một yếu tố khiến cho giới đầu tư lo ngại là hiện tượng Call Margin sau đợt suy giảm mạnh vừa qua cũng được giải tỏa. Theo Phó chủ tịch UBCKN Nguyễn Thành Long, số liệu dư nợ margin và các con số cho thấy, chưa có dấu hiệu bất thường về hoạt động giải chấp chứng khoán. Trong hai tuần qua, tính đến ngày 15/1, lượng bán giải chấp chỉ chiếm khoảng 5% tổng dư nợ margin. Quy mô margin trên thị trường như vậy vẫn ở mức tương đối ổn định và tác động của giải chấp là không lớn.

Và thực tế, phiên giao dịch sáng nay, nhiều mã cổ phiếu đã quay đầu tăng giá trở lại. Thậm chí, nhiều mã cổ phiếu đã “cháy hàng”, cho dù hôm qua còn chất chồng lệnh bán với giá sàn.
 
Ủy ban Chứng khoán yêu cầu rà soát giao dịch, xử lý tin đồn
 
Trước phiên rơi dốc bất ngờ này, ngay trong ngày 18/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Công văn số 291/UBCK-VP gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), đề nghị phối hợp, rà soát giao dịch và xử lý tin đồn.
 
Theo UBCKNN, tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là vấn đề giá dầu nên thị trường chứng khoán các nước diễn biến không thuận lợi. Tuy nhiên, nếu so với các quốc gia khác, Việt Nam được đánh giá là chịu tác động ít nhất, và tác động (nếu có) chỉ mang tính chất gián tiếp.
 
Mặc dù vậy, trong phiên giao dịch ngày 18/1, các chỉ số có sự sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu là yếu tố tâm lý khi một số thị trường lớn trên thế giới cũng giảm sâu và liên tục. Điều này không thể hiện đúng với tình hình kinh tế vĩ mô, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam cũng như tình hình hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết.
 
UBCKNN đề nghị HOSE, HNX và VSD phối hợp tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ, báo cáo hàng ngày về các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch bất thường, kịp thời báo cáo UBCKNN, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn, xử lý các hành vi đầu cơ trục lợi, tung tin đồn.
 
>> Từ đầu năm, 5 tỷ USD đã "bốc hơi" khỏi các sàn chứng khoán Việt
 
Theo Thảo Nguyên - Hạ Minh (Zing.vn)