Kinh tế

Tăng giá dịch vụ y tế: Thêm tiền có 'thay máu'?

Áp dụng giá viện phí mới, theo ghi nhận của PV, hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện vẫn diễn ra bình thường. Nhiều bệnh nhân BHYT thậm chí còn không nhận ra sự thay đổi này.

Áp dụng giá viện phí mới, theo ghi nhận của PV, hoạt động khám chữa bệnh tại các bệnh viện vẫn diễn ra bình thường. Nhiều bệnh nhân BHYT thậm chí còn không nhận ra sự thay đổi này.

Nguyện vọng của người bệnh

Theo Thông tư về điều chỉnh giá viện phí của liên bộ Y tế - Tài chính, khung giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT của 1.887 dịch vụ giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ tăng theo 2 lộ trình. Từ 1/3, mức giá dịch vụ y tế gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24 giờ, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật) và từ 1/7, mức giá gồm cả tiền lương.

Các bệnh nhân đang chờ kết quả khám bệnh tại BV Bạch Mai. Ảnh: Đỗ Thơm.

Tìm hiểu trực tiếp của PV, dù chính thức có hiệu lực từ 1/3 nhưng tiền khám bệnh vẫn không thay đổi so với khung giá đang được các bệnh viện áp dụng. Cụ thể, tiền khám bệnh ở bệnh viện (BV) hạng 1 vẫn là 20.000 đồng/lượt khám; BV hạng 2 là 15.000 đồng, BV hạng 3 là 10.000 đồng, BV hạng 4 là 7.000 đồng. Từ 1/7, tiền khám sẽ tăng lên tương đương các hạng BV là 39.000 đồng; 35.000 đồng, 31.000 đồng và 29.000 đồng.

Tuy nhiên, tiền giường bệnh sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Từ ngày 1/3, tiền giường điều trị hồi sức tích cực ở BV hạng đặc biệt tăng từ 335.000 lên 354.000 đồng; còn tháng 7 tăng lên 677.000 đồng/người, BV hạng 1 là 354.000 và 632.000 đồng, hạng 2 là 350.000 và 568.000 đồng...

Theo khảo sát của PV tại BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Xanh Pôn..., việc tăng viện phí lần này không gây nhiều xáo trộn với các BV và bệnh nhân. Ghi nhận tại BV Bạch Mai, số điện thoại đường dây nóng của BV chưa nhận được cuộc gọi nào phản ánh liên quan đến việc tăng viện phí. Nhiều bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT tại đây cũng chưa cảm nhận được sức nóng của việc tăng giá viện phí.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Xuân Yêm (69 tuổi, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) phản ánh: “Tôi ra đây tái khám bướu ác của gan. Tôi là người có công nên thẻ BHYT thuộc diện chi trả 100%. Thực ra, tôi cũng không biết giá dịch vụ y tế tăng bao nhiêu vì hầu hết chi phí khám, chữa bệnh đều được BHYT thanh toán”.

Theo ông Yêm, với căn bệnh của ông, sau lần điều trị trước, sức khỏe cũng có phần tốt lên. Bản thân ông không quá lo về viện phí nhưng ngại nhất là việc chờ đợi mỗi lần tái khám. Ra Hà Nội từ hôm trước, sáng sớm đã phải xếp số chờ đợi, đến gần cuối giờ chiều mà vẫn phải chờ lấy nốt các kết quả xét nghiệm tại khoa Khám bệnh trước khi quay lại khoa Ung bướu điều trị tiếp. “Giờ tôi chỉ mong làm sao rút ngắn được thời gian chờ đợi khám bệnh thì tốt cho người dân chúng tôi”, ông nói.

Trái ngược với sự bình thản của bệnh nhân BHYT, các bệnh nhân không có thẻ BHYT lại nắm khá rõ thông tin tăng viện phí. Bởi, hơn ai hết, họ là người cảm nhận rõ nét sức nặng của việc tăng viện phí. Đặc biệt, việc tăng giá “sốc” sẽ đến vào tháng 7 tới.

Chia sẻ với PV, bác Bùi Thị Lan (Hải Dương) tỏ ra khá sốt sắng: “Tôi thấy các phương tiện thông tin đại chúng nói về việc tăng giá viện phí từ năm ngoái. Bố tôi là cán bộ về hưu cũng có thẻ BHYT. Tuy nhiên, nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của cụ ở bệnh viện tuyến dưới nên khi vừa xuất hiện triệu chứng tiểu buốt, cụ đề nghị con cháu cho đến BV Bạch Mai kiểm tra. Tôi nghĩ tiền khám cũng không hết quá nhiều nên đưa thẳng bố đến khám chứ nếu điều trị bệnh mãn tính, bệnh nặng mà không có BHYT thì nhà giàu chắc cũng chẳng kham nổi. Nhà tôi còn 2 người chưa có thẻ BHYT là tôi và chồng, chắc chắn đợt này tôi phải mua nốt cho hai vợ chồng”.

Chất lượng có tăng tương xứng?

Sáng 2/3, tại bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), PV cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến của bệnh nhân về đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế này. Bà Nguyễn Thị Cầm (70 tuổi, Hà Nội) kể, mỗi lần khám, chữa bệnh, bà chỉ phải đồng chi trả 5%. Chính vì thế, dù tăng giá viện phí 30% nhưng số tiền bà Cầm phải bỏ thêm không nhiều. Tuy nhiên, điều bà Cầm quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh có thực sự cải thiện. “Bệnh nhân có được tư vấn chu đáo, chữa trị hiệu quả và bớt thời gian chờ đợi hay không? Nếu đợt tăng này thực sự là cú hích cho việc tăng chất lượng, người bệnh chắc chắn đồng thuận”, bà chia sẻ.

Thực tế, lần tăng viện phí này với người bệnh BHYT không có quá nhiều xáo trộn, nhưng câu hỏi mà người dân quan tâm nhất thời điểm này là tăng giá dịch vụ y tế thì chất lượng khám chữa bệnh có tăng tương xứng? Những vấn đề gây bức xúc như nằm ghép ở bệnh viện tuyến cuối liệu có bớt?

Trả lời câu hỏi này của PV, ông Dương Đức Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai thẳng thắn nhấn mạnh: “Việc bệnh nhân nằm ghép, chờ đợi để có được kết quả xét nghiệm là nỗi trăn trở của tất cả y, bác sỹ bệnh viện. Dù có đợt tăng giá này hay không, tôi vẫn khẳng định ban Giám đốc bệnh viện luôn mong tăng chất lượng khám chữa bệnh tại viện. Tiến tới không nằm ghép, giảm bớt tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, việc khám chữa bệnh kết thúc trong ngày”.

Ông Hùng chia sẻ, tăng giá dịch vụ y tế là điều kiện tốt để các bệnh viện tiến nhanh hơn đến mục đích phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, BV Bạch Mai là tuyến cuối khi các tuyến dưới chuyển lên, BV không có quyền từ chối. Việc này dẫn đến tình trạng quá tải, trong đó nằm ghép là một trong những biểu hiện. Bệnh viện cũng đã có nhiều biện pháp để giảm tải. Còn thông tin tăng viện phí để “bù” lương cho y, bác sỹ, ông Hùng khẳng định, lương cán bộ, nhân viên y tế không thay đổi so với trước khi tăng giá viện phí.
 
>> Ngày đầu tiên tăng viện phí: Người bệnh ngậm ngùi chấp nhận
 
Theo Đỗ Thơm (Nguoiduatin.vn)