Kinh tế

Thời trang Việt đuối sức

Nhiều thương hiệu thời trang Việt dù rất nỗ lực nhưng ngày càng hụt hơi trên sân nhà

Thương hiệu thời trang nổi tiếng toàn cầu của Nhật vừa tổ chức kỷ niệm 5 năm tham gia thị trường Việt Nam. Sau 5 năm kể từ cửa hàng đầu tiên (UNIQLO Đồng Khởi) khai trương tại TP HCM tới nay, thương hiệu này đã mở rộng ra 26 cửa hàng bán lẻ ở những vị trí quan trọng thuộc các thành phố lớn trên khắp Việt Nam, cùng 1 cửa hàng trực tuyến.

Thương hiệu ngoại "chiếm sóng"

"Nhìn lại hành trình 5 năm qua của UNIQLO tại Việt Nam, chúng tôi tự hào khi những trang phục LifeWear đã góp phần mang lại giá trị tốt đẹp và thay đổi tích cực cho con người, xã hội Việt Nam, từ đó trở thành sự lựa chọn của nhiều khách hàng trong cuộc sống hằng ngày" - ông Nishida Hideki, Tổng Giám đốc UNIQLO Việt Nam, phát biểu tại lễ kỷ niệm diễn ra ở TP HCM ngày 26-11.

Công bố từ UNIQLO cho thấy thương hiệu này đã mở rộng hệ thống bán lẻ liên tục, cửa hàng nào khai trương cũng đông nghẹt khách xếp hàng mua sắm. Ở mảng thương mại điện tử, doanh thu cũng tăng trưởng đến 140% hằng năm.

Hệ thống này vừa công bố kế hoạch hiện diện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trong tương lai gần. Theo đó, thương hiệu thời trang từ Nhật sẽ mở rộng tại Biên Hòa - Đồng Nai; mở cửa hàng đầu tiên tại miền Trung - cửa hàng UNIQLO AEON MALL Huế - trong năm 2025.

Thời trang Việt đuối sức
Các thương hiệu thời trang ngoại lẫn Việt tận dụng khuyến mãi cuối năm để hút khách. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

UNIQLO không phải là thương hiệu thời trang ngoại duy nhất "ăn nên làm ra" tại Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Nhiều nhãn hàng thời trang quốc tế cũng đã quen thuộc với người tiêu dùng Việt như Zara, Mango, H&M, Nike, Adidas…, hiện diện ở hầu hết các trung tâm thương mại lớn như Union Square, Diamond Plaza, Gigamall, Vạn Hạnh Mall, SC VivoCity, Cressent Mall…

Không những vậy, một số thương hiệu còn mở cửa hàng lớn quy mô 1-2 tầng của trung tâm thương mại (Muzi, UNIQLO…). Cũng tại những địa điểm mua sắm lớn này, cửa hàng của các nhà sản xuất thời trang Việt như Ninomaxx, Việt Thắng Jeans, Canifa… hiện diện khiêm tốn, bày trí đơn giản nên rất mờ nhạt trước không gian thoáng đãng, hàng hóa phong phú, đúng "trend" của các thương hiệu ngoại.

Nhiều ý kiến cho rằng chính sự tăng trưởng nhanh của nhóm khách hàng trẻ vốn có điều kiện kinh tế tốt, nắm bắt nhanh xu hướng tiêu dùng quốc tế và có "gu" trong tiêu dùng, ăn mặc hằng ngày cùng một số điều kiện thuận lợi khác đã khiến việc tiếp cận, mua sắm thời trang "hàng hiệu" quốc tế tại Việt Nam trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Thương hiệu Việt yếu dần

Trong khi miếng bánh thị trường thời trang Việt tăng không đáng kể thì sự bùng nổ mạnh mẽ của các thương hiệu thời trang quốc tế khiến thị phần của các thương hiệu thời trang nội ngày càng teo tóp. Bên cạnh đó, cạnh tranh từ dòng sản phẩm thời trang giá rẻ Trung Quốc đang đổ bộ trên thương mại điện tử và các nền tảng online cũng đe dọa sự tồn tại của các thương hiệu thời trang Việt.

Hồi cuối tháng 7-2024, chuỗi thời trang nam Catsa bất ngờ tuyên bố đóng cửa toàn bộ 22 cửa hàng sau hơn 13 năm gầy dựng và phát triển. Mới đây, thương hiệu Lep' có tiếng ở miền Bắc cũng tuyên bố khép lại hành trình 8 năm phát triển với 17 chi nhánh trên cả nước. Một số thương hiệu khác như Miêu, Ivy Moda cũng rút khỏi mảng kinh doanh thời trang trong năm nay.

Ngay trên sàn thương mại điện tử, một KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) là Thu Nhi gần đây cũng tuyên bố ngừng kinh doanh thương hiệu thời trang MEO do cô gầy dựng, vì "bán ế quá".

Chia sẻ về lý do dừng lại, những người đứng đầu các thương hiệu thời trang nêu trên đều có chung câu trả lời: "Không theo kịp sự phát triển quá nhanh của thị trường thời trang và sự thay đổi chóng mặt của thị hiếu tiêu dùng". Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh về giá khiến các thương hiệu trong nước hụt hơi, phải cắt giảm rất nhiều chi phí…

Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc K&K Fashion (đang sở hữu chuỗi 13 cửa hàng), chỉ ra thực trạng các DN thời trang nội địa rất khó tiếp cận tệp khách hàng mới. Trong khi đó, yêu cầu của cuộc sống hiện tại đòi hỏi DN phải liên tục sáng tạo, nắm bắt trào lưu, thậm chí tạo ra trào lưu để thu hút và giữ chân khách hàng.

Ông Thanh phân tích: "Ngành thời trang rất sôi động và khốc liệt, hằng năm có rất nhiều thương hiệu ra đời nhưng cũng có rất nhiều thương hiệu bị đào thải. Nhiều thương hiệu lúc đầu có cảm hứng, bắt "trend" tốt nhưng sau một thời gian đã trở nên đuối sức, thiết kế ra đời không phù hợp với thị trường".

Theo ông Thanh, các DN thời trang Việt Nam thường có quy mô nhỏ, đội ngũ thiết kế non trẻ và đa số định vị ở phân khúc khách hàng công sở, khách hàng trung niên. Nhóm khách hàng này có xu hướng tiết kiệm chi tiêu sau dịch COVID-19. Trong khi đó, nhóm khách hàng gen Z đang là đối tượng phục vụ chính của các thương hiệu thời trang quốc tế.

"Sự khác biệt về gu thời trang của 2 nhóm khách hàng này rất lớn. Vì thế, rất khó để thương hiệu thời trang Việt có thể tiếp cận được nhóm khách hàng trẻ" - ông Viết Thanh nhìn nhận. 

Phải đẩy mạnh bán hàng online

Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans - cho rằng hiện nay, DN buộc phải làm quen và sử dụng tốt kênh thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu lẫn bán hàng.

"Ngay khi các cửa hàng truyền thống trở nên ít hiệu quả hơn, từ năm 2023, Việt Thắng Jeans đã đầu tư mạnh vào thương mại điện tử, tổ chức livestream bán hàng thường xuyên. Kết quả thu về rất tích cực" - ông Việt dẫn chứng.

Theo Thanh Nhân (Nld.com.vn)




https://nld.com.vn/thoi-trang-viet-duoi-suc-196241129205930397.htm