Kinh tế

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục

Doanh nghiệp tôm như Sao Ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu giai đoạn cuối năm nhờ thị trường tiêu thụ hồi phục nhanh, trong khi các đối thủ xuất chính gặp khó khăn.

Tín hiệu phục hồi từ xuất khẩu thủy sản

Sau khi sụt giảm sâu hai tháng liên tiếp do giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh, xuất khẩu thủy sản tháng 10 ghi nhận những chuyển biến tích cực nhờ nới lỏng giãn cách và mở cửa trở lại tại các địa phương để phục hồi sản xuất.

Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 918 triệu USD, tăng 47% so với tháng trước và gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái. 

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng đầu năm tăng trưởng ở hầu hết các sản phẩm. Ảnh: Vasep.

Đà tăng trưởng xuất khẩu thủy sản phân bổ ở hầu hết các mặt hàng chính. Xuất khẩu tôm tăng 2% trong tháng qua, đạt gần 439 triệu USD. Lũy kế 10 tháng, mặt hàng này ghi nhận giá trị xuất khẩu 3,2 tỷ USD, tăng 3%.

Song cá tra giảm 18% kim ngạch xuất khẩu trong tháng qua, về mức 139 triệu USD. Nguyên nhân do thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu 10 tháng đi ngang 1,2 tỷ USD.

Trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31%; EU tăng 9%; Hàn Quốc tăng 20%; Canada tăng 17%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 43%.

Vasep cho biết nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong hai tháng cuối năm khi tỷ lệ tiêm vaccine tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch. Khi doanh nghiệp chế biến cá tra khôi phục lại sản xuất, tăng công suất trở lại bình thường thì giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng.

Những yếu tố này sẽ cải thiện lợi nhuận cho doanh nghiệp thủy sản, song nhóm ngành này vẫn tồn tại nhiều khó khăn như các nước Tây Âu đối mặt với nguy cơ bị phong tỏa trở lại trước làn sóng dịch mới hay chi phí vận chuyển cao…

Nói về chi phí vận chuyển, SSI Research cho biết hầu hết các công ty ở Việt Nam nhập khẩu theo điều kiện CIF và xuất khẩu theo điều kiện FOB. Các công ty xuất khẩu theo điều kiện FOB không phải chịu phí vận tải trực tiếp nhưng phải chia sẻ chi phí vận chuyển gia tăng bằng cách giảm giá bán bình quân. Do đó, các công ty xuất/nhập khẩu có tỷ lệ xuất nhập khẩu cao tới các thị trường Mỹ/Âu sẽ chịu giá bán bình quân/tỷ suất lợi nhuận thấp hơn do ảnh hưởng này. Tác động mạnh nhất là những ngành có giá trị hàng hóa thấp như thủy sản.

Trong khi đó chi phí vận chuyển container liên tục tăng mạnh từ năm ngoái do thiếu hụt nguồn cung, tắc nghẽn cảng, thiếu container rỗng… Trong đó, chi phí vận chuyển đến các thị trường Mỹ/Âu đã gấp 2-3 lần trong năm qua. Đây cũng là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, và thủy sản là một trong những mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu nhiều nhất tại thị trường Mỹ/Âu (50%).

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục - 1
Diễn biến giá cước vận tải container. Ảnh: Drewry

Doanh nghiệp xuất khẩu tôm hưởng lợi từ khoảng trống nguồn cung do Covid-19

Ngành tôm đang trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản nội địa và có triển vọng kinh doanh sáng sủa nhờ các thị trường tiêu thụ hồi phục nhanh, trong khi các đối thủ xuất chính gặp khó khăn. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường châu Âu, Mỹ đang có xu hướng hồi phục. Cùng với đó, những ưu đãi đặc biệt về thuế quan, nhất là ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), sẽ tạo thuận lợi cho sản phẩm tôm Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh. 

Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia đang gặp nhiều khó khăn về lao động do tác động từ dịch Covid-19, sẽ để lại khoảng trống thị trường lớn về nguồn cung. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu tôm tới EU trong giai đoạn cuối năm 2021. 

SSI Research cũng cho biết việc Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới, gặp khó trong bối cảnh đại dịch sẽ giúp Việt Nam cải thiện thị phần trong các nước nhập khẩu – đặc biệt ở Mỹ. Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, trong đó nhu cầu đối với tôm chế biến đã tăng lên đáng kể. Đây luôn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trước Ecuador tại thị trường Mỹ và đối với tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới (EU và Nhật Bản ưa chuộng tôm chế biến).

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục - 2
Sao Ta tự tin sẽ tăng tốc quý cuối năm và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm nay. Ảnh: Sao Ta

Đánh giá về một doanh nghiệp nuôi tôm lớn trong ngành là Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC), SSI Research cho biết thị trường của công ty đa dạng với Nhật Bản (28%), EU (29%) và Mỹ (26%), cộng thêm thế mạnh là tôm chế biến (78%), điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm này.

Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua, Sao Ta có thể phục hồi hoàn toàn năng lực sản xuất từ giữa tháng 9 khi dịch bệnh dần được kiểm soát với tỷ lệ tiêm vaccine tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khi nền kinh tế mở cửa mạnh mẽ. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2022, mở ra thêm những thị trường xuất khẩu tiềm năng như Australia hay NewZealand.

Trong năm nay, đơn vị thành viên của The PAN Group đã nâng diện tích vùng nuôi từ 270 ha lên 370 ha. Hai nhà máy mới gồm nhà máy thủy sản Sao Ta (công suất 15.000 tấn/năm) và nhà máy chế biến tôm Tam An (công suất 5.000 tấn/năm) đang được triển khai đúng tiến độ và kỳ vọng vận hành từ quý II/2022, qua đó nâng tổng công suất thêm 20.000 tấn/năm, tăng khoảng 70% năng lực hiện tại.

Về hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm, Sao Ta ghi nhận những kết quả tích cực khi doanh thu tiêu thụ đạt khoảng 155 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ, thực hiện 77% kế hoạch cả năm. Doanh nghiệp tôm báo cáo lợi nhuận trước thuế tăng 8% lên gần 181 tỷ đồng, tương đương 72% mục tiêu năm.

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục - 3
Thị phần (%) theo doanh số năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 của Sao Ta. 

Nếu tình hình này giữ vững, lãnh đạo Sao Ta tự tin sẽ tăng tốc quý cuối năm và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm nay. Cụ thể trong năm 2021, công ty đặt chỉ tiêu sản lượng tôm tiêu thu dự kiến tăng 5% lên 18.500 tấn, doanh số theo đó đạt 200 triệu USD. Kế hoạch tổng doanh thu 4.650 tỷ đồng và lãi trước thuế 250 tỷ đồng; cùng tăng khoảng 6% so với năm ngoái.

Một doanh nghiệp hoạt động trong ngành tôm khác là Tập đoàn Minh Phú (UPCoM: MPC) cũng lên kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với thực hiện năm trước, lần lượt là 10% và 56% lên 15.774 tỷ và 1.187 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm, Minh Phú đạt doanh thu thuần giảm 11% về 8.886 tỷ đồng; lãi sau thuế tăng 19% đạt 566 tỷ đồng, thực hiện 48% kế hoạch cả năm.

Công ty nuôi tôm sinh thái Camimex Group (HoSE: CMX) cũng có kết quả khả quan trong 9 tháng đầu năm với doanh thu tăng 28% lên 1.432 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 33% đạt 59 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 88% kế hoạch doanh thu và 81% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Trao đổi với TTXVN, ông Võ Văn Sơn, Phó Tổng giám đốc Camimex Group cho biết 3 tháng cuối năm cũng là cao điểm thu mua, chế biến và xuất khẩu của doanh nghiệp ngành tôm, công ty đang hướng đến mục tiêu doanh số xuất khẩu 62-70 triệu USD chỉ cần nguồn cung nguyên liệu không quá khan hiếm hay bị gián đoạn do dịch Covid-19.

Doanh nghiệp cá tra hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục và giá tăng trưởng từ mức đáy

Xuất khẩu cá tra cũng được kỳ vọng sẽ khả quan hơn trong dịp cuối năm nhờ sự tăng trưởng mạnh tại một số thị trường mới và tiềm năng như Brazil, Nga, Ai Cập, Columbia…  Theo Vasep, tính đến nửa đầu tháng 10, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Brazil gấp hơn 1,5 lần đạt 47,44 triệu USD. Nhu cầu nhập khẩu thực phẩm, lương thực của quốc gia này cũng được dự báo là sẽ tăng mạnh cuối năm và cả năm 2022. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường Brazil trong thời gian tới. 

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục - 4
Ảnh: Undercurrent News

Tại hai thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU, SSI Research dự báo việc mở cửa trở lại và sự phục hồi liên quan đến vaccine sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, giá bán cá tra đã chạm đáy trong quý IV/2020, theo đó đơn vị phân tích nhận định kim ngạch xuất khẩu cá tra đang trong xu hướng tăng, cả sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân đều có khả năng phục hồi vào năm 2022.  Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ giảm bớt do cả giá hàng hóa và chi phí vận chuyển đều tăng.

Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định việc mức tồn kho của cá tra đang ở mức thấp nhất trong 2 năm gần đây (81.000 tấn cá nguyên liệu, 65.000 tấn cá thành phẩm) sẽ tạo áp lực làm tăng giá bán trong khi nhu cầu xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Giá cá nguyên liệu và giá cá giống hiện tại đang có xu hướng tăng nhẹ, BSC cho rằng giá cá đầu vào đang phản ánh lại nhu cầu thu mua từ nhà máy khả quan (khi đơn hàng xuất khẩu tốt), trong khi nguồn cung chưa khôi phục kịp sau thời gian giãn cách.

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục - 5
Ảnh: BSC

Tình hình doanh khởi sắc từ các thị trường xuất khẩu và giá cá sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp cá tra trong thời gian tới, đặc biệt là đơn vị đầu ngành như Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC).

Doanh nghiệp này cũng ghi nhận sự tăng trưởng bất ngờ về doanh thu (24%) và lợi nhuận (45%) trong quý III – thời điểm khó khăn đối với cả ngành cá tra. Theo số liệu từ Tổng cục Thủy sản, 39% cơ sở chế biến cá tra ngừng sản xuất do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện “3 tại chỗ” tính đến đầu tháng 9. Ngay cả sau khi kết thúc giãn cách xã hội, khoảng 30 – 40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi, số doanh nghiệp còn lại khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất theo dự đoán của Vasep.

BSC cho biết việc các doanh nghiệp khác ngừng sản xuất do không đáp ứng được gánh nặng chi phí trong thời gian giãn cách xã hội, các đơn hàng đổ về các công ty có vị thế vững chắc như Vĩnh Hoàn. Cùng với đó, Vĩnh Hoàn cũng xuất khẩu với giá bán trung bình tăng 20% trong quý vừa qua, theo tìm hiểu của công ty chứng khoán. Mỹ là thị trường xuất khẩu nổi bật với doanh thu tăng 49% lên 967 tỷ. 

Trái với kết quả khả quan như Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp sản xuất cá tra khác là Nam Việt (Navico, HoSE: ANV) báo lỗ hơn 13 tỷ đồng, trong khi quý III/2020 đạt lãi sau thuế 40 tỷ đồng. Navico cho biết nguyên nhân doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” dẫn đến sản lượng bán giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ “3 tại chỗ” phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test Covid và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại công ty.

Theo báo cáo SSI Research, Navico gần đây đã mở rộng công suất nuôi công nghệ cao (600 ha) để hoàn thiện chuỗi giá trị và cá tra sẽ được tự sản xuất 100%. Khi hoàn thành, 850 ha diện tích nuôi của Navico sẽ lớn hơn Vĩnh Hoàn (610 ha).

Tín hiệu khả quan từ xuất khẩu và giá bán, nhóm thủy sản kỳ vọng hồi phục - 6
Đơn vị: tỷ đồng

Theo Thảo Anh (Người Đồng Hành)




https://ndh.vn/ket-qua-kinh-doanh/tin-hieu-kha-quan-tu-xuat-khau-va-gia-ban-nhom-thuy-san-ky-vong-hoi-phuc-1304050.html