Kinh tế

Ngành thủy sản sẽ “chật vật” nếu dịch kéo dài

Trong những tháng đầu tiên của năm 2020, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã sụt giảm khá sâu và đối diện với nhiều khó khăn hơn khi dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) diễn biến ngày càng phức tạp...

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản của cả nước tháng 1/2020 ước đạt 556 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, xuất khẩu tôm đạt 251 triệu USD, tăng 7% còn xuất khẩu cá tra chỉ đạt 75 triệu USD, giảm tới 64%. Xuất khẩu các mặt hàng hải sản đạt 230 triệu USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, xuất khẩu cá ngừ giảm 30% đạt khoảng 40 triệu USD, xuất khẩu mực - bạch tuộc giảm tới 50% còn 33 triệu USD.

Ngành thủy sản sẽ “chật vật” nếu dịch kéo dài
Ngành thủy sản sẽ “chật vật” nếu dịch kéo dài.

Các thị trường chính đều giảm!

Cụ thể, trong nhóm các thị trường chủ lực, xuất khẩu sang Nhật Bản giảm 20%, còn 98 triệu USD; xuất khẩu vào Mỹ giảm mạnh 36% còn 75 triệu USD. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) ghi nhận mức giảm tới 45%, chỉ còn 51,5 triệu USD. Điểm sáng duy nhất trong hoạt động xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2020 là kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 127 triệu USD.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 là do trùng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên việc xuất nhập khẩu bị gián đoạn trong khoảng 10 ngày. Tiếp đó, đầu tháng 2 dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Trung Quốc đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, do vậy hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực.

“Năm 2019, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với tổng giá trị đạt 622,7 triệu USD, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu. Thời gian qua, nhu cầu sự tăng trưởng ổn định, giá tốt, chủng loại hàng hóa nhập khẩu và phân khúc thị trường đa dạng nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam vẫn tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường chiến lược trong năm 2020. Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc bị gián đoạn thì cá tra là mặt hàng chịu tác động nhiều nhất” - ông Hòa cho hay.

Tình hình được dự báo ngày càng khó khăn hơn khi dịch bệnh do Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, nhiều thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc... đang bùng phát dịch khiến nguy cơ về triển vọng xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này dự báo sẽ... “khó càng thêm khó”. Theo tính toán của VASEP, trường hợp khả quan nhất là dịch Covid-19 được khống chế trong quý 1/2020 thì xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong quý I/2020 cũng sẽ giảm ít nhất là 40% so với quý 4 năm 2019. Tuy nhiên, trong các quý tiếp theo sẽ hồi phục và guồng sản xuất xuất khẩu lại vận hành bình thường trong nửa cuối năm.

Ngược lại trong tình huống dịch bệnh kéo dài hơn nữa, xuất khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh, kéo theo sự sụt giảm của các thị trường khác thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2020 có thể chỉ tăng trưởng khoảng 3-4% so với năm 2019.

Hiệp hội sẽ kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ nuôi trồng bị thiệt hại thông qua việc giảm lãi suất vay vốn và gia hạn thời gian trả nợ ngân hàng, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

“VASEP đang tích cực tìm hiểu thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng ứng phó kịp thời. Mặc dù thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, VASEP nhận thấy, có 2 cơ hội mà các doanh nghiệp có thể nắm bắt. Một là, nên chuẩn bị để sản xuất hàng đông lạnh, đồ hộp, bởi khi có dịch bệnh, thói quen, văn hóa ăn uống của người dân sẽ thay đổi, nhiều khách hàng chuyển sang dùng đồ hộp thay vì hàng tươi sống. Hai là, một số mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt Nam (như cá ngừ) đang bị giảm sâu. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có thủy sản, tạo cơ hội cho nguồn cung từ các thị trường khác vào Mỹ, trong đó có Việt Nam” - ông Hòa nói thêm.

Ngành thủy sản sẽ “chật vật” nếu dịch kéo dài - 1
Ảnh minh họa.

Chuyển hướng chinh phục thị trường nội địa

Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay, chuyển hướng sang chinh phục thị trường nội địa cũng là hướng đi để ngành thủy sản phát triển bền vững. Không thể quá phụ thuộc vào các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Có thể phát triển mạnh ra các thị trường khác, chẳng hạn như EU và các nước khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đồng quan điểm, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta, một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu tôm trong ngành thủy sản, cũng cho hay: “Trong bối cảnh khó khăn về thị trường do dịch Covid-19, các doanh nghiệp chuyển hướng sang chinh phục thị trường nội địa là một hướng đi rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về các giải pháp nguồn vốn, xúc tiến thị trường...”.

Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam thì cho biết, trước tình hình xuất khẩu tới một số thị trường chính gặp khó khăn từ năm 2019, đến đầu năm 2020 lại ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên nhiều doanh nghiệp trong ngành đang có xu hướng đưa cá tra quay lại chinh phục thị trường trong nước.

Theo ông Quốc, cá tra có giá trị dinh dưỡng cao, giá lại rẻ, nhưng chưa được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng.

“Vì vậy, bên cạnh chiến lược xuất khẩu sang những thị trường trọng điểm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tiếp thị, mở rộng kênh phân phối tại thị trường trong nước...” - ông Quốc nhấn mạnh.

Theo Hồng Nhi (Nguoitieudung.com.vn)




http://www.nguoitieudung.com.vn/nganh-thuy-san-se-chat-vat-neu-dich-keo-dai-d81116.html