Kinh tế

Trung Quốc, Ấn Độ và Nga có tiếng nói lớn hơn ở IMF

Trung Quốc, Ấn Độ và Nga sẽ sớm có tiếng nói lớn hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi Quốc hội Mỹ đồng ý dỡ bỏ các rào cản cuối cùng để cải cách tổ chức quốc tế này.

Trung Quốc, Ấn Độ và Nga sẽ sớm có tiếng nói lớn hơn trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), sau khi Quốc hội Mỹ đồng ý dỡ bỏ các rào cản cuối cùng để cải cách tổ chức quốc tế này.

Theo giới truyền thông, sau nhiều năm phản đối, Quốc hội Mỹ mới đây đồng thuận dỡ bỏ các rào cản cuối cùng cho việc cải cách, vốn sẽ cung cấp cho các cường quốc thị trường mới nổi tiếng nói lớn hơn trong IMF - tổ chức tài chính quốc tế quy tụ 188 nước.

Cải cách IMF là một phần trong gói chi tiêu 1.100 tỉ USD được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 18.12 và đang đợi chữ ký của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Các cải cách được cộng đồng quốc tế thông qua vào năm 2010 và dự kiến đã có hiệu lực từ năm 2012. Tuy nhiên với việc Mỹ là nước giữ phần lớn nhất quyền biểu quyết tại IMF, chuyện Quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn cải cách đã khiến quá trình cải cách phải trì hoãn. Cản trở trên đã trở thành điểm mâu thuẫn giữa chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama thuộc đảng Dân chủ và phe Cộng hòa đối lập kiểm soát Quốc hội.

Những năm gần đây, các hội nghị thượng đỉnh quốc tế cũng đưa ra lời nhắc về việc cải cách IMF bị đình trệ. Chuyện này càng gây thất vọng hơn khi Mỹ là một trong các nước đầu tiên kêu gọi đại tu IMF vào năm 2010, giữa cuộc khủng hoảng tài chính thế giới. Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất được tổ chức vào tháng 11 ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm 20 cường quốc kinh tế cho hay họ “vẫn thất vọng sâu sắc” với sự chậm trễ trong cải cách và kêu gọi Mỹ phê chuẩn cải tổ càng sớm càng tốt.

Quyết định mới đây của Mỹ có thể làm giảm bớt sự thất vọng với tổ chức tài chính 70 tuổi vốn do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thống trị, đồng thời loại bỏ nỗi trăn trở lớn đối với chính quyền Tổng thống Obama.

Cuộc cải cách này rất quan trọng với IMF, khi sẽ tăng gấp đôi nguồn lực tài chính lâu dài cho tổ chức này, lên 660 tỉ USD. Song trên hết, các thay đổi sẽ giúp tổ chức có trụ sở ở Washington (Mỹ) phản ánh tốt hơn sự liên kết hiện tại của nền kinh tế thế giới. Giảm đại diện từ các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là ở châu Âu để giúp các nền kinh tế mới nổi, năng động có tiếng nói lớn hơn là một trong các biện pháp cải tổ ban điều hành IMF.

Hiện tại, với 16,5% quyền biểu quyết, Mỹ là bên hữu quan lớn nhất và là nước có quyền phủ quyết. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới - chỉ có ít hơn 4% quyền biểu quyết tại IMF, thấp hơn một chút so với Ý, đất nước có nền kinh tế nhỏ hơn gấp 5 lần. Sau khi các cải cách được thực hiện, Trung Quốc sẽ có quyền biểu quyết tăng gần gấp đôi, lên 6%. Tiếng nói của Ấn Độ cũng sẽ tăng lên 2,6%.
 
>> IMF cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu

Theo Thu Thảo (Thanh Niên Online)