Kinh tế

Vì sao vàng SJC bị đẩy giá, đắt hơn thương hiệu khác cả chục triệu/lượng?

Giá vàng SJC trong nước cao hơn thế giới và các thương hiệu nội từ 13-14 triệu đồng/lượng. Đâu là nguyên nhân, nên quản lý giá hay để thị trường tự điều chỉnh?

Vì sao giá vàng SJC cao hơn thế giới?

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, cho hay, giá vàng SJC do cung – cầu của thị trường, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không quản lý về giá. Các công ty tự định giá dựa trên giá hôm trước theo thị trường. 

Nếu có nguồn cung nhiều, người bán nhiều thì họ hạ giá mua và bán xuống; còn nếu người mua nhiều hơn người bán thì họ làm bài toán cung – cầu và quyết định giá bán, dĩ nhiên cũng chiểu theo giá thế giới.

Theo ông Khánh, bình quân mức chênh lệch giá vàng SJC so với giá thế giới khoảng 12 triệu đồng/lượng. Khi nhu cầu lớn quá, bình quân mức chênh lệch lên tới 13 – 14 triệu đồng/lượng. Còn trong nước, giá vàng SJC chênh lệch bình quân cao hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 10 triệu đồng/lượng.

“Nhà nước cho phép SJC nhập nguyên liệu về để sản xuất một số lượng vàng miếng nhất định để cung ứng cho thị trường; có thể khoảng 500 – 1.000 lượng chẳng hạn, giá sẽ xuống ngay.

Vấn đề là vàng SJC lâu nay không có nguồn cung. Nguồn cung chỉ do trong dân bán ra, nếu không có ai bán, nguồn cung ít thì giá càng ngày càng lên. Do đó, cứ có nguồn cung giá sẽ giảm xuống”, ông Khánh nói.

Vì sao vàng SJC bị đẩy giá, đắt hơn thương hiệu khác cả chục triệu/lượng?
Giá vàng SJC trong nước cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho hay, theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, vàng SJC là vàng độc nhất, bản thân SJC cũng không muốn “một mình một chợ”. 

“Thương hiệu vàng quốc gia, gần như “độc quyền”. Nhiều hộ kinh doanh vàng cũng kiến nghị bỏ thế “độc quyền” đi. 10 năm trước, điều đó có thể đúng để quản lý thị trường vàng. Nhưng 10 năm sau, hiện tượng vàng hóa của thị trường đã bớt rất nhiều, gần như không còn nữa. Vì thế, nên bỏ thế độc quyền của SJC thì sẽ bỏ được chênh lệch về giá”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, cũng chia sẻ với VietNamNet, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá, một trong những yếu tố thành công là để thị trường vàng tự vận hành, mặc dù đưa ra một số rào cản, khuôn khổ để cho nó vận hành qua việc các ngân hàng không được phép huy động vàng, cho vay vàng; hay chỉ có NHNN được nhập khẩu vàng.

“Nên giữ cơ chế này, nếu thấy giá vàng lên và điều chỉnh giá thì e rằng thị trường sẽ thiết lập thị trường chợ đen, trong đó Chính phủ không kiểm soát được. 

Độc quyền của SJC trên thị trường vàng là điều không tốt. NHNN nên lấy lại thương hiệu vàng quốc gia của SJC. Từ trước tới nay vẫn xem SJC là vàng mang thương hiệu quốc gia được nhà nước công nhận; từ đó tạo ra lợi thế không cạnh tranh của SJC”, ông Hiếu nói.

Đề xuất một số doanh nghiệp kinh doanh vàng được nhập khẩu

Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh cho biết, Hiệp hội đã có nhiều đóng góp, kiến nghị bằng văn bản tới NHNN. Trước mắt, chưa cần thay đổi Nghị định 24, bởi sẽ mất rất nhiều thời gian. Hiệp hội đang đề xuất cho một số đơn vị lớn như PNJ, Doji, SJC, mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng để làm nguyên liệu, sản xuất vàng nữ trang.

Theo ông Khánh, số lượng 500 kg này sẽ nhập dần dần, mỗi lần chỉ khoảng 50kg. Sử dụng đến đâu nhập đến đó, cam đoan không bán vàng đó ra thị trường, chỉ dùng làm nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang.

Hiện tại, Hiệp hội và các doanh nghiệp vẫn đang chờ câu trả lời từ NHNN.

“Còn nếu sửa Nghị định 24, Hiệp hội xin tự do hóa hoàn toàn, nghĩa là đưa ngành vàng nữ trang là ngành kinh doanh không cần điều kiện. Vàng miếng cũng xin được tự do kinh doanh, không có độc quyền, cho các doanh nghiệp được kinh doanh như một mặt hàng thông thường; còn việc nhập nguyên liệu thì vẫn do NHNN kiểm soát. 

NHNN có thể chuyển giao quản lý về mặt nhà nước của ngành vàng vật chất cho Bộ Công Thương. Hiện, ở các nước, mua bán vàng nữ trang, vàng miếng đều thuộc quản lý của Bộ Thương mại, chứ không phải NHNN. Còn NHNN chỉ quản lý dự trữ thôi, chứ không quản lý vàng vật chất”, ông Khánh cho hay.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu thì nói thẳng: Giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới quá xa là do chỉ có NHNN là đơn vị nhập khẩu vàng duy nhất trên thị trường, nguồn cung không dồi dào để đáp ứng sức cầu của thị trường vàng Việt Nam. 

“Hãy “tháo van” đó ra, hãy để nhiều công ty kinh doanh vàng có uy tín, thực lực tài chính tham gia thị trường nhập khẩu vàng. Mở rộng quy mô nguồn cung, đáp ứng cầu thì giá vàng sẽ xuống.

Việc NHNN tham gia vào thị trường vàng với tư cách là thành viên của thị trường vàng nên xem xét lại. Nên để các thành viên của thị trường vàng không có mặt của NHNN, để nó tự vận hành”, ông Hiếu nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, một số nước ở châu Mỹ, các ngân hàng trung ương có thể tham gia thị trường vàng nhưng hạn chế và đặc biệt không tham gia vào thị trường vàng nguyên chất.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 9/6/2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến chênh lệch giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác; phải chăng độc quyền một thương hiệu vàng SJC là nguyên nhân dẫn tới giá vàng miếng tăng cao?

Theo Thống đốc, trong Nghị định 24, có chính sách NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Tại thời điểm đó, SJC là thương hiệu chiếm trên 90% thị trường. Qua phân tích, đánh giá chi phí, lợi ích, NHNN quyết định sản xuất vàng miếng nhưng thuê SJC gia công dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN. Vàng SJC giá cao nhưng là mua cao, bán cao. Các thương hiệu khác thường mua thấp, bán thấp.

Thống đốc cho biết, trong quá trình tổng kết Nghị định 24 sẽ phân tích, đánh giá. Nếu không độc quyền nữa, cho các doanh nghiệp khác sản xuất vàng miếng cần đánh giá kỹ lưỡng. Lúc đó, sẽ xin ý kiến của các bên liên quan.

Theo Nguyễn Lê (VietNamNet)




https://vietnamnet.vn/vi-sao-vang-sjc-bi-day-gia-dat-hon-thuong-hieu-khac-ca-chuc-trieu-luong-2222372.html