Kinh tế

Việt Nam nhập điện thoại, linh kiện, máy móc nhiều nhất từ Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất nửa đầu 2018, chiếm gần 30% tổng giá trị. Máy vi tính, điện thoại, linh kiện điện tử, vải… chủ yếu cũng được nhập từ quốc gia này.

Báo cáo về tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng Cục hải quan cho biết nửa đầu năm nay, trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ 10 thị trường lớn nhất đạt 101 tỷ USD, chiếm gần 97% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của cả nước.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Việt Nam, với hơn 30,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 28,9% trong tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu. So với năm 2017, con số này đã tăng thêm 12,3%.

Việt Nam nhập điện thoại, linh kiện, máy móc nhiều nhất từ Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất trong nửa đầu năm 2018. Ảnh: Lê Hiếu.

Theo số liệu thống kê, trị giá nhập khẩu của 10 nhóm hàng lớn nhất đạt trị giá hơn 76 tỷ USD, chiếm gần 70% trong tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Trong đó, Trung Quốc hầu như đều tham gia cung ứng và dẫn đầu gần hết 10 nhóm hàng hóa nhập khẩu này.

Cụ thể, nửa đầu 2018, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng của Việt Nam được nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với 5,5 tỷ USD (tăng 3,3% so với cùng kỳ). Trong khi đó, các sản phẩm thuộc nhóm này nhập khẩu từ Hàn Quốc lại giảm đến 41,3%.

Với mặt hàng điện thoại và linh kiện, Trung Quốc cũng là thị trường cung ứng nhiều nhất với 3,63 tỷ USD, chiếm hơn 60% tổng sản phẩm điện thoại đã nhập. Con số này gần như áp đảo so với các nước khác mạnh về sản phẩm này như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Ở mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và kinh kiện, giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 3,3 tỷ USD (tăng nhẹ 1,9%). Nhóm hàng này, nhà cung ứng Trung Quốc đứng vị trí thứ hai sau Hàn Quốc, nước đứng đầu đạt 8,49 tỷ USD.

Việt Nam nhập điện thoại, linh kiện, máy móc nhiều nhất từ Trung Quốc - 1
Các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018. Đồ họa: Phúc Minh.

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về việc cung ứng vải, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu ngành dệt may, giày da và các sản phẩm từ chất dẻo.

Sau Trung Quốc, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 với 22,6 tỷ USD. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một trong số ít các thị trường đạt tốc độ tăng trưởng âm (thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái 0,1 tỷ USD).

Tiếp theo là những nhà cung ứng từ các quốc gia ASEAN (15,8 tỷ USD), Nhật Bản (8,9 tỷ USD), các nước thuộc khối Liên minh châu Âu, Đài Loan (6,4 tỷ USD)…

Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)